Giáo hội Công giáo hằng năm vào ngày lễ Lá đã cử hành các nghi thức nhắc nhở con dân Thiên Chúa rằng: Đức Kitô, Đấng là vua, là con Thiên Chúa và cũng chính là Thiên Chúa, Ngài luôn ở bên cạnh và nâng đỡ cho chúng ta. Đức Kitô luôn ban đủ cho chúng ta sức mạnh và sự khôn ngoan cần thiết để chúng ta có thể thực thi một cách trọn vẹn ý muốn của Ngài, vì chỉ khi chúng ta thực thi được ý muốn của Ngài chúng ta mới được hưởng lấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Việc duy nhất chúng ta cần tin rằng: Đức Kitô là Thiên Chúa quyền năng, Người đang ở ngay đây và bên cạnh chúng ta. Vì thế, đừng sợ!
Giáo huấn từ tiên tri Isaia “Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui… Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.” (Is 50:4-7)
Từ lời giáo huấn trên của Isaia cho chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa đã luôn luôn ở ngay cạnh chúng ta. Ngài luôn bổ trợ cho chúng ta kịp lúc kịp thời, Ngài luôn muốn chúng ta thức tỉnh để có thể nhận ra và thực thi thánh ý của Ngài, điều đó là để mưu cầu hạnh phúc cho chính chúng ta là những người con yêu quí của Ngài. Nếu chúng ta tin tưởng vào điều này, chúng ta sẽ không còn phải sợ những thế lực đen tối đang muốn ám hại chúng ta, chúng ta chỉ cần thực thi luật yêu thương của Thiên Chúa, “nâng đỡ kẻ nhọc nhằn”… mọi việc còn lại chính Thiên Chúa sẽ lo liệu cho chúng ta.
Giáo huấn sống động của Chúa Kitô nơi cuộc khổ hình Đức Kitô khi bị cáo buộc một cách oan ức bởi chính con dân của mình, Ngài không phản kháng nhưng chỉ thinh lặng, như Kinh Thánh đã viết: “Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội!” Nhưng Đức Giêsu không trả lời gì nữa, khiến ông Philatô phải ngạc nhiên” (Mc 15, 4-5).
Sự thật về sự im lặng chỉ được tìm thấy bên ngoài cuộc khổ hình này, khi Đức Kitô cầu nguyện ở vườn Cây Dầu với Chúa Cha, như Kinh Thánh đã mô tả “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39) và “Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26, 42). Như vậy, sự thinh lặng của Đức Kitô trong thời khắc này chính là hành động của một đức tin mãnh liệt dẫn đến một sự phó thác của Đức Kitô đã được đặt trọn vẹn nơi Chúa Cha, Ngài chấp nhận chết thật trong thân phận con người để sống thật với thần tính Thiên Chúa.
Ngài lớn tiếng kêu lên: “Êlôi, Êlôi, lamaxabácthani!” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (Mc 15,34). Những lời trên đây trước khi trút hơi thở của Đức Kitô không phải nói lên sự trách móc của Ngài đối với Chúa Cha, nhưng truyền thống Giáo hội dạy rằng đây chính là lúc Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, Ngài đang cầu nguyện với Chúa Cha trong lúc Ngài đang chịu đựng thử thách đau đớn tột cùng…
Như vậy nơi trình thuật của thánh Mắccô đã cho chúng ta thấy lòng can trường của Đức Kitô xuất phát từ chính Đức Chúa Cha, để thực thi thánh ý của Chúa Cha; lòng can trường này cũng xuất phát từ chính tình yêu nơi Đức Kitô đối với nhân loại, vì yêu thương nhân loại nên sẵn sàng chết thay cho nhân loại để chúng ta được sống hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài. Và điều cốt yếu mà Đức Kitô muốn chúng ta thực hiện là hãy luôn bám víu vào Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, ngay cả khi chúng ta sụp đổ và ngã quỵ trước những cơn cám dỗ.
Lời nhắc nhở của thánh Phaolô Đức Kitô chấp nhận cái chết tủi hổ để trở thành vị vua vĩnh cửu của toàn thể vũ hoàn. Thư của thánh Phaolô gửi cho ông Philipphê một lần nữa lại có ý nhắc cho chúng ta nhớ rằng: đừng sợ! “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên Thập giá” (Pl 2,6-11), điều này cho thấy rằng: chúng ta không nên lo lắng hay sợ hãi trong kiếp sống nhân sinh của mình, chúng ta hãy cứ sống với giáo huấn yêu thương của Thiên Chúa bằng một thái độ tuân phục trong tự do, “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Để rồi khi đó: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Tâm tình của người Kitô hữu Chúng ta hãy sống theo gương của Đức Kitô. Chúng ta không còn phải lo sợ đến những khó khăn hay nguy khốn của đời người; bằng cách sống trong luật yêu thương của Chúa Kitô, bằng cách sống phó thác và tuân phục thánh ý Chúa thông qua Lời Chúa mà chúng ta được chia sẻ mỗi ngày trong thánh lễ. Nhưng nếu chỉ nghe Lời Chúa, nhưng lại không sống với Lời của Chúa trong yêu thương phục vụ tha nhân thì sự yêu thương và tuân phục Thiên Chúa nơi chúng ta cũng chỉ là sự giả hình, giả bộ.
Luật yêu thương hay Lời của Chúa phải được thực hiện một cách sống động trong đời sống hằng ngày của người Kitô hữu. Một chút từ bỏ lợi lộc của chính mình để đem lại lợi ích chung, một sự hy sinh những tiện ích của bản thân để hướng đến anh chị em khốn khó nơi vùng dịch và thiên tai, một đời sống chứng tá của người Kitô hữu để minh chứng cho lời mời gọi của Đức Kitô “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 34).
Vâng theo Lời Chúa, sống và thực hiện Luật yêu thương của Chúa trong đời sống thường nhật. Lúc này chúng ta có thể xác tín rằng: đừng sợ! Chúa luôn ban cho chúng ta đủ ơn cần thiết để vượt qua nghịch cảnh. Và chúng ta cũng có thể yên ủi tha nhân rằng “đừng sợ! vì Chúa vẫn đang ở đây và ở ngay bên cạnh chúng ta”.