Chúa nhật 34 thường niên, mẹ Giáo hội đã suy tôn Đức Giêsu Kitô là Vua: vua hòa bình, vua tình yêu, vua niềm vui…và chỉ những ai sống trong tình yêu, niềm vui mới cảm nhận được nguồn gốc niềm vui phát khởi từ đâu; chỉ có những người trân quý tình yêu, niềm vui, hạnh phúc mới nhìn nhận Đức Giêsu là vua thật. Phụng vụ lời Chúa trong Chúa nhật II Mùa Vọng dạy chúng ta cách thức để lãnh nhận tình yêu, niềm hạnh phúc. Cách thức đó chính là mỗi người Kitô hữu hãy dọn đường cho Chúa đến để Ngài chiếm trọn tâm hồn và mang lại cho chúng ta tình yêu, niềm hạnh phúc viên mãn bởi chính Ngài là hạnh phúc tuyệt hảo.
I. CHÚA ĐẾN ĐỂ MANG LẠI HẠNH PHÚC Thiên Chúa toàn năng, toàn tri, trung tín và những gì khởi đi từ Ngài đều mang tính vĩnh cửu. Một khi được phát khởi từ Ngài niềm hạnh phúc cũng sẽ trường tồn.
Trong bài đọc 1 cho ta thấy cảnh bi thảm, sầu thương của dân Ngài vì họ đang trải qua những ngày không có niềm vui. Họ đang bị lưu đày nơi đất khách quê người, làm những công việc nặng nhọc của những con người nô lệ và bị đối xử bất công vì vắng bóng Thiên Chúa. Họ nhớ lại ngày tháng được tự do, được ăn no nê, cảm nhận được niềm hạnh phúc bởi có Chúa đồng hành với họ. Trong bối cảnh bị chèn ép, bị đối xử cách bất công, họ ao ước có được những ngày như thuở ban đầu. Họ muốn được trở về với vùng đất tự do để phụng thờ Thiên Chúa và cảm nhận hạnh phúc khi có Ngài ở bên. Để có được những tháng ngày như ban đầu Đức Chúa bảo với ngôn sứ Isaia và dân: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40,3). Sa mạc gợi lại việc Thiên Chúa giải thoát và dẫn họ vào trong đó để đi đến vùng đất tự do, nơi họ lãnh nhận niềm hạnh phúc từ Đức Chúa. Và hoang địa cũng là nơi gợi lại những lần họ thất tín, thất trung với Thiên Chúa, là nơi thú tội để trở về với Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi dân Ngài sống lại những ngày tháng trong hoang địa bằng cách lấp đầy mọi thung lũng, bạt đi mọi đồi núi cũng như nơi gồ ghề để tạo nên con đường thẳng băng. Đó không phải là con đường vật chất nhưng là con đường linh thiêng: bạt đi những thói hư tật xấu, lấp đầy những khoảng trống của sự nghi ngờ, bất tín bất trung…để trở nên con người thánh thiện xứng đáng để Chúa ngự.
Chúa nói dân Ngài mở đường để Ngài tới nhưng chính Ngài đã mở đường trước. Dân vẫn cứng tin không chịu trở về, thì Đức Chúa lại tỏ tình thương mà đoái nhìn đến họ. Thiên Chúa lại đi bước trước để đem họ về với đường ngay nẻo chính. Một vị Thiên Chúa không xử theo kiểu: dân trở lại rồi mới tha. Chúa đã tha cho họ khi họ còn là tội nhân; bởi nơi Ngài chan chứa tình thương. Tình thương của Thiên Chúa được ví như “mục tử chăn giữ đàn chiên, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con Ngài ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ cũng tận tình dìu dắt” (Is 40,11).
Hình ảnh dân Chúa năm xưa cũng đang diễn ra đối với từng người trong chúng ta. Nhiều lần chúng ta bất tín bất trung, không trở về với đường ngay nẻo chính nhưng Chúa vẫn đồng hành. Biết bao lồi lõm của hận thù, ghen ghét, đố kỵ… trong cuộc đời của chúng ta. Không vì những giới hạn đó mà Chúa bỏ mặc con người, nhưng Chúa chỉ cho chúng ta cách thức để tiếp cận tình yêu của Chúa bằng cách gạt bỏ những lồi lõm đó để trở về với Thiên Chúa, để được nương ẩn dưới cánh tay uy quyền của Ngài và cảm nhận được hạnh phúc đích thực.
II. NIỀM VUI CÓ CHÚA TRONG VAI TRÒ SỨ GIẢ Trong Tin Mừng của thánh Lc 1,66 có viết về Gioan: “…Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em”. Trong bài Tin mừng hôm nay, tác giả Máccô nói về vai trò ngôn sứ của Gioan Tẩy giả. Vai trò đó chính là dọn đường để Chúa Cứu Thế đến. Gioan mở đầu sứ mạng rao giảng qua việc xuất hiện trong hoang địa, và kêu gọi họ chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Tại sao Gioan lại cất tiếng kêu gọi trong hoang địa mà không phải nơi phố phường? Có ai ở trong hoang địa để nghe tiếng của Gioan? Tin Mừng lại nhắc cho chúng ta cụm từ “hoang địa”. Hoang địa là nơi thanh vắng, cô tịch. Tiếng hô trong hoang địa là tiếng nói trong cõi lòng của mỗi người. Cõi lòng là nơi cô tịch để chúng ta nghe được tiếng Chúa cũng như nhìn lại con đường mình đang đi.
Tiếng kêu của Gioan nhằm giúp dân Ixraen tỏ lòng sám hối để trở về với Đức Chúa. Vai trò ngôn sứ của Gioan được mọi người nhìn nhận. Những người đã nghe lời rao giảng của Gioan đều cho ông là một ngôn sứ. Thế nhưng ông ý thức vai trò ngôn sứ của mình. Nhiệm vụ ông đang làm là đi trước Chúa, mở lối cho Đức Giêsu để Ngài rao giảng Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa. Gioan coi Đức Giêsu là người cao trọng hơn ông, và nhận ra thân phận mở đường nên ông coi mình không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài (Mc 1,7). Phận vụ cởi quai dép thuộc về người nô lệ. Trước mặt Đức Giêsu ông tự nhận mình không xứng để thực hiện bổn phận của một kẻ hầu hạ....