Suy tư - Chia sẻ

Điều kiện để đi theo Chúa

Cập nhật lúc 13:13 29/08/2023
Chúa nhật XXII, Thường niên, năm A; Bài đọc 1: Gr 20, 7- 9; Bài đọc 2: Rm 12, 1- 2; Tin Mừng: Mt 16, 21- 27
Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo.
Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo.

Người ta vẫn thường nói: Vạn sự trên đời không phải cứ muốn là có. Bởi vậy, trong cuộc sống chúng ta thường phải đánh đổi hay chấp nhận hy sinh nhiều thứ để mong đạt đến một giá trị, vinh quang nào đó. Thực tế cho thấy, không có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện: muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi đòi hỏi khổ luyện,… đặc biệt đối với người Kitô hữu, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách, nghĩa là chúng ta phải bước đi trên con đường Thập giá mà Đức Giêsu đã luôn mời gọi. 
Lời Chúa hôm nay, đưa chúng ta đến với con đường Giêsu, con đường không phải rộng thênh thang rải đầy hoa hồng nhưng đó là con đường hẹp và đầy chông gai, thử thách.
Chính ngôn sứ Giêrêmia được nói đến trong bài đọc 1, được biết đến là một người sống theo Lời Chúa một cách triệt để. Bản thân ông được xem là người rất nhạy cảm, nhút nhát. Trong khi đó nhiệm vụ ngôn sứ đòi hỏi người đó phải lớn tiếng can thiệp vào đời sống chính trị và tôn giáo của dân, để cảnh cáo lối sống vô luân và đe dọa những hình phạt Thiên Chúa sẽ giáng xuống trên họ. Thế nhưng, khi được Thiên Chúa kêu gọi ông đã từ bỏ ý riêng mà can đảm để hết mình thực thi Thánh ý của Thiên Chúa. Giêrêmia đã phải chấp nhận những bất công cho chính bản thân mình “bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày”. Ông gặp phải toàn những sự chống đối, hắt hủi và bắt bớ cách dữ dội khi truyền lời sấm của Thiên Chúa đến cho dân. Có lúc ông đã toan tính định từ bỏ sứ mạng ngôn sứ: Có lần tôi tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”. Nhưng Thiên Chúa đã cho ông cảm nhận được sức mạnh từ lời của Ngài và ông đã thốt lên rằng: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ”. Từ sự cảm nhận đó, Giêrêmia luôn chu toàn trong mọi sứ mạng mà Thiên Chúa muốn ông thực hiện.
Trong bài Tin Mừng Matthêu, chính Đức Giêsu cũng đã làm rõ ý muốn của Ngài khi mời gọi các môn đệ “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo”. Trong lời mời gọi, Đức Giêsu cho chúng ta nhận thấy những điều kiện cần thiết để đi theo Chúa: một là sự từ bỏ chính mình, tiếp đến là vác Thập giá đời mình để theo. Cả hai điều kiện trên đòi hỏi chúng ta một sự dấn thân quyết liệt, kiên nhẫn, tín thác và chấp nhận mọi thử thách gian nan. 
Trước hết là sự từ bỏ chính mình, từ bỏ “Cái tôi”. Chúng ta biết rằng mỗi người khi được sinh ra đã là những cá thể riêng biệt, không ai giống ai hoàn toàn. “Cái tôi” của mỗi người phản ánh cái khác biệt đó. Tự bản chất “Cái tôi” không có gì xấu, nhưng khi chúng ta xem trọng “cái tôi” của mình quá lớn thì nó lại dẫn đến những điều tiêu cực trong nhân cách của mình. Người có “Cái tôi” quá lớn sẽ tự cho mình là trung tâm, từ đó dễ rơi vào một thái độ kiêu ngạo, xem thường người khác. Thế nên, khi chúng ta ý thức việc từ bỏ chính mình, chúng ta thể hiện sự quyết tâm, hy sinh để ta sống hài hòa trong tương quan giữa con người với nhau. Nhịn một lời nói, kiềm chế một hành động, tránh những lời xét đoán người khác, coi trọng tất cả mọi người, không ngại khó, ngại khổ, chấp nhận chịu thua thiệt… Đó là những biểu hiện diễn tả chúng ta đang đi theo con đường của Chúa. Từ bỏ chính mình cũng là thể hiện một sự dấn thân cách trọn vẹn. Thật vậy: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3).
Từ bỏ chính mình là một điều khó vì xu hướng của con người là luôn muốn khẳng định mình chứ không phải ai khác; nhưng khi từ bỏ cái tôi là lúc chúng ta đặt mình ở dưới Thiên Chúa, và để cái tôi của mình trọn vẹn tùy thuộc vào ý muốn của Ngài. Chính Đức Giêsu đã không theo ý của mình nhưng đã một lòng theo ý của Cha mà vui lòng đi trên con đường Thập giá. 
Điều kiện quan trọng thứ hai nữa, Chúa mời gọi chúng ta hãy vác Thập giá đời mình. Thập giá cuộc đời không còn là cây gỗ nặng trĩu như Chúa Giêsu vác khi xưa. Thập giá cuộc đời có thể hiểu là những đau khổ, khó khăn; những nhiệm vụ nặng nề; những điều buồn phiền; những nỗi sợ hãi; những gì khiến tôi bị tổn thương; những tật xấu và những gì tương tự như thế. Việc vác Thập giá là chúng ta chấp nhận những sự trên để vui lòng mang hằng ngày, xem đó là một phần của cuộc sống chúng ta và chúng ta cũng không nên đẩy bất kỳ cay đắng nào sang những người chung quanh mình. Vác Thập giá mình hằng ngày còn có nghĩa là chấp nhận ơn Chúa ban cho chúng ta thường không phải là những gì chúng ta kỳ vọng. Thiên Chúa luôn đáp lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng thường thì, Ngài cho chúng ta những gì chúng ta thực sự cần hơn là những gì chúng ta nghĩ mình cần. 
Để xứng đáng bước theo con đường của Chúa, chúng ta không bao giờ được khước từ Thập giá, vì mỗi lần chúng ta, mỗi lần con người từ chối sống bác ái, yêu thương là mỗi lần con người chối từ Thập giá. Mỗi lần chúng ta than van, kêu trách, gây hận thù khi gặp đau khổ, bất hạnh là chúng ta chối từ Thập giá Chúa trao. Điều Chúa muốn chúng ta là hãy hết lòng tín thác, cậy trông vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vì “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”.
Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta đã có thể phân định rõ đâu là con đường tốt nhất mà Chúa đang mời gọi chúng ta. Đó không phải là con đường đi theo ý muốn, chiều theo sở thích của chúng ta, nhưng là con đường mà chính Đức Giêsu đã đi và Ngài mời gọi chúng ta cùng đi. Chính con đường Thập giá là con đường Thiên Chúa thể hiện tình yêu trọn vẹn đến với con người vì trên con đường đó Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả những khổ đau, nhục nhã, tội lỗi của con người và rồi cứu thoát con người “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). 
Mặt khác, con đường Thập giá cũng đem đến sự vinh quang phục sinh vĩnh cửu nơi Đức Kitô; đó cũng là niềm hy vọng mà chúng ta khao khát để có được. Bởi vậy, mỗi người chúng ta hãy can đảm “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để chúng ta thờ phượng Người. Chúng ta đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người chúng ta bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo để chỉ vì yêu Chúa và mang lại hạnh phúc cho mình và tha nhân. Cuối cùng là niềm hy vọng vào hưởng phúc vinh quang cho cuộc sống mai sau.
Tu sĩ Phêrô Ngô Văn Lượng
Thông tin khác:
Lòng thương xót Chúa cần chúng ta cộng tác (29/08/2023)
Đối với tôi Đức Giêsu là ai ? (18/08/2023)
Chính Chúa chọn con (18/08/2023)
Niềm tin và sự khiêm tốn (09/08/2023)
Lửa thiêng của Chúa Thánh Thần (09/08/2023)
Đừng sợ (03/08/2023)
Hãy biết nhạy bén (03/08/2023)
Sống yêu thương (27/07/2023)
Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa (27/07/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log