1.
Trong kinh Lạy Nữ Vương, có câu:
Đến sau khỏi đày,
Xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,
Con lòng Bà gồm phúc lạ.
Lời kinh
“Đến sau khỏi đày” gợi cho tôi nghĩ đến cái chết. Nhưng trước giờ chết, tôi còn một thời gian dẫn tôi tới gần phút sau cùng ấy. Tôi không biết thời gian đó dài bao lâu. Nhưng càng thêm tuổi, tôi càng nghĩ đến
cái mình là hơn là cái mình làm.
Tôi là môn đệ Chúa Giêsu. Điều kiện để nên môn đệ Chúa Giêsu đã được chính Người phán tỏ:
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Xét mình chỉ sơ sơ, tôi đã thấy tôi không thực hiện điều kiện đó một cách thường xuyên.
Tôi thực sự yếu đuối.
2.
Tôi có rất nhiều thiếu sót. Trong đó có những thiếu sót được coi là di căn của những lỗi lầm xa xưa.
Tôi có phần nào chu toàn bổn phận. Nhưng đó là kết quả chung, do sự cộng tác và đỡ nâng của bao người gần xa.
Tôi có làm một số việc lành. Nhưng ai dám nói rằng tất cả những việc lành đó đã hoàn toàn không pha bụi bặm.
Tôi có nhiều cố gắng vượt khó. Nhưng bao lần tôi vẫn mang nuối tiếc một vài hành trang cần vứt bỏ.
Tôi đã có thể tốt hơn mà nhiều khi vẫn đứng tại chỗ. Tôi nhiều lần bất lực trước những vật cản chẳng đến nỗi nào. Tôi thực sự mỏng manh.
Tôi đã có nhiều dịp để phục vụ Hội Thánh, Quê hương và người khác một cách tốt hơn. Nhưng tôi đã không tỉnh thức đủ.
Tôi đã có một số thời gian, để trau dồi kiến thức đạo đời, để suy gẫm và cầu nguyện. Nhưng tôi đã lơ là, bỏ lỡ.
Tôi nhận mình bất toàn, với bao nhiêu giới hạn.
3.
Lịch sử viết về thánh Gioan Thánh giá có đoạn nói lên lòng nhiệt thành độc đáo của người môn đệ Chúa.
Một hôm, Chúa Giêsu hỏi Gioan:
“Này Gioan, con hãy xin Ta điều con muốn, vì Ta sẽ ban điều ấy cho con, để đáp lại một đời con đã phục vụ Ta”.
Chúa Giêsu đã phải lặp lại câu hỏi đó 3 lần, bởi vì Gioan, do luôn cảnh giác trước thị kiến, đã không vội trả lời.
Nhưng rồi ngài thưa:
“Lạy Chúa, con muốn xin Chúa cho con được đau khổ vì Chúa, cho con bị khinh chê và bị người ta coi con không ra gì”.
Thú thực là tôi không dám bắt chước thánh Gioan mà xin như vậy. Vì tôi yếu đuối.
Đến khi, Chúa ban cho tôi được nếm đôi chút những điều mà thánh Gioan xin, tôi thấy quá sợ. Lúc đó, tự nhiên tôi có cảm tưởng mình trở thành gánh nặng cho người khác. Cảm tưởng đó giúp tôi khám phá thấy sự yếu đuối của mình là một thế giới quạnh hiu, có khả năng dụ dỗ mình sa vào những yếu đuối khác.
Qua những kinh nghiệm trên và nhiều kinh nghiệm khác, tôi nhận biết mình là gì? Thưa
tôi nhận mình là kẻ rất yếu đuối, rất bất xứng, rất mỏng manh.
4.
Với nhận thức đó, tôi thấy mình chẳng là gì, chẳng đáng gì.
Khi Chúa đòi tôi dâng của lễ. Tôi nghe Đức Mẹ bảo tôi cứ khiêm tốn dâng cho Chúa những vất vả, đau đớn, sám hối, tình yêu và cả những yếu đuối của tôi. Tôi dâng của lễ kỳ lạ đó, và nhớ lại Lời Chúa gọi:
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 12,28).
Thực sự, Chúa Giêsu đã nhận của lễ tôi dâng. Tôi cảm nhận được sự kiện đó, nhờ thấy lòng mình thêm cậy trông phó thác. Tôi như trẻ thơ dại khờ, yếu đuối về mọi mặt, với hai bàn tay trống không. Chỉ biết mình là kẻ yếu đuối, tội lỗi, tuyệt đối cậy tin vào Chúa cứu chuộc. Người đã tuyên bố:
“Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32).
5.
Càng tới gần ngày ra khỏi đời này, tôi càng được Đức Mẹ thương ẵm ôm dắt dìu người con yếu đuối hèn mọn này trên đường về với Cha.
Tôi tin: Vừa ra khỏi đời này, tôi lập tức được thấy Đức Chúa Giêsu, con lòng Mẹ Maria, đầy phúc lạ. Mẹ sẽ giới thiệu tôi với Chúa: Đây là người con rất yếu đuối, nhưng rất phó thác cậy trông.
Thế là tôi sẽ được nhận vào Nước Chúa, nơi dành cho những ai trở nên như trẻ nhỏ (x. Mt 18,3).
Với tinh thần trẻ thơ, hằng ngày và mãi mãi, đời đời, tôi sẽ ca tụng Mẹ, chỉ đơn sơ bằng những từ
“Khoan hậu, nhân từ, hiều dịu”.
6.
Sống kinh
“Lạy Nữ Vương” như vừa chia sẻ, tôi nhìn về Hội Thánh tương lai. Tôi thấy: Hội Thánh tương lai sẽ là Hội Thánh nhỏ, nhưng sẽ mạnh, nếu theo gương Đức Mẹ biết:
- Bác ái nhiều hơn
- Nội tâm nhiều hơn
- Giản đơn nhiều hơn.
Tôi cầu nguyện:
Các môn đệ Đức Kitô sẽ là những ngọn lửa thắp sáng lên niềm hy vọng.
Ngọn lửa nội tâm sẽ là một sự phục sinh trong chính đời thường, nhờ sức mạnh tình yêu của Thánh Linh.
Mọi người, không phân biệt ai, sẽ nhìn Đức Mẹ là Mẹ của mình. Mẹ nhân lành, khoan dung, nhân từ, hiền dịu. Mẹ sẽ đưa mọi người thiện chí về Nước Trời, gặp Cha chung giàu lòng thương xót.
Trên đây là tâm tình tha thiết tạ ơn của tôi sau một đời dài cầu nguyện bằng kinh.
“Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành”