Hôm nay, Chúa nhật IV Phục sinh là Ngày Giáo hội cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 54.
Đức Giêsu, Đấng chăm sóc linh hồn |
Chủ đề sứ điệp năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn gửi những ai sống đời dâng hiến: “Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy thi hành sứ mạng truyền giáo”. Ngài suy tư về chiều kích truyền giáo đối với ơn gọi Kitô giáo của chúng ta. Đức Thánh Cha nói “dấn thân cho việc truyền giáo không phải là một điều gì thêm vào đối với đời sống Kitô giáo như một kiểu trang trí, mà thay vào đó là một yếu tố thiết yếu của chính niềm tin. Một mối quan hệ với Thiên Chúa”, Ngài nói thêm, “đi kèm với việc được sai đi vào trong thế giới như là những ngôn sứ của Lời Ngài và chứng tá cho tình yêu của Ngài”.
Tin Mừng Chúa nhật này được bắt đầu bằng một bài dụ ngôn, bài dụ ngôn này không phải là khởi đầu của những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Dothái tại Giêrusalem vào dịp lễ Lều của người Do thái (Ga 7,14). Như chúng ta đã biết, hằng năm, người Do thái kỷ niệm ngày trọng đại này, nó vừa có ý nghĩa tôn giáo, là thanh tẩy Đền thờ; vừa mang ý nghĩa chính trị, là xua đuổi những kẻ làm cho Đền thờ ra ô uế. Giữa một bầu khí mà muôn dân đang trông đợi một Macabê mới, một Đấng Mêsia đến giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của Rôma. Đức Giêsu đã long trọng công bố cho dân biết sứ vụ của Ngài bằng bài dụ ngôn “Người giữ cửa chuồng chiên”.
Thật lạ lùng! Hình ảnh con chiên, chuồng chiên, người mục tử là những hình ảnh rất quen thuộc với người Do thái, vì họ sống bằng nghề chăn chiên, và những hình ảnh này cũng được nhắc đến rất nhiều lần trong Kinh Thánh (Is 40,10-11; Gr 23,1-4; Tv 22...); thế mà người Do thái lại không hiểu bài dụ ngôn này. Vì thế, Đức Giêsu đã phải quả quyết: “Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Ga 10,7-8.10).
Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ
Chắc chắn Đức Giêsu không nói đến các Ngôn sứ là những người được sai đến trước Người. Vì ông Môsê và các Ngôn sứ cũng nói về Người và chính vì Người mà họ đã đến. Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm tới là những người Pharisêu, những Kinh sư, những Luật sĩ, những kẻ chất lên vai dân gánh nặng mà họ chẳng động một ngón tay vào; những kẻ ấy “có đến thì chỉ để đánh cắp, sát hại và phá hủy”. Bằng chứng mà Đức Giêsu đưa ra rất rõ ràng đó là chiên đã không nghe tiếng họ; không những chiên không nghe mà đã nhiều lần họ lại sợ chiên (Mt 21,46; Lc 19,6...).
Hình ảnh người mục tử mà Đức Giêsu vẽ lên là một mục tử hiểu thấu từng con chiên của mình. Người mục tử ấy bước qua cửa đàn chiên, một cánh cửa hẹp; cánh của tình yêu, cánh cửa của chay tịnh, cánh cửa của sự khó nghèo, cánh cửa của sự vâng phục. Người mục tử ấy đi trước đàn chiên mở lối dẫn đưa chiên tới đồng cỏ để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Đức Giêsu cũng nói rõ cách để nhận biết đâu là người mục tử. Trước tiên, người mục tử phải qua cửa mà vào. Tiếp đó người mục tử phải biết chiên của mình.Người mục tử phải chăm lo, quan tâm tới chiên như thế mới hiểu rõ từng con chiên của mình. Người mục tử phải có một đời sống thánh thiện mới có thể bước qua cánh cửa hẹp là Đức Kitô, Người đã hy sinh tính mạng để cho chiên được sống (Ga 10,15); là Người canh giữ đàn chiên (Ga 10,3).
Đức Giêsu, Đấng chăm sóc linh hồn
Đức Giêsu là người canh giữ đàn chiên. Việc bảo vệ tính mạng của chiên không dừng lại ở việc dẫn chiên tới đồng cỏ lúc ban ngày mà còn bảo vệ đàn chiên khỏi những mối nguy hiểm lúc đêm về. Cứ tưởng canh giữ đàn chiên ban đêm sẽ dễ dàng hơn, nhưng thực ra ban đêm lại đòi hỏi người canh giữ phải luôn tỉnh thức, có lòng can đảm để sẵn sàng đương đầu với những mối nguy hiểm bất ngờ để bảo vệ đàn chiên.
Sau cái chết và sự Phục sinh vinh hiển của Đức Kitô, bài dụ ngôn lại trở nên rõ ràng hơn. Đức Giêsu bây giờ là cánh cửa để chúng ta bước vào sự sống đời đời. Thế nên, đàn chiên chính là Hội Thánh; người giữ cửa là Chúa Thánh Thần; người mục tử là những người được Chúa sai đến qua Hội Thánh để dẫn đưa chúng ta bước qua cánh cửa Giêsu để bước vào cuộc sống đời đời.
Dõi bước theo người
Thế nên, điều đầu tiên chúng ta phải làm là vào được đàn chiên. Đây cũng là điều thánh Phêrô đã mời gọi (x. Cv 2,8-9) chúng ta. Dấu hiệu để nhận biết ta đã được đón nhận vào đàn chiên là ta được tha tội và nhận được ơn Thánh Thần. Trong thực tế, những điều mà thánh Phêrô đã mời gọi không xa lạ gì với dân chúng từ trước tới nay. Việc ăn năn sám hối, thời các Ngôn sứ đã có rồi; chịu phép rửa, chính ông Gioan cũng đã mời gọi. Nhưng điều khác lạ duy nhất là tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng mà người Do thái cho là ô nhục; người Hy Lạp cho là điên rồ.
Nhưng đối với những ai đã thuộc đàn chiên của Chúa thì thánh Phêrô lại mời gọi bước đi trên con đường mà Đức Giêsu đã đi. Con đường ấy trải đầy sự khiêm nhường; con đường ấy trải đầy tình yêu; con đường ấy trải đầy sự phó thác và vâng phục, con đường ấy sẽ dẫn chúng ta tới gặp Đấng chăm sóc linh hồn chúng ta. Ước gì mỗi chúng ta luôn noi gương Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành trở nên chứng tá sống động cho tình yêu Ngài. Xin cho những ai sống đời dâng hiến luôn mở rộng tâm hồn, mau mắn thưa lên lời “xin vâng” của chúng ta trước tiếng gọi của Chúa và niềm vui lên đường (Lc 1,39), như Mẹ Maria, để loan báo Chúa cho toàn thế giới. Giuse Nguyễn Ân
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com