Phụng vụ Chúa nhật lễ Lá dẫn chúng ta đi vào cuộc khổ nạn với Đức Giêsu. Nơi đó chúng ta cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người qua cái chết của Đức Giêsu. Vì thế, Thập giá không phải là sự thất bại nhưng là biểu hiện trọn vẹn mặc khải tình yêu của Thiên Chúa. Cho nên, Thập giá không phải là bản án chấm dứt nhưng là cửa ngõ bước mở ra cuộc sống mới. Lời Chúa trong Chúa nhật Phục sinh mở ra cho chúng ta niềm hy vọng mới. Nếu giới hạn của con người là sự chết thì Phục sinh của Đức Kitô là hy vọng đời đời cho con người. Niềm hy vọng vọng không chỉ biến đổi chúng ta nhưng còn mang lại ơn cứu độ.
1. Đức Giêsu Phục sinh hoàn trọn lời hứa cứu độ
Lời hứa cứu độ được ban khi tổ tông chúng ta phạm tội, và lời hứa ấy được Thiên Chúa thực hiện qua dòng chảy lịch sử qua các giai đoạn khác nhau. Và lời hứa ấy được hoàn trọn qua biến cố chết và Phục sinh của Đức Giêsu. Đối với người Do Thái, Thập giá là sự tủi nhục; còn với người Hylạp Thập giá là sự điên rồ. Thế nhưng chính cái tủi nhục và điên rồ ấy lại là phương thế mà Thiên Chúa dùng để thực hiện lời hứa cứu độ. Cho nên, Thập giá trở nên sự khôn ngoan tuyệt đỉnh của Thiên Chúa.
Lịch sử cứu độ phản ảnh tình thương của Thiên Chúa dành cho dân Người. Tình thương ấy được biểu lộ qua việc Thiên Chúa hứa giải thoát con người, đưa con người về lại với tình trạng thánh thiện nguyên thủy. Tình thương ấy còn được biểu lộ khi Thiên Chúa tuyển chọn dân riêng. Mặt khác, Ngài còn dùng các mệnh lệnh để dạy dỗ dân. Và sau cùng là ban Con Chí Ái cho nhân loại, đồng hành với con người, sẻ chia những buồn vui của con người. Thiên Chúa quyền năng và cao cả, giờ đây trở nên gần gũi với con người. Đỉnh cao của tình yêu thương Thiên Chúa chính là Thập giá và Phục sinh Đức Kitô. Vì nơi ấy, Thiên Chúa biểu lộ cách trọn vẹn tình yêu dành cho dân Ngài.
Không ít người cho rằng Thập giá chính là thất bại của Đức Giêsu, nhưng trong niềm tin, Thập giá chính là sự chiến thắng vẻ vang của Thiên Chúa. Thế nhưng, lời cứu độ không dừng lại nơi thập giá nhưng hướng đến Phục sinh. Nếu thập giá là điểm dừng trong kế hoạch cứu độ thì vẫn còn dang dở. Mặt khác, lịch sử cứu độ được hoàn trọn nơi biến cố Phục sinh của Đức Giêsu. Vì thế, chúng ta không thể nói đến Thập giá mà mà lãng quên sự Phục sinh. Đây là hai chiều kích không thể tách rời. Vì Đức Giêsu không thể đạt tới vinh quang mà trước đó không kinh qua đau khổ.
Trang Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về chiều kích Phục sinh của Đức Kitô qua hình ảnh ngôi mộ trống. Lịch sử nói cho chúng ta biết, Đức Giêsu đã bị giết chết và được chôn trong mộ. Tảng đá chặn cửa mộ là hình ảnh minh chứng cho việc thi hài Đức Giêsu được chôn trong đó. Thế nhưng, sau ba ngày, bà Maria Mácđala ra thăm mộ và thấy tảng đá ấy đã lăn ra khỏi mộ. Tảng đá lăn ra khỏi mộ chứng thực Đức Giêsu không còn ở dây. Không còn “ở đây” nghĩa là Ngài không còn ở trong thế giới của người chết. Cái chết không còn trói buộc Ngài nữa. Ngài đã phục sinh và đã chiến thắng cái chết. Nếu như tội bao phủ con người, là hình ảnh con người đang vùng vẫy giữa cái chết, thì sự Phục sinh của Đức Giêsu giải thoát con người khỏi vũng lầy của tội, đưa con người bước vào vùng trời tự do của con cái Chúa. Nếu cái chết là giới hạn con người không thể vượt qua, thì Phục sinh của Đức Giêsu dẫn chúng ta vượt thắng sự chết, đi vào vương quốc Thiên Chúa. Vì thế, lịch sử cứu độ của Thiên Chúa không gì khác ngoài việc dẫn đưa con người về lại với nguồn gốc của chính mình là Thiên Chúa; và Đức Giêsu đã thực hiện cách trọn hảo qua biến cố Phục sinh.
Như vậy, sự Phục sinh của Đức Kitô giải thoát chúng ta, những con người bị gông cùm bởi tội, được giải thoát và trở về với Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội hạnh phúc sung mãn của con người. Mặt khác, sự Phục sinh của Đức Giêsu còn mở ra niềm hy vọng mới.
2. Đức Giêsu Phục sinh ánh sáng và niềm hy vọng của con người
Trang Tin Mừng hôm nay nói về một chi tiết cần gẫm suy: “lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ”. Theo Tin Mừng thánh Gioan, bóng tối là biểu tượng của sự chết, đối nghịch với ánh sáng. Bà Maria Mácđala không gặp được Đấng Phục sinh vì bà còn ở trong bóng tối. Và chúng ta cũng sẽ không gặp được Đấng Phục sinh ngày nào chúng ta còn ở trong bóng tối. Vì Đức Giêsu Phục sinh là ánh sáng chiếu rọi muôn người, chỉ những ai ở trong ánh sáng mới bắt gặp được Đức Giêsu. Ánh sáng Phục sinh của Đức Giêsu không như ánh sáng của mặt trời nhưng là ánh sáng chiếu soi tâm linh, để những ai còn bước trong bóng tối được ánh sáng Phục sinh chiếu rọi. Chính ánh sáng Phục sinh ấy mở ra niềm hy vọng cho muôn người.
Đối với các môn đệ, cái chết của Đức Giêsu còn âm vang trong ký ức của các ông: không chỉ dập tắt bao ước mơ mà còn lo cho mạng sống. Thế nhưng, ánh sáng Phục sinh thức tỉnh tâm trí các ông. Những suy nghĩ về một chỗ đứng trong vương quốc của Đức Giêsu, hay ai là người đứng đầu...giờ đây nhường chỗ cho niềm xác tín trở thành nhân chứng về sự Phục sinh của Đức Giêsu. Các ông ý thức, nhiệm vụ bây giờ không phải là chỗ đứng nơi thế trần nhưng là chỗ đứng trong Thiên Chúa. Vì thế, các ông không chỉ đón nhận ánh sáng Phục sinh mà còn đem ánh sáng ấy đến với muôn người. Để tất cả cũng được chung hưởng ánh sáng ấy mà được cứu độ. Như thánh Phaolo trong bài đọc hai đã xác tín: “anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô” (bài đọc 2). Chính vì được trỗi dậy với Đức Kitô nên đừng bám vào những gì thuộc về hạ giới, nhưng tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
Vì thế, Phục sinh của Đức Kitô dẫn đưa con người về với cội nguồn là Thiên Chúa. Nếu con người đứng lì trong bóng tối thì ánh sáng Phục sinh càng xa vời với họ. Trái lại, những ai mở lòng đón nhận Đức Kitô Phục sinh, người ấy sẽ được chung hưởng vinh quang Thiên Chúa cùng với Đức Giêsu. Vì thế, sự Phục sinh của Đức Kitô không chỉ giải thoát chính Ngài nhưng mở ra niềm hi vọng cho tất cả mọi người...