Đứng trước nhu cầu được lắng nghe rao giảng Tin Mừng Cứu Độcủa dân chúng ngày càng lớn, Chúa Giêsu đã có cái nhìn xa cho tương lai. Người đã chọn ra 12 tông đồ là những người cùng tham dự cách đặc biệt vào sứ vụ của Người và trang bị cho các ông những điều cần thiết của người môn đệ Chúa.
Người ta kể rằng: có một đệ tử muốn từ bỏ mọi sự của thế gian để sống tu trì. Anh quyết định vào rừng vắng sống ẩn tu. Hành trang duy nhất anh mang là chiếc áo ăn mày để khất thực sống qua ngày.
Ngày kia, anh đau đớn vô cùng khi thấy chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn nát tả tơi. Không còn cách nào khác, anh phải vào trong làng xin một chiếc áo khác. Chiếc áo thứ hai này cũng bị cùng chung số phận, nát tả tơi vì chuột cắn. Anh nghĩ rằng chỉ có nuôi mèo mới giữ được chiếc áo. Anh quyết định nuôi mèo. Thế nhưng, khi có mèo anh lại phải lo kiếm thêm phần ăn cho con mèo được nuôi để đuổi chuột.
Ngày ngày vác bị đi khất thực, anh cảm thấy mình như một gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, anh cố gắng chắt chiu để kiếm tiền nuôi một con bò để thêm phần thu nhập. Nhưng có bò lại phải kiếm cỏ cho bò ăn. Chăn nuôi gia súc khiến anh không thể có thời giờ cầu nguyện, tối mặt vì công việc, anh lại phải thuê người cắt cỏ nuôi bò. Càng ngày bò càng sinh sản, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Thời gian trôi qua, mảnh đất hoang sơ đã biến thành một trang trại rộng lớn. Gia súc và người làm ngày càng thêm đông. Con người đã một thời muốn từ bỏ mọi sự để trở thành một tu sĩ, nay nghiễm nhiên trở thành một ông chủ trang trại.
Có tiền của và tài sản to lớn, anh lại muốn có người chia sẻ công việc của mình. Anh cưới vợ và sinh con. Anh trở thành một người chồng, người cha trong một gia đình hạnh phúc. Thế là lý tưởng ban đầu đã hết. Anh đã đánh mất lý tưởng chỉ vì mải lo gìn giữ một cái áo rách. Chuyện có vẻ hoang đường nhưng lại là thật. Ma qủy thường cám dỗ từng bước. Ma qủy thường gợi lên những điều rất hấp dẫn để dẵn dắt con người đi theo chương trình của nó. Adam - Evà đã nhìn thấy trái táo thơm ngon mà quên đi thân phận phải vâng lời Thiên Chúa. Khi tỉnh lại chỉ còn thất vọng và hổ thẹn lương tâm. Người tu sĩ đã lạc bước khi quá bận tâm đến nhu cầu vật chất, đến đồng tiền bát gạo, khiến tâm hồn anh không còn thời giờ để vun đắp, định hướng cho hướng đi của mình. Cái thất bại của anh thật tẻ nhạt, chỉ vì mải lo gìn giữ một chiếc áo rách.
Thực vậy, vì tiền bạc, mà người ta có thể đánh mất lý tưởng cuộc đời.Vì tiền mà cái tính bổn thiện của con người ban đầu đã không còn. Vì tiền mà người ta có thể chối bỏ niềm tin. Ðó là nguy cơ mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.
Ðó là bài học cho tất cả chúng ta. Ðồng tiền thật cần thiết cho cuộc sống nhưng không phải là cứu cánh cho cuộc đời. Ðừng quá lệ thuộc vào của cải vật chất. Nó chính là con dao hai lưỡi có thể làm hại cuộc đời chúng ta, nếu không khôn ngoan, sáng suốt để nhận định đúng giá trị của nó.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta về câu chuyện Chúa Giêsu sai phái 12 tông đồ đi thực tập truyền giáo, đồng thời Người dặn bảo các ông về cách thức và mục đích của việc truyền giáo. Sứ mệnh Chúa trao cho các tông đồ cũng là sứ mệnh của Giáo Hội và mỗi người chúng ta .
“Chúa Giêsu gọi 12 tông đồ”: Chúa Giêsu đã triệu tập 12 tông đồ để huyến luyện nay Người muốn cho các ông đi thực tập truyền giáo. Một trong những việc làm đầu tiên của Đức Giêsu, ngay từ bắt đầu cuộc sống công khai, là chọn những cộng tác viên (Mc 1,16). Sau khi đã dần dần bổ sung nhóm môn đệ (Mc 2,14), cuối cùng Chúa Giêsu đã chọn 12 vị. Con số tượng trưng ám chỉ ý định của Người muốn thành lập một dân tộc Israel mới, dựa theo mười hai Tổ phụ hay mười hai Chi tộc. Trong phần đầu của Tin Mừng, chúng ta thấy các Tông đồ đi theo Chúa Giêsu và ở "với Người" (Mc 3,14).
“Và sai từng hai người đi”: Chúa sai từng hai người đi là để giúp đỡ nhau, biểu lộ tinh thần liên đới và hiệp nhất của người tông đồ đồng thời cũng để làm chứng tích sống động về điều họ rao giảng là cộng đoàn huynh đệ yêu thương. Có thể nói, Chúa Giêsu sắp ẩn mình đi và trao phó sứ vụ của Người trong tay các tông đồ. Lần đầu tiên các ông đi rao giảng một mình, không có Chúa Giêsu bên cạnh như bấy lâu nay. Đó là thời kỳ Giáo Hội đang bắt đầu, thời kỳ mà Giáo hội tiếp nối sứ mệnh Chúa trao.
“Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế”. Ơn ban của Chúa Giêsu như thế để tạo uy thế cho việc rao giảng. Quyền : ở đây là quyền trừ quỷ và chữa các bệnh tật; Thần ô uế là những sức mạnh chống lại Thiên Chúa, ô uế là vì chúng biểu lộ giữa loài người một sức mạnh chống đối với sự thánh thiện của Thiên Chúa và của dân Người .
“Và Người truyền cho các ông đi đường đừng mang gì”: Đây là những lời dặn dò trực tiếp của Chúa Giêsu đối với các môn đệ của Người về cách thức khi đi truyền giáo. Đừng mang gì : có nghĩa là từ bỏ mọi dính bén để hoàn toàn phó thác cho Chúa quan phòng. Ngoài cây gậy: Gậy là cái cần phải có để chống mà đi đường; không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi : Người tông đồ không chuẩn bị gì để lên đường dù là đồ vật hay là tiền bạc, để thực sự sống phó thác nơi Thiên Chúa quan phòng.
Điều đáng lưu ý là chúng ta không thấy Chúa Giêsu dặn dò các Tông đồ về nội dung giáo thuyết, "Sứ vụ” của các ông. Chúa không bảo các ông “phải giảng điều gì". Người chỉ nhắc nhở các ông những chi tiết "phải sống". Đối với Đức Giêsu, chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chứng tá bằng lời nói. Những người đại diện Chúa phải tỏ ra mình không cậy dựa vào sự giúp đỡ, vào uy tín nào của con người. Tất cả chỉ dựa vào niềm tin nơi Đấng đã sai họ.
“ Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi”: Ở đây đòi hỏi người tông đồ phải biết thích nghi với hoàn cảnh và môi trường truyền giáo.
“Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”: Chúa muốn nhắc nhở rằng phủi bụi như vậy là để làm chứng sự tệ bạc ở nơi ấy không nhận ơn Chúa. iều Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta là: Luôn đứng vững đừng ngã lòng: "Nếu người ta không tiếp nhận các con, các con hãy đi nơi khác". Chịu đựng thái độ không tin, lãnh đạm, chối bỏ,... điều đó xem ra hết sức bình thường đối với Đức Giêsu. Sự thật là khó khăn. Chúa Giêsu đã báo trước điều đó cho những người được sai đi rao giảng Tin Mừng. Con đường truyền giáo là con đường gian khổ. Cũng như Người họ phải đón nhận rủi ro bị chối từ hay xua đuổi Các ông phải đi theo Người đến độ phải bị chống đối, phải hy sinh thân mình.
“Các ông trừ quỷ, sức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân”:Các ông cũng chữa khỏi bệnh tật cách khác thường. Nhưng cách chữa của các ông khác với Chúa Giêsu ở chỗ : Chúa Giêsu chữa bệnh bằng một cử chỉ, lời nói (Mc 5, 42) còn các ông dùng việc xức dầu. Họ đã làm đúng những gì họ thấy Chúa Giêsu làm khi họ "ở với Người"
Qua việc trừ quỷ và xức dầu cho bệnh nhân, Chúa Giêsu muốn gắn liền hiệu quả siêu nhiên cho xác và cho hồn vào với một nghi thức bề ngoài. Ở đây ám chỉ bí tích xức dầu thánh (Ga 5,14 - 15).
Qua bài Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay, phụng vụ muốn nhắc nhở cho mọi thành phần trong Giáo Hội phải ý thức cách tích cực hơn về sứ mệnh tông đồ truyền giáo của mình trong xã hội ngày nay. Lữ khách, phải là người sẵn sàng. Có lẽ, Giáo Hội không ngừng tự "làm nhẹ bớt" để sẵn sàng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần.
Lời Chúa Giêsu dặn bảo các Tông đồ cũng là lời Chúa nhắn nhủ mỗi người tông đồ chúng ta hôm nay phải thực sự biết từ bỏ mọi dính bén làm cản trở việc tông đồ truyền giáo của mình. Những kẻ được Chúa sai đi sẽ là những con người thanh thoát, không cồng kềnh, mà rong ruổi như Người và luôn sẵn sàng lên đường đi loan báo Tin Mừng.
Tôi chợt nhớ tới một câu chuyện suy tư mang nhiều ý nghĩa : Một hôm thần giữ Satan triệu tập tất cả các sứ giả của mình lại để sai để sai đến trần gian với sứ mạng duy nhất là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết rồi. Chúng ra đi, chẳng bao lâu đã trở về tâu rằng : Chẳng cần phải giải thích nữa, vì hầu như con người cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết rồi. Bởi họ vẫn hận thù, chém giết nhau, vẫn gian tham … trong khi bên ngòai thì vẫn tỏ ra mình là kẻ tin và là môn đệ của Chúa. Nhưng cách sống của họ lại không hề biểu lộ niềm tin này. Vậy chúng ta không cần phải uổng công giải thích nữa.
Con người sống như Thiên Chúa đã chết. Đó là một lời cảnh tỉnh đáng cho mỗi người chúng ta suy nghĩ và kiểm điểm lại đời sống đức tin.
Chúng ta luôn tự hào mình là môn đệ của Chúa Kitô, làm sao chúng ta có thể quên được mệnh lệnh của Thầy truyền “ Chúng con hãy làm chứng !” đó là ơn gọi, là sứ mệnh, là căn tính là lý do hiện hữu của người kitô hữu chúng ta.
Sứ mệnh Chúa trao cho các tông đồ cũng là sứ mệnh của Giáo Hội và mỗi người chúng ta. Một cuộc đời đẹp là một cuộc đời dấn thân vì lợi ích cho tha nhân. Một tâm hồn thanh cao là tâm hồn luôn thanh thoát khỏi những bon chen vật chất, những vinh hoa phù phiếm mau qua. Ðó chính là mẫu người mà xã hội hôm qua cũng như hôm nay đang cần, rất cần họ để điểm tô cho xã hội thêm phong phú nhờ những cống hiến vô vị lợi và đầy lòng quảng đại của họ.
Ðó cũng chính là chân dung của các chứng nhân Tin mừng giữa lòng thế giới hôm nay. Đừng quá đề cao của cải vật chất … làm ảnh hưởng và cản trở đến công việc truyền giáo, mà hãy luôn biết tin tưởng vào Chúa quan phòng. Hãy để tâm làm việc phụng sự Chúa hơn là làm tôi cho tiền bạc và tiện nghi. Ðừng để lòng mình lệ thuộc vào vật chất mà quên đi giá trị tinh thần. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống theo lời Chúa để được phúc lành mai sau. Chính Chúa đã chúc phúc cho những tâm hồn khó nghèo và thanh bần: "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ"