Suy tư - Chia sẻ

Xin Chúa ở lại với con

Cập nhật lúc 11:32 11/12/2017
1.
Từ mấy năm gần đây, nhất là những tháng vừa qua, tôi thấy tình hình chuyển biến rất nhanh. Thời tiết biến đổi bất ngờ. Thời thế đổi thay nhanh chóng. Lòng người bất an, bất ổn một cách đáng sợ.
Giữa một dòng lịch sử cứ luôn nối tiếp những đợt sóng gió phức tạp như thế, tôi cảm thấy cuộc sống của mình trở thành mong manh, bị đe dọa tư bề.
Không phải riêng tôi là như thế. Rất nhiều người đều như thế, và còn hơn thế.

2.
Trong cảnh huống đó, mỗi người đều có những chọn lựa riêng cho mình.
Riêng tôi, với đức tin, tôi thường nói với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương ở lại với con”. Có lúc tôi cũng nói với Đức Mẹ: “Xin Mẹ thương ở lại bên con”.
Tôi nhấn mạnh đến ở lại. Thực sự, Chúa và Đức Mẹ đã ở lại với tôi. Tôi tin và cảm thấy như thế, nhất là những lúc tôi yếu đuối, bệnh tật, vấp ngã, bị lạc vào những cô đơn tăm tối.
Chúa và Mẹ ở lại với tôi. Tôi nhận được từ nguồn tình yêu những ơn cần thiết để tập trung vào cầu nguyện và tỉnh thức.

3.
Khi tập trung vào cầu nguyện và tỉnh thức là những việc mà Phúc Âm luôn nhắc nhở, tôi không còn mất thời giờ để kết án ai, để phiền trách ai, để đổ lỗi cho ai, nhưng tôi coi thời giờ là rất quí, phải tận dụng từng giây từng phút để làm việc lành.

4.
Thế là Chúa và Mẹ ở lại với tôi. Và tôi cũng ở lại với Mẹ và với Chúa.
Nhờ vậy, tôi dần dần đón nhận được tình yêu xót thương của Chúa. 
Chúa và Mẹ dạy tôi đón nhận bằng nhiều cách.
Có lúc bằng cách lui tới Lời Chúa và các Bí tích.
Có lúc bằng cách tiếp nhận những người mang tình thương cứu độ đến cho tôi.
Có lúc bằng cách phục vụ những người nghèo túng, bệnh tật, cô đơn, yếu đuối, bé nhỏ, hèn mọn.
5.
Càng ngày tôi càng hiểu sự Chúa và Mẹ ở lại với tôi, phải luôn đi liền với sự tôi ở lại với Chúa và Mẹ.
Ở lại như thế, là những thời giờ quí báu, Bởi vì những thời giờ đó là cơ hội để đón nhận tình yêu xót thương của Chúa.

6.
Tôi thấy mỗi ngày, mỗi giờ đều là sự ở lại để có thể phục vụ những người nghèo túng, bệnh tật, bé mọn, cô đơn, yếu đuối. Qua đó, mà gặp được Chúa và đón nhận được tình yêu của Chúa. Chỉ thế mà thôi, tôi cũng hãy coi mình là hạnh phúc lắm rồi. Phương chi, mỗi ngày mỗi giờ còn là sự ở lại, để đón nhận Lời Chúa, biết bao người sống Lời Chúa mà Chúa gửi đến chia sẻ với tôi.

7.
Lỗi của tôi thường là sự không ở lại bên Chúa và Mẹ để cầu nguyện và tỉnh thức.
Xét mình trước mặt Chúa, tôi thấy nhiều khi tôi nói mình cầu nguyện, nhưng Chúa lại không coi đó là cầu nguyện. Tôi nói mình tỉnh thức, nhưng Chúa lại không coi đó là tỉnh thức. Tôi nói mình tìm ý Chúa, nhưng Chúa lại coi đó là tìm ý riêng.
Tóm lại, tôi không nên lừa dối Chúa và lừa dối mình, kẻo sẽ không tránh được những hậu quả khủng khiếp.

8.
Hiện giờ, tôi đang thấy nhiều cá nhân và nhiều nhóm nhỏ theo gương Thánh Gia xưa, mà ở lại giữa những xóm nghèo. Họ không ồn ào, chỉ yêu thương phục vụ bằng những việc nhỏ một cách âm thầm nhưng cụ thể và quảng đại. Ở lại, ở bên, để chia sẻ, đỡ nâng. Ở lại, ở bên được thực hiện bằng nhiều cách.

9.
Họ đang rao truyền Tin Mừng bằng sự họ ở lại như thế.
Ở lại như thế không dễ đâu. Khó đối với loài người, nhưng đối với Chúa thì không khó.
Khi được Chúa giúp, chúng ta sẽ hiểu thế nào là được tham gia vào tình yêu thương xót của Chúa.

10.
Dịp ngày nhà giáo Việt Nam mới rồi, tôi được một nhóm cựu học sinh của tôi đến thăm. Họ nay đã lớn tuổi, hầu hết là không Công giáo. Họ kể cho tôi hoạt động hiện nay của họ là cùng nhau làm việc từ thiện.
Việc từ thiện của họ là phục vụ những người nghèo, già yếu, cô đơn. Đến tận nơi, ở lại, đem lại những niềm vui nhỏ cho từng người. Chủ yếu là tình thương quên mình.

11.
Gặp được những người làm từ thiện trên đây, tôi cảm tạ Chúa và Mẹ đã cho tôi thêm hạnh phúc trước sự lan rộng của tình yêu xót thương của Chúa.
Tình yêu của Chúa lan rộng sang những người không Công giáo đang là hiện tượng phổ biến tại Việt Nam hôm nay. Tôi vừa cảm tạ Chúa vừa vui mừng được bắt chước họ. 

12.
Niềm vui của tôi đã được tăng thêm một cách chính thức, khi nghe Đức Thánh Cha Phanxicô quả quyết: “Làm việc từ thiện cho những người nghèo chính là một hộ chiếu để vào Thiên đàng” (19.11.2017).
Tôi nghĩ Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như thế, vì ngài tin vào Lời Chúa Giêsu đã quả quyết: “Ta bảo thật các ngươi mỗi lần các ngươi làm từ thiện cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40).

13.
Thú thực là sự coi việc từ thiện dành cho kẻ nghèo khổ lại có giá trị cứu rỗi quyết định như thế đã có lần gây hoang mang cho tôi. Chính lúc đó, Chúa dạy tôi, muốn đón nhận Tin Mừng ấy, tôi phải rất khiêm nhường, bé nhỏ. Tôi nhớ lại Lời Chúa Giêsu đã nói với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10, 21).

14.
Lạy Chúa và Mẹ, con xin hết lòng cảm tạ Chúa và Mẹ đã ở lại với con, để dạy con biết sống bé nhỏ, nhờ vậy mà đón nhận được tình yêu xót thương của Chúa.
 
Long Xuyên, ngày 21/11/2017
ĐGM. GB
Thông tin khác:
Truyền giáo là yêu thương người tật nguyền (08/12/2017)
Tản mạn chuyện nhà đạo: MÙA VỌNG,THỨC HAY NGỦ ? (07/12/2017)
Hãy trông chờ và tỉnh thức (06/12/2017)
Xin đừng bỏ rơi con (05/12/2017)
Vua tình yêu (01/12/2017)
Lo sợ trước nỗi đau buồn của Chúa Giêsu (30/11/2017)
Vì người mình yêu mà hiến mạng sống (21/11/2017)
Hành trình của ngọn lửa nhỏ nơi cây nến nhỏ (20/11/2017)
Tỉnh thức là sự khôn ngoan (15/11/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log