Suy tư - Chia sẻ

Hy sinh để được hồi sinh

Cập nhật lúc 18:31 28/11/2018
Năm 2018 thực sự là một năm đặc biệt đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, kỷ niệm 30 năm Toà Thánh nâng 117 vị tử đạo lên hàng hiển thánh.
Có thể nói rằng đây thực sự là niềm tự hào to lớn của Giáo hội. Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội những chứng nhân anh dũng, dám dấn bước theo chân Chúa Giêsu, dùng cái chết để làm chứng cho Tin Mừng. Điều đó chứng minh rằng chết không phải là hết mà chính là mở ra và khởi đầu cho một cuộc sống mới. Chính Chúa Giêsu đã dùng cái chết của mình để cho cả nhân loại được sống. Các thánh tử đạo đã sẵn sàng đổ máu mình ra để làm chứng cho niềm tin của mình và cũng là để củng cố niềm tin cho biết bao thế hệ được vững vàng. Ai trong chúng ta rồi cũng phải chết, chỉ khác nhau ở chỗ là chúng ta chết cách nào. Hay nói đúng hơn là trong suốt cuộc đời dương thế, chúng ta đã và sống như thế nào với niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận.

1. Chúa Giêsu đã chết để nhân loại được sống

Chúng ta cùng nhớ lại đoạn thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philípphê: Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng Người đã từ bỏ tất cả, hoàn toàn trút bỏ vinh quang; không chỉ mang thân nô lệ, sống kiếp phàm nhân như con người mà Người còn hạ mình, sẵn sàng vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, chết một cách nhục nhã trên cây Thập giá (x. Pl 2,6-8). Chính nhờ cái chết của Chúa Giêsu mà nhân loại được xóa bỏ tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa. Qua cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, Người khích lệ các môn đệ đang bị bách hại, đang gặp khó khăn hãy luôn kiên vững. Bởi vì, như cái chết của Người đã lập công trước mặt Chúa Cha, nhờ đó Người được ban thưởng vinh quang và danh dự, thì cũng vậy, cái chết của các môn đệ trong cơn bách hại cũng sẽ là niềm hy vọng được phục sinh cùng với Đức Kitô như lời Người đã hứa.
Giáo hội Công giáo đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử với những thăng trầm. Ngay từ thời các Tông đồ, Giáo hội đã phải đối diện với những cuộc bách hại khốc liệt. Thế nhưng, qua những biến cố đó, đức tin của người Kitô hữu dường như lại càng trở nên mãnh liệt và sống động hơn. Có được như vậy, chắc chắn không thể phủ nhận sự hy sinh cao cả của các thánh tử đạo, những người đã nối gót Chúa Giêsu, dùng cái chết của mình để làm chứng cho đức tin, cho sự thật.

2. Các thánh tử đạo đã chết để giữ vững đức tin của người Kitô hữu

Câu chuyện sách Macabê thuật lại lòng can đảm của bà mẹ cùng với bảy người con, kiên quyết giữ luật Thiên Chúa chứ không nghe theo lời dụ dỗ của vua quan. Điều đáng cho chúng ta khâm phục là lòng can đảm và đức tin kiên vững của người mẹ. Bà phải chịu đựng nỗi đau đớn khi chứng kiến bảy đứa con bị hành hình. Không những thế, bà còn khuyên các con của mình sẵn sàng nhận cái chết chứ không lỗi luật Chúa. Bà tin chắc rằng Thiên Chúa là Đấng làm chủ sự sống, “Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn thân xác mình” (2Mc 7,23). Niềm tin đó cũng là điều mà các thánh tử đạo Việt Nam đã sống và làm chứng trong suốt những thời kỳ Giáo hội bị bắt bớ và cấm đạo.

Đạo Công giáo truyền vào Việt Nam năm 1533, do giáo sĩ Tây phương tên là Innêkhu đến làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chấn và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định ngày nay). Tính ra, hạt giống Tin Mừng được gieo vào lòng đất Việt chỉ mới gần 500 năm, một Giáo hội non trẻ nhưng đã âm thầm lớn lên và đâm hoa kết trái cho dù phải gặp biết bao giông tố kinh hoàng, bắt bớ, giam cầm, tra tấn, thảm sát và phân sáp các tín hữu vì niềm tin sắt son vào Ðức Kitô qua những thăng trầm lịch sử các triều đại:

30.000 anh hùng Việt Nam tử đạo dưới thời Chúa Trịnh Ðàng Ngoài, Chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn ở Ðàng Trong. 40.000 chiến sĩ đức tin đã anh dũng tuyên xưng niềm tin dưới ba triều đại: Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Ðức (1848-1883). 60.000 tín hữu kiêu hùng chết vì tin vào Chúa Kitô do việc bắt bớ, thảm sát, phân sáp của phong trào Văn Thân (1862-1885). Trong số 130000 tiền nhân anh dũng hi sinh mạng sống để bảo vệ đức tin, 64 vị được tôn phong "chân phước" do Ðức Thánh Cha Lêô XIII ngày 7/5/1900, 8 vị được nâng lên hàng "chân phước" do Ðức Thánh Cha Piô X ngày 15/4/1906 và thêm 20 vị vào ngày 11/4/1909, 25 vị được tuyên xưng "chân phước " do Ðức Thánh Cha Piô XII ngày 29/4/1951. (Trần Anh Dũng, Sử lược Giáo hội Công giáo Việt Nam (1533 - 2000).

Năm nay, Giáo hội long trọng cử hành “Năm Thánh tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam”, kỷ niệm 30 năm ngày Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn vinh 117 thánh tử đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh. Năm Thánh bắt đầu từ ngày 19/6/2018 và bế mạc vào ngày 24/11/2018 (Lễ Các thánh tử đạo Việt Nam).

Bằng cái chết của mình, các thánh tử đạo đã làm chứng trước mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là “kho tàng chôn giấu trong ruộng” và “ngọc quý vô giá” nên khi tìm được, các ngài sẵn sàng bán tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống để “mua thửa ruộng và ngọc quý” đó. Các ngài thà chết chứ không chịu nghe lời dụ dỗ của vua quan triều đình. Còn chúng ta, mỗi người chúng ta hôm nay hãy tự vấn lòng mình: Đức tin của chúng ta kể từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội đã triển nở như thế nào? Chúng ta đã và sẽ làm chứng về đức tin đó như thế nào?

GB Nguyễn Duy
Thông tin khác:
Bám chặt lấy Chúa và Đức Mẹ (26/11/2018)
Con đường dẫn đến nước trời (08/11/2018)
Chút tâm tình về ơn truyền giáo (07/11/2018)
Đức Kitô mở ra niềm tin hy vọng (06/11/2018)
Sống tình trạng đau yếu (05/11/2018)
Chia sẻ trong thánh lễ mừng Đại hội Đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (31/10/2018)
Cầu nguyện với chuỗi tràng mân côi (22/10/2018)
Đừng ngăn cản họ vì danh Đức Kitô (08/10/2018)
Cải cách hiện nay trong Hội Thánh (05/10/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log