Suy tư - Chia sẻ

Hãy chuyên cần cầu nguyện

Cập nhật lúc 15:28 25/07/2016
Cuộc đời Chúa Giêsu là một bài ca tuyệt vời: “Tình thương Chúa đời đời con ca ngợi” (Tv 88).
Đức Giêsu cả cuộc đời là một lời kinh liên lỉ, lời kinh không dứt, không ngừng. Bất cứ làm một công việc gì, đi đâu hay phải quyết định những điều gì quan trọng Chúa đều cầu nguyện với Thiên Chúa Cha để biết thánh ý Ngài. Để thấy được rằng, cầu nguyện là một nhu cầu đặc biệt và cần thiết, cầu nguyện được ví như là hơi thở của cuộc sống.

Cầu nguyện là một hành vi cao cả nhất của con người để con người cảm nhận được cũng như xác định bản chất và giá trị của con người, càng cầu nguyện thì chúng ta càng cảm thấy mình phải hoàn toàn lệ thuộc cậy dựa vào Thiên Chúa và đi vào chiều sâu với Thiên Chúa Cha.

Chúa nhật tuần này phụng vụ Lời Chúa nhắc cho chúng ta biết sức mạnh của sự cầu nguyện, đặc biệt là những người công chính, những tâm hồn thành tâm thiện chí.

Ở bài đọc 1 (St 18,20-32) ông Ápraham khấn nài Thiên Chúa nhiều lần cho thành Sôđôma và Gômôra khỏi bị thiêu hủy, và chỉ cần có những người công chính trong thành, Thiên Chúa sẽ không thiêu hủy. Để thấy được rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương, chờ đợi và lắng nghe lời khấn cầu của con người.

Bài Tin Mừng Chúa nhật tuần này, Thánh Luca đã trình thuật việc Đức Giêsu dạy cho các môn đệ và ngày hôm nay cho tất cả mọi người chúng ta biết về cách thức cũng như đi vào chiều sâu của lời cầu nguyện. Hay nói cách khác, Chúa Giêsu đã dẫn các môn đệ đi vào mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa Cha. Nếu một khi đã bắt gặp, gắn kết, hiểu được thì họ sẽ không còn thấy một cản trở nào và cũng chẳng thấy sự hoài nghi khi cầu nguyện.

Sự thánh thiện không làm Chúa xa lạ với những nhu cầu của con người, tình yêu của Thiên Chúa luôn dạt dào và bao phủ trên hết mọi người. Vấn đề là con người có dám thân thưa “Lạy Cha” là Đấng Tạo hóa hay không? Đức Giêsu quả quyết: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13). Vì vậy, chúng ta hãy tin tưởng cầu xin, thân thưa với Thiên Chúa là Cha.

1. Khi cầu nguyện hãy gọi Thiên Chúa là Cha

Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện gọi Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã đưa con người vào một mối tương quan hoàn toàn mới mẻ. Đây quả là một sự mới mẻ và táo bạo được ví như là một cuộc cách mạng của Đức Giêsu, đây được xem như là một sự chuyển đổi từ Cựu Ước sang Tân Ước. Sự gì chúng ta nói một sự chuyển đổi như vậy là vì thời Cựu Ước con người quan niệm Thiên Chúa là vua cả thế giới, vua vũ trụ oai phong lẫm liệt, nghiêm khắc và hay trừng phạt. Con người còn quan niệm Thiên Chúa thật cao cả đến nỗi chỉ nhìn Thiên Chúa là phải chết (St 33,20). Hay chỉ tới gần nhà tạm của Thiên Chúa cũng đủ phải chết rồi (Ds 17,28).

Vậy mà Đức Giêsu đã dạy cho chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, đây quả là một điểm mới mẻ của thời Tân Ước. Vì vậy, trong tinh thần chúng ta hãy coi Thiên Chúa là người Cha đầy tình yêu thương, rất gẫn gũi và thân mật như con cái đối với cha mẹ mình. Khi chúng ta cảm nhận được điều đó thì ta dễ dàng cầu nguyện hay nói chuyện với Ngài hơn. Vì thế, chúng ta hãy can đảm nói chuyện, tâm sự, bàn hỏi với Ngài để rồi chúng ta dễ dàng lắng nghe và hiểu được thánh ý Ngài muốn gì nơi mỗi người chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu trong đời sống cầu nguyện để hiểu và thực thi thánh ý của Thiên Chúa Cha.

2. Sự cần thiết trong đời sống cầu nguyện

Cầu nguyện là điều cần thiết và quan trọng cho mỗi người. Cầu nguyện được xem như là một vấn đề sinh tử. Con người muốn sống kết hợp, lắng nghe được tiếng Chúa muốn gì nơi mỗi người thì ta phải cầu nguyện. Nếu không cầu nguyện thì ta mất ơn Chúa và dần dần mất đi đời sống siêu việt. Cầu nguyện được ví như là hơi thở của linh hồn, là sự sống, sức mạnh của người Kitô hữu.

Tin Mừng Chúa nhật tuần nay, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ của mình về đời sống cầu nguyện cũng như cách cầu nguyện. Phải cầu nguyện liên lỉ, đừng bao giờ nhàm chán, đừng ngã lòng. Vì thế, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn minh họa, có một người bạn nửa đêm quấy rầy để vay bánh… (Luca 11,5-8). Sự kiên trì, kêu nài, van xin của người bạn cũng làm cho người chủ phải dậy và làm tất cả những gì mà người bạn của mình cần. Một người phàm trần có sự giúp đỡ cho người van xin thì huống là Thiên Chúa, Đấng công minh chính trực, giàu lòng xót thương lại không cứu giúp chúng ta.

Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giêsu không có ý nói cầu xin thật dai dẳng thì mới được Thiên Chúa nhậm lời, nhưng Ngài muốn chúng ta phải biết tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Ngài, bởi vì: “Có người cha nào, khi con cái mình xin cái bánh mà lại cho nó hòn đá…” (Mt 7,9-11).

3. Noi gương Chúa Giêsu chúng ta cầu nguyện trước những việc làm quan trọng

Các sách Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu cầu nguyện vào những giây phút quan trọng trong cuộc đời của Người: Sau khi chịu Phép Rửa (Lc 3,12); khi tuyển chọn 12 Tông đoà (Lc 6,12); tröôùc khi chöa bệnh cho nhiều người (Ga 5,16); làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Lc 9,16); Chúa lên núi cầu nguyện (9,28); Chúa dạy bằng kinh Lạy Cha (Lc 11,1); phải tỉnh thức và cầu nguyện (Lc 21,36); Chúa tạ ơn (Lc 22,19); trên Thập giá (Lc 23,33)…

Như thế chúng ta thấy, Đức Giêsu là Chúa vậy mà trước những quyết định quan trọng Ngài luôn cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Đó là tấm gương sáng dạy cho mỗi người chúng ta biết phải chuyên cần cầu nguyện để làm sáng danh Cha, thánh hóa bản thân, đồng thời để cứu rỗi các linh hồn.

Trong cuộc đời và cuộc hành trình sứ vụ của Đức Giêsu, chúng ta dễ dàng cảm nhận và thấy được: Chúa Giêsu tin tưởng vào lời cầu nguyện. Bởi vì lời cầu nguyện có một sức mạnh và rất hiệu nghiệm. Vì thế, trước khi làm bất cứ việc gì, Đức Giêsu luôn cầu nguyện với Cha. Chính vì tin tưởng vào lời cầu nguyện nên Chúa Giêsu đã dạy các các môn đệ: “Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21,22). Và Ngài còn nhấn mạnh đến hiệu quả của việc cầu nguyện: “Anh em xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện, tin tưởng và phó thác vào Ngài.

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên để tiếp xúc, gặp gỡ Thiên Chúa. Tiếp xúc, gặp gỡ Chúa để biết Chúa, yêu mến Chúa và thực thi thánh ý của Người. Vì vậy, chúng ta không được bỏ cầu nguyện dù ta không thể nghe hay thấy cụ thể lời đáp trả. Chính cầu nguyện giúp chúng ta giữ đức tin, nếu không có cầu nguyện thì đức tin của chúng ta sẽ chao đảo. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta có một đức tin luôn biết cầu nguyện liên lỉ, kiên trì.

Vì vậy, thánh Phaolô khuyên các tín hữu cầu nguyện liên tục, không ngừng. Để nói lên rằng sự cần thiết của cầu nguyện bằng những tâm tình mời gọi: “Hãy chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12); “Đừng ngớt cầu nguyện” (Rm 8,26-27)
 
Tu sĩ PhêRô Đậu Văn Hương
 
Thông tin khác:
Được ở bên Chúa Giêsu trên Thánh giá (22/07/2016)
Sự lựa chọn khôn ngoan (20/07/2016)
Lo cho sự hiệp nhất trong Hội Thánh (18/07/2016)
Điều kiện để có sự sống đời đời (11/07/2016)
Chúa ở cùng anh chị em (08/07/2016)
Sứ giả bình an (06/07/2016)
Sống tinh thần đền tội (01/07/2016)
Tự do trong thần khí (27/06/2016)
Trao tác vụ yêu thương (23/06/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log