Sống kiên cường tin tưởng cậy trông. Luôn sẵn sàng đón Chúa trong bình an. |
Mùa Vọng là Mùa của trông ngóng đợi chờ; nhưng đợi chờ gì đây? Đợi chờ Đức Kitô ư? Ngài đã đến trần gian hơn 2000 năm nay rồi! Thế tại sao năm nào chúng ta cũng cử hành Mùa Vọng? Lý do quan trọng nhất là Giáo hội muốn chúng ta nhìn lại cuộc đời mỗi người xem Đức Kitô đã đến và làm chủ cuộc đời của chúng ta chưa. Để nhận ra điều này, một cuộc hồi tâm xét mình cần thiết để con người có thể trả lời câu hỏi này với Thiên Chúa.
Bài đọc I Sách ngôn sứ Is: Sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời ta. Sách TT Isaia được viết vào một giai đọan lịch sử rất khó khăn của Do Thái: quốc gia bị xóa sạch và dân chúng bị lưu đày các nơi. Điều trước tiên họ nhận ra là sự vắng mặt của Thiên Chúa: chẳng còn Đền Thờ để cầu nguyện, chẳng còn tư tế và tiên tri để nhắc nhở họ nghĩ tới Thiên Chúa. Dân lưu đày nhận ra sự quan trọng của Thiên Chúa trong cuộc đời, nên cầu xin với Ngài: “Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại. Dân cũng nhận ra tội lỗi của mình Nhưng họ cậy trông vào lòng nhân từ của Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.”
Bài đọc II: Thánh Phaolô cầu nguyện cho các tín hữu Côrintô: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an. Đức Kitô mặc khải cho con người sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Đức Kitô giúp con người trung thành đến cùng. Ngoài ra, con người cũng biết chuẩn bị mọi hành trang cần thiết để ra trước Tòa Phán Xét của Thiên Chúa.
“Hãy tỉnh thức”. Đây là lời mời gọi mà Thầy Giêsu dành cho những ai đã và đang bước theo Ngài trên con đường tiến về quê hương thiên quốc.
Thật vậy, có bao giờ chính chúng ta thử đặt ra cho mình câu hỏi: “Tỉnh thức là gi? Tại sao phải tỉnh thức? Vì đâu mà Thầy Giêsu lại mời gọi mỗi người khi đi theo Ngài phải luôn tỉnh thức”.
Vâng, Lời Chúa mời gọi mỗi người trong chúng ta: “ Anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến”. Để rồi từ đó Chúa mời gọi chúng ta phải ý thức được nơi chính mình, là loài thọ tạo được Chúa yêu thương tạo thành và được mời gọi vào chung hưởng hạnh phúc Nước Trời, sau khi hoàn tất cuộc sống trần thế với một tâm thế luôn luôn tỉnh thức. Vậy đâu là tỉnh thức?
Quả vậy, thế giới hôm nay mà chúng ta đang sống được mệnh danh là một thế giới “không ngủ”. Ở đây, hạn từ “không ngủ” không phải vì không có ngày và đêm. Nhưng không ngủ ở đây là vì cuộc sống mưu sinh, buộc con người lao mình vào những công việc mà ở đó họ không còn hiểu “khái niệm” về ngày, đêm. Để rồi khi nhìn dưới lăng kính của cuộc sống mưu sinh, đây quả là một điều tốt, điều đáng khen. Vì ở nơi đó có những người cha, người mẹ đã phải tảo tần, không ngại sương đêm, mưa gió để lo cho cuộc sống của đàn con thơ bé. Hay cùng với đêm tối đó những người lao công âm thầm làm cho phố phường được sạch sẽ thoáng đãng hơn, để mọi người có thể đón nhận ngày mới với một bầu không khí trong lành. Rồi với những nhà hoạt động xã hội, trong sự đóng góp nhỏ bé của mình, mang lại những giá trị to lớn đầy ý nghĩa cho cuộc sống. Hay cũng như có những nhân viên y tế đang chăm sóc con người đang nằm trên giường bệnh với tâm thế sẵn sàng đón nhận cái chết đến với mình. Và còn nhiều điều đã và đang dạy cho ta thấy được những điều lớn lao của bao người “không ngủ” để đem lại cho xã hội có nhiều màu sắc yêu thương hơn.
Vâng, chính những người “không ngủ” trong một thế giới “ không ngủ” đó, đã cho chúng ta thấy đâu chính là câu trả lời cho việc tỉnh thức mà thầy Giêsu, đã và đang mời gọi chúng ta phải và sẽ làm trong cuộc sống thường ngày của chúng ta hôm nay. Quả vậy, lời mời gọi tỉnh thức không khác gì hơn, đó chính là lời mời gọi mỗi người trong chúng ta đang sống trong thế giới hôm nay, phải sống là chính mình trong sự phục vụ yêu thương; trong việc chu toàn bổn phận mà gia đình, xã hội đã và đang trao phó trong tay chúng ta.
Vai trò là ông bà, là cha me chúng ta phải biết nuôi và dạy con cái của mình cho tốt, để sau này làm một người công dân tốt, làm người có ích cho xã hội. Và cũng với vai trò là một thành phần không thể thiếu trong một môi trường xã hội năng động, phát triển không ngừng, chúng ta phải ý thức để đưa xã hội mỗi ngày một thăng tiến hơn, để mọi người có thể thấy được một sự yên bình trong một xã hội năng động bằng những đóng góp tưởng chừng như nhỏ bé của mỗi một người trong chúng ta.
“Hãy tỉnh thức”, lời mời gọi của thầy Giêsu không khó như ta nghĩ rằng phải thức theo cách thể lý. Nhưng đây là cái “thức” của một tâm hồn luôn luôn biết làm tròn bổn phận của mình trong chính môi trường sống mà mình đang sống. Là một người thánh hiến cho Chúa, chúng ta phải sống với giá trị đích thực mà đời thánh hiến mời gọi. Là một người sống đời gia đình, chúng ta phải sống với những gì Chúa mời gọi để gia đình chúng ta được ấm êm hạnh phúc, đồng thời có những đóng góp tích cực cho xã hội, để thăng tiến con người.