Trong Phụng Vụ của Giáo hội Công giáo, có ba ngày lễ sinh nhật được mừng kính: sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 9 và sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả ngày 24 tháng 6. Đặc biệt, ngày lễ kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa Giáng Sinh được mừng kính cách vô cùng long trọng vào ngày 25 tháng 12, đây là ngày mà chứng kiến sự kiện “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).
Ngày lễ Giáng sinh được chuẩn bị bằng Mùa Vọng trong Năm Phụng Vụ, kéo dài khoảng bốn tuần trước đại lễ Giáng sinh. Mùa Vọng từ tiếng La tinh có nghĩa là “đến” hướng tâm hồn tín hữu suy niệm về Chúa Giêsu Kitô đến lần thứ nhất khi được hạ sinh nơi hang đá Bê-lem, trong khi chờ đợi cuộc quang lâm thứ hai của Người. Mùa Vọng là thời gian trông chờ, thống hối, hoán cải tâm hồn, trở lại với hy vọng và suy tư về yêu thương, hòa bình mà Đấng Cứu Thế đem đến cho nhân loại, đồng thời với gương khiêm nhường, khó nghèo của Hài Đồng Giêsu nơi hang đá Bêlem.”.
Trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói đến các môn đệ của Chúa Giêsu mừng Sinh nhật của Chúa. Nguồn gốc ngày lễ Giáng Sinh xuất phát từ Kinh Thánh không phải là những dữ kiện lịch sử có ngày tháng năm ấn định.
Tin Mừng Thánh Luca đã tường thuật việc “sứ thần Chúa” hiện ra với “những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đoàn vật”; đang khi “họ kinh khiếp hãi hùng” thì thiên thần báo tin về Đấng Cứu Độ sinh ra với dấu chỉ để nhận biết Người: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành của Đa-vít. Người là Chúa Kitô. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2: 8-12)
Tin Mừng theo Thánh Matthêu ghi rằng: “Chúa Giêsu ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì” (Mt 2,1).
Điều đó đem đến cho chúng ta hiểu rằng: ngày 25 tháng 12 là Giáng Sinh của Chúa Giêsu hay Chúa Giêsu xuống thế làm người, nhưng giáng sinh không theo nghĩa người đời mà đặt trong những chiều kích thiêng liêng. Ngày Lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh phải được đặt trong chiều sâu của ý nghĩa Phụng Vụ Thánh của toàn thể Giáo hội về “Chúa Giêsu đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”.
Trong Tin Mừng Luca cũng ghi những dòng vắn vỏi về sự kiện Chúa Giáng Sinh: “Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số. Khi hai ông bà Giuse và Maria đang ở thành Bê-lem thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2: 6-7). Chúa Giêsu giáng sinh là sự kiện siêu việt làm vinh danh trên trời và đem bình an cho người dưới thế như Thánh sử Lu-ca nói đến “muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”(Lc 2: 14).
Trước 2000 năm Chúa giáng sinh, các dân tộc trên thế giới đều có những ngày lễ khác nhau vào tháng 12. Ở Ägyptern/ Egypt mừng sinh nhật Horus, Ấn Độ mừng chúa Ánh sáng (Lichtgotte), người La Mã cổ mừng ngày hội Saturnalien. Tất cả các quốc gia có nhiều lễ lộng lẫy riêng biệt. Giáo Hội sơ khai vào thế kỷ 1, 2, không cử hành lễ mừng ngày Chúa Giáng Sinh. Theo Giáo sử ghi lại, các nghi lễ đầu tiên về Giáng Sinh được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng trong các Giáo Hội Đông Phương. Đến thế kỷ thứ 3 mới có lễ mừng Chúa Giêsu ra đời để thay thế lễ Thần Saturnalia vào 25 tháng 12.
Năm 217 Đức Giáo Hoàng Hyppolist đã chọn ngày 25 tháng12 là ngày Chúa Giáng Sinh và qua các mùa Vọng. Giáo Hội thiết lập Lễ Giáng Sinh để thay thế lễ nghi của người ngoại giáo thời xưa với Lễ Đông Chí khoảng 25 tháng 12, khi ngày và đêm dài bằng nhau; từ đó dần dần ngày dài thêm ra, với ánh Mặt Trời chiếu sáng vượt thắng tối tăm và sức nóng xóa tan không khí lạnh lẽo của Mùa Đông. Tại Phương Đông, có tục thờ bụt Mithra là vị thần ánh sáng, theo Niên Lịch Jules César, ngày lễ vào 25 tháng 12 là sinh nhật Thần Mặt Trời được nhân dân đón mừng với niềm hân hoan có ánh sáng và sức nóng cần cho sự sống, giúp cho đất đai phì nhiêu để gieo vãi, từ đó có hoa màu để sinh sống. Điều đó thể hiện một sự mặc khải huyền diệu về chính Chúa Giêsu là ánh sáng và sự sống.
Vào năm 330, hoàng đế Constantino đã ban sắc chỉ và chính thức thay lễ thờ Thần Mặt Trời 25 tháng 12 bằng Đại lễ mừng kính Chúa Giêsu Giáng Sinh.
Đến thế kỷ thứ 5 mới có Lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh và chính Đức Giáo hoàng Sistô III đã cử hành Lễ Giáng Sinh đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12.
Dần dần Phụng Bụ có nghi thức của ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh gồm: Lễ Vọng vào đêm 24-12 có những lễ nghi mừng Chúa Giêsu sinh ra, nhất là Thánh Lễ nửa đêm với nghi thức phụng vụ phổ biến khắp nơi, theo tinh thần đạo đức hân hoan “nửa đêm mừng Chúa ra đời”; Lễ Chính Ngày vào 25-12 với thánh lễ đặc biệt mà các Linh mục gọi là Thánh Lễ Đức Kitô hay “Christ-mass”, về sau đọc thành Christmas.
Đến thế kỷ 12, Lễ Giáng Sinh trở thành đại lễ trong Giáo Hội Tây Phương, và phần lớn các Giáo Hội Kitô đều mừng Lễ Giáng Sinh ngày 25-12.
Vào ngày lễ Giáng Sinh, trong các nhà thờ Công giáo nào cũng có “máng cỏ” và khắp mọi nơi, khi trang hoàng Giáng Sinh cũng có máng cỏ, với hài nhi Giêsu, bà Maria, ông Giuse, có chiên, bò, lừa, thở hơi cho ấm con trẻ và có vài ba mục đồng ngắm nhìn hài nhi.
Năm 1223 tại thành Greccio nước Ý, Thánh Phanxicô Assisi đã thực hiện mô hình đầu tiên với máng cỏ sống động diễn tả về sự kiện Chúa Giêsu Giáng Sinh. Ngoài các mục đồng, chứng nhân còn có ba nhà đạo sĩ gọi là Ba Vua từ Phương Đông đến tìm Người, theo truyền thống thì đó là Melchior, Gaspard và Balthazar.. Nhờ có ngôi sao lạ dẫn đường ba vị đến nơi thì thấy “Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria” (Mt 2, 11).
Ðêm 24 tháng 12, nơi các thánh đường và cả nơi các cộng đoàn hay gia đình đều có hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng chúa Hài đồng tượng Đức Mẹ Maria, chung quanh có những con lừa, các tượng Ba Vua một số Thiên thần, thánh Giuse trên mái nhà có ánh sáng, chiếu từ một ngôi sao hướng dẫn 3 vua tìm đến với Chúa. Mọi người đều hướng về Chúa nhân từ, cầu nguyện Chúa cứu rỗi cho nhân loại tránh bớt chìến tranh nghèo đói và những đau khổ của kiếp người: “Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Belem ánh sáng tỏa lan tưng bừng nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng. Ðàn hát xướng ca dư âm vang xa. Ðây Chuá Thiên Toà Giáng sinh vì ta..Người hỡi đến xem nơi hang Be Lem. Ôi Chúa Giáng sinh khăn thấp hèn. Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than...“
Chúa Giêsu Giáng Sinh đem đến an bình và hân hoan cho mọi người. Vì thế, không khí vui tươi được phản ảnh qua các ca khúc hay Thánh Ca Giáng Sinh không thể thiếu vắng trong mùa này khi mà đâu đâu cũng vang vọng các ca khúc đem niềm vui khắp nơi. Thánh Ca vang lừng với tiếng đàn, tiếng chuông. “Silent Night, Holy Night” (Đêm Thánh vô cùng) là Thánh ca bất hủ, không thể thiếu vắng khi Mùa Giáng Sinh đến. Đầu tiên là thánh ca tiếng Đức – Stille Nacht! Heilige Nacht! từ bài thơ của Joseph Mohr, một Linh mục người Áo, vào năm 1816, và sau đó Franz Xavier Gruber đã phổ nhạc vào Lễ Vọng Giáng Sinh năm 1818, rồi đem ra hát vào Đêm Giáng Sinh cùng năm. “Jingle Bells” là ca khúc dân gian Hoa Kỳ nổi danh, do mục sư James Pierpoint sáng tác vào dịp Lễ Thanksgiving 1857 tại Boston cho các em Trường Chúa Nhật (Sunday School). Sau nầy đồng hóa với nhạc Giáng Sinh đón mừng Ông Già Noel hay Santa Claus đem niềm vui đến cho nhi đồng.
Sau bốn tuần lễ Mùa Vọng chờ đợi, Giáo hội Công Giáo long trọng mừng lễ Giáng Sinh trong niềm hân hoan phấn khởi. Lễ Giáng Sinh trở nên rất phổ biến với cái tên là Noel, vì hầu như mọi người : tín hữu hay không, bằng cách này hay cách khác, đều có thể mừng lễ Noel. Lễ Giáng Sinh là dịp để nhắc nhớ mọi người về “Đấng Cứu Độ đã giáng sinh cho các ngươi”(Lc 2,11). Thiên Chúa đã nhập thể và nhập thế để ở cùng chúng ta. Ngài là Đấng Emmanuel bao đời mong đợi. Thiên Chúa làm người để con người được làm Thiên Chúa.
Tâm tình ngày lễ Giáng Sinh của chúng ta phải có tính cách tích cực, bởi vì nhìn lại lịch sử từ ngày Chúa Giáng sinh, đã có biết bao nhiêu người mừng lễ Noel, nhưng họ đã không một lần gặp được Chúa Hài đồng, dường như họ coi lễ Noel là dịp để vui chơi, giải trí, được dịp chưng diện, mà không biết phóng con mắt tâm hồn qua không gian và thời gian về hang Belem mà chiêm ngắm Chúa Hài Nhi, để hòa nhịp với các nhân vật bé mọn nghèo hèn đang thờ lạy Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người. Chúng ta cùng hiệp thông trong ngày Giáng Sinh trọng đại để cảm tạ Chúa vì hồng ân giáng sinh này và đáp trả lại bằng một đời sống chứng nhân đượm tình bác ái đối với tha nhân.
Cùng với Giáo hội, và tòan thế giới, chúng ta hân hoan mừng Sinh nhật của Ngôi Lời Nhập Thể, một Hài Nhi sinh ra trong máng cỏ đơn hèn. Hài nhi Giêsu bé nhỏ nằm trong máng cỏ nghèo hèn chính là Thiên Chúa thật. Với việc nhập thể của Ngôi Hai, Con Thiên Chúa đã làm người để đưa từng người chúng ta lên địa vị con Thiên Chúa.
Merry Christmas! Chúc mừng Giáng Sinh!