“Mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người”. |
Tất cả chúng ta, những người đã được chịu phép Rửa tội được gọi là Kitô hữu, là người thuộc về Đức Kitô, có Chúa Kitô, là bạn hữu Chúa Kitô… Vậy, Chúa Kitô là ai? Ngài là ai mà tôi lại lựa chọn trở nên người Kitô hữu? Ngài là ai mà thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21)? Cũng như Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ khi xưa, Lời Chúa hôm nay, Người cũng trực tiếp hỏi đích danh mỗi người chúng ta: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (Mt 16,15).
Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, hầu hết dân chúng vẫn chưa nhận thức được Đức Giêsu là ai. Trước những lời đồn đoán của dân chúng: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, người khác lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16,14), Đức Giêsu trực tiếp hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (Mt 16,15). Khi đặt câu hỏi này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ ý thức về lập trường của chính họ. Thánh Phêrô đã đại diện các tông đồ tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).
Câu trả lời của thánh Phêrô hoàn toàn chính xác và thực sự không chê vào đâu được. Tuy nhiên, lời tuyên xưng này không mặc nhiên có nơi ngài nhưng là kết quả suốt cuộc hành trình theo chân Chúa. Lời tuyên xưng đó là kết quả thời gian mà thánh Phêrô từ sau khi đáp trả lời mời gọi, cùng đi với Chúa, ở với Chúa, được nghe những lời Chúa dạy trong suốt cuộc hành trình bước theo Người.
Mặc dù chính thánh Phêrô cũng chưa hiểu hết ý nghĩa lời tuyên xưng của mình nhưng đây vẫn là một mặc khải của Thiên Chúa như lời Đức Giêsu khẳng định (Mt 16,17). Chính nhờ những ân sủng nảy sinh từ trong suốt thời gian đi theo Chúa đã giúp ngài đáp lại bằng một lời tuyên xưng đức tin tinh tuyền. Và với lời tuyên xưng này, thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu đặt làm viên đá tượng trưng cho vai trò của ngài trong việc thiết lập Hội Thánh của Chúa Kitô. Hội Thánh chính là Nước Trời trên trần gian (Mt 16,19), một xã hội có cơ cấu và tổ chức dưới quyền thủ lãnh của thánh Phêrô và những người kế vị ngài.
Phêrô là người đầu tiên nhận ra và tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa vì ông không nhìn theo dáng vẻ bên ngoài như các người đương thời, nhưng ông nhìn tận bên trong theo mặc khải của Thiên Chúa. Cũng vậy, khi người Công giáo nhìn vào Đức Giáo hoàng và cấu trúc của Giáo hội, chúng ta không nhìn ngài như một người lãnh đạo bình thường và cấu trúc đó như bao cấu trúc khác; nhưng là đại diện của Thiên Chúa và cấu trúc được Thiên Chúa soi sáng.
Trên Đá tảng này Thầy sẽ xây Giáo hội. “Đá tảng” là “Sự Thật,” Phêrô là người đầu tiên khám phá và tuyên xưng Sự Thật này. Người khác cho “Đá tảng” là chính niềm tin của Phêrô vào Chúa, và chính niềm tin này mà “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” Mỗi câu trả lời đều cho chúng ta một lối nhìn về Phêrô: Ông là người được chọn bởi Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa là Đá tảng, người cũng sẽ làm cho ông thành Đá tảng mà trên đó Giáo hội được xây dựng. Đá tảng cũng là Sự Thật và niềm tin của Phêrô vào Chúa mà không một quyền lực nào có thể lấn át được.
Tranh luận về quyền của thánh Phêrô và các Đức Giáo hoàng kế vị ngài: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Không biết bao nhiêu Giáo hội và con người qua các thời đại đã tranh luận về câu Phúc Âm này và quyền bính tuyệt đối của Đức Giáo hoàng. Tranh luận về ơn “không thể sai lầm” khi tuyên xưng trọng thể những tín điều thuộc lĩnh vực đức tin và luân lý.
Công đồng Vatican II, trong Hiến chế “Ecclesiae Christi”, chương IV, đã xác định như sau: “Chúng tôi truyền dạy và xác định đó là một tín điều do Thiên Chúa mặc khải khi Đức Giáo hoàng tuyên xưng ex cathedra, nghĩa là khi ngài dùng chức vụ mục tử và tiến sĩ của tất cả các Kitô hữu, bởi quyền tối thượng kế vị các Tông đồ của ngài, khi ngài định nghĩa là một tín điều liên quan đến đức tin hay luân lý phải được chấp thuận bởi Giáo hội phổ quát, vì sự trợ giúp từ Thiên Chúa đã được hứa cho ngài qua thánh Phêrô, vì được sở hữu của ơn không thể sai lầm mà Đấng Cứu Chuộc đã mong muốn Giáo hội của Ngài được trang bị trong việc định nghĩa là tín điều những gì thuộc đức tin và luân lý.
Thánh Phêrô đã tuyên xưng đức tin để rồi mở đường dẫn lối cho đức tin của mỗi người chúng ta. Chúng ta là Kitô hữu, là môn đệ của Chúa Kitô. Chúng ta tuyên xưng, rao truyền và làm chứng về niềm tin của mình cho những người khác, nơi xóm làng, trường học hay chỗ làm việc. Chúng ta cũng hãy tự hỏi: Đối với tôi, Đức Kitô là ai? Phải chăng bây giờ chúng ta chỉ cần nói lại cùng một câu của thánh Phêrô? Hay Đức Kitô là ai thì đã được trình bày trong giáo lý của Giáo hội, cứ vậy lấy ra mà đọc? Không!
Câu trả lời cho câu hỏi “Chúa Kitô là ai đối với tôi?” không chỉ bằng một câu Kinh Thánh, không chỉ bằng một công thức giáo lý ở trong sách và cũng không phải là một mệnh đề được tuyên bố một lần cho mãi mãi. Là người Kitô hữu, làm môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta được học biết Chúa mỗi ngày. Hằng ngày, bằng việc học hỏi và đón nhận Lời Chúa mà chúng ta trở thành bạn của Người. Thêm vào đó, việc cảm nghiệm tình yêu của Người sẽ biến đổi và giúp cho chúng ta thực sự là những chiến sĩ của Chúa Kitô, sống và làm chứng cho Người trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn cùng cực hay phải chịu những vu oan, bắt bớ. Hãy học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11,29) để chúng ta có thể tuyên xưng vào Chúa; đồng thời, qua những khó khăn thử thách đó, chúng ta lại có thêm cơ hội rèn luyện đức tin, để ngày càng tin tưởng, tín thác vào Chúa hơn nữa.
Hành trình đức tin của người Kitô hữu không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Chúa. Chúng ta tham dự thánh lễ mỗi ngày. Nhưng, biết bao lần khi gặp khó khăn thử thách, chúng ta kêu trách Chúa! Niềm tin của chúng ta không chỉ thực hành khi cuộc sống sung túc đầy đủ nhưng phải biểu lộ mọi lúc mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Cuộc sống càng khó khăn chúng ta lại càng phải kiên vững niềm tin, phải luôn tin tưởng rằng chúng ta luôn có Chúa ở bên để dìu dắt và nâng đỡ chúng ta. Người không bao giờ bỏ rơi con cái. Người sẽ không tiếc một thứ gì để chúng ta được sống và sống dồi dào. Bởi vì, chính Người đã sẵn sàng trao ban chính Con Một là Đức Giêsu Kitô, hy sinh và chết trên Thập giá để cứu độ tất cả chúng ta.