"Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? Ảnh: TL |
Một trong những con đường đó chính là tình yêu. Trên con đường này, chúng ta đã ưu tiên cho một tình yêu nào? Phải chăng, chúng ta đã dành một khoảng ưu tiên quá lớn cho tiền bạc, danh vọng, sự phú quý giầu sang… và làm mọi điều để đạt được những thứ đó có phải là hạnh phúc đích thực hay không? Chúng ta đang sống trong một đất nước có rất nhiều luật lệ, buộc con người phải theo và tuân giữ. Là người Kitô hữu chúng ta cũng có những giới răn của Chúa và luôn có sự quy hướng về việc mến Chúa và yêu người. Thế nhưng, chúng ta có thể yêu mến Chúa thế nào và yêu tha nhân ra sao thì Lời Chúa luôn là ánh đèn soi sáng cho ta được biết. Như thế, Lời Chúa hôm nay cũng tỏ lộ cho ta biết về hai điều đó. Đối với bài trích sách Xuất Hành hôm nay, Lời Chúa đưa chúng ta trở về với thời Cựu Ước. Họ cũng đã sống đạo đức với Thiên Chúa và tha nhân bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, chúng ta được hiểu rõ hơn về luật mến Chúa và yêu người mà Đức Kitô đã khẳng định trong bài Tin Mừng Chúa nhật này. Thế nên, thánh Phaolô sẽ cho chúng ta thấy mẫu gương sáng giá của một giáo đoàn đã luôn luôn biết sống và thực hành Lời Chúa bằng tất cả lòng yêu mến.
Tinh thần sống đạo đức theo lề luật thời Cựu Ước Trước tiên, luật thời xưa đã có những lệnh cấm như Thiên Chúa đã truyền cho dân “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Aicập” (Xh 22,20); và Người đã dạy không được ức hiếp mẹ goá con côi, nếu nó kêu lên với Người thì Người sẽ trừng phạt những ai làm xúc phạm đến nó (x. Xh 22,21-23); tiếp theo đó là người cho vay mà không được lấy lãi nhưng chỉ được giữ những vật thể như là áo, giày dép… để tránh sự lạm dụng. Thế nhưng, những đồ cầm đó phải được trả lại trước khi mặt trời lặn xuống sau một ngày sống, để đêm tối đến trời lạnh người nghèo mới có cái áo để che thân cho đỡ lạnh (x. Xh 22,25-26).
Thời xưa, con người đã có những luật không được phép bóc lột lẫn nhau. Đó chính là cách mà con người sống đạo đức vì nhau. Thiên Chúa đã dạy cho dân phải biết tuân giữ các lệnh truyền bác ái, không phải là vì người này người kia, hay vì phải nhớ lại những đau khổ của dân khi ở Aicập nhưng là vì Thiên Chúa là Đấng từ bi và giàu lòng nhân hậu (x. 2Sb 30,9). Người luôn thương xót và bênh vực quyền lợi kẻ khó nghèo. Người mong muốn con người phải được bình đẳng với nhau vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Lòng đạo đức cá nhân không được tách rời khỏi tha nhân. Thế nhưng, trước tiên yêu mến Thiên Chúa thì phải yêu mến tha nhân như chính mình. Ý định của Thiên Chúa thì luôn luôn tỏ tường nhưng đường hướng con người lại không thi hành theo ý Chúa. Đến thời Chúa Giêsu, các nhà thông luật cũng như người Dothái đã không nhận ra giới răn quan trọng nhất. Cho nên, họ luôn coi trọng lòng mến Chúa nhưng lại coi thường bổn phận bác ái với tha nhân.
Mến Chúa và yêu người Hôm nay, trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu phải đương đầu với những vấn đề về giới răn trọng nhất. Trong Dothái giáo, đó là một câu hỏi hết sức khó khăn và quan trọng vì họ có quá nhiều luật định. Theo truyền thống, Lề luật gồm 613 giới luật, trong đó có 365 điều cấm và 248 điều phải làm. Từ lâu, con người đã muốn tổng hợp lại và đưa ra những nét chính yếu của luật như: Vua Đavít đã rút gọn vào mười một điều chính (x. Tv 15,2-5); ngôn sứ Isaia rút lại vào sáu điều chính (x. Is 33,15)… nhưng vẫn không bao giờ tóm gọn được các điều luật mà người Dothái muốn biết.
Việc Đức Giêsu Kitô bị người Dothái hỏi thử thì Ngài đã làm chứng cho sự thật qua lời đáp trả của Người. Bắt đầu Người dẫn chứng từ sách Đệ Nhị Luật như là điểm thu gọn cái thiết yếu của lề luật về tình yêu Thiên Chúa duy nhất (x. Đnl 6,4-5). Qua đó, Người lại nối kết vào đó một quy định khác, có liên quan đến luân lý và phụng tự của sách Lêvi (x. Lv 19,18). Ngài đã nói đến việc yêu mến như chính mình không có nghĩa là phải yêu tha nhân như ý riêng ích kỷ của mình nhưng là yêu bằng cả con người của mình, yêu bằng tình yêu của chính Ngài.
Như thế, Đức Giêsu đã nối kết mến Chúa và yêu người đến độ Ngài coi đó tuy hai nhưng là một. Tuy nhiên, Người vẫn dành ưu tiên cho tình yêu Thiên Chúa bởi vì điều răn thứ hai cũng giống điều răn thứ nhất chứ không phải ngược lại. Chỗ giống nhau ở đây thuộc trật tự quan trọng bởi vì, đối với Đức Giêsu, hai giới răn này Người gắn chặt vào đó với tất cả các quy định khác và do đó, Ngài muốn hoàn thành trọn vẹn Lề Luật trong tình yêu..