Đấng phục sinh tỏ mình với một thân xác hữu hình. Ban đầu, các ông sợ, nhưng sau đó các ông đã tin Chúa Giêsu phục sinh. Ngài là Đức Giêsu, Thầy của họ, đã chết và đang hiện diện giữa họ. Họ nhận biết Chúa Giêsu vì thấy, nghe, sờ…Chúa Giêsu ăn trước mặt họ. Chúa Giêsu phục sinh chính là Chúa Giêsu đã chết và đang sống. Ngài tỏ cho thấy, Ngài hiện diện thực sự.
Chúa Giêsu đã giải thích cho các Tông đồ hiểu ý nghĩa của biến cố nhờ vào Kinh Thánh. Chúa Giêsu phải chết… đó là chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ngài sống lại để hoàn tất những điều Kinh Thánh đã báo trước. Sau đó, họ lãnh nhận sức mạnh là phải đi làm chứng, rao giảng sám hối để được tha tội, bắt đầu từ Giêrusalem. Để có thể thực thi sứ mệnh, cần phải nhận Thánh Thần từ Ngài gởi đến.
Biến cố Thăng Thiên, chấm dứt giai đoạn sứ vụ của Chúa Giêsu. Giai đoạn tiếp theo là Hội Thánh tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các Tông đồ. Ngài ban bình an, củng cố đức tin của các Tông đồ bằng cách tỏ bày cho biết Ngài chính là Thầy của các ông, đã chết nhưng đã sống lại và bây giờ đang hiện diện thật sự trước mặt các ông. Ngài giúp các ông hiểu những lời Kinh Thánh tiên báo về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đức Kitô được ứng nghiệm nơi Ngài. Cuối cùng Ngài trao cho các ông sứ mạng đi rao giảng và làm chứng về Ngài.
Chúa Phục Sinh ban bình an cho các môn đệ
Các Tông Đồ vừa trải qua những biến động làm họ xao xuyến và bàng hoàng: Thầy Giêsu bị bắt, bị kết án chết thập giá, mồ trống, vài anh em chạy đến mộ kiểm chứng thông tin của các phụ nữ và thấy đúng như lời họ nói… Họ đang sợ người Do thái đến tìm bắt họ để điều tra vì có tin đồn các môn đệ lấy cắp xác Chúa Giêsu. Sau khi hai môn đệ Emmau nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài bẻ bánh và biến đi, họ lập tức quay về gặp các Tông Đồ và thuật lại những điều vừa xảy ra cho họ. Đang lúc ấy, Chúa Giêsu phục sinh hiện ra, Ngài ban bình an. Đây là lời chào thông thường của người Do thái, nhưng với Chúa Giêsu phục sinh, lời chào này bao hàm sự trấn an mà Ngài đã hứa: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14, 27).
Chúa Phục Sinh củng cố niềm tin của các môn đệ
Chúa Giêsu phục sinh củng cố niềm tin các Tông đồ bằng cách hiện ra sống động với họ. Người cho họ xem tay chân, các vết thương, và còn ăn uống trước mặt họ. Tất cả để chứng thực rằng Chúa Giêsu quả thực đã chết trên thập giá, nhưng nay sống lại và đang hiện diện thật sự với họ. Ngài dùng lời Kinh Thánh để giải thích cho họ hiểu Đấng Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba sống lại, và được ứng nghiệm nơi Ngài.
Sự Phục Sinh là đỉnh cao của công trình cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện qua con người Chúa Giêsu. Đó là dấu chỉ ơn cứu độ cho muôn dân, là cửa ngõ dẫn vào kho tàng ân sủng và bình an của Thiên Chúa dành cho con người. Chúa hiện đến để chứng thực về biến cố siêu việt vừa xảy ra, và qua đó làm cho niềm tin của các môn đệ được vững mạnh.
Chúa Phục Sinh sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng
Chúa Giêsu truyền cho các ông đi rao giảng về sự thống hối để được tha tội, bắt đầu từ Giêrusalem với dân Do thái và sau đó với mọi dân trên khắp cùng trái đất. Ơn cứu độ của Chúa được ban cho mọi dân tộc. Sự thống hối là một hoán cải từ trong não trạng, tâm hồn đưa đến một thay đổi toàn diện cuộc sống. Đó là điều kiện để được tha thứ và lãnh nhận ơn cứu độ. Các Tông đồ phải là nhân chứng cho Chúa Giêsu từ khi Ngài chịu Phép Rửa cho đến khi chịu chết, nhất là sự sống lại của Ngài. Đây là sứ mạng của toàn thể dân Chúa. Thánh Phaolô đã công khai tuyên bố cách mạnh mẽ rằng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Để thực thi sứ mạng ấy, mỗi Kitô hữu trước hết phải hoán cải nơi chính bản thân để có thể công bố lòng thương xót và ơn tha thứ cùng Tin Mừng Phục Sinh với ơn bình an của Thiên Chúa cho mọi người.
Chúa Phục Sinh lên trời vinh hiển
Biến cố thăng thiên biểu lộ vinh quang của Đấng phục sinh, hoàn tất lời tấn phong thiên sai từ khi chịu Phép Rửa, và bây giờ được đăng quang bên hữu Thiên Chúa (Tv 110, 1).
Theo sách Công vụ các tông đồ, 40 ngày sau khi phục sinh, Chúa Giêsu mới thăng thiên. Con số 40 có nghĩa biểu tượng. Chủ ý của Luca là các Tông đồ cần có thời gian để vững tin vào Chúa Giêsu phục sinh nhờ vào những lần hiện ra.
Sau cùng, Chúa Giêsu thăng thiên có nghĩa là chấm dứt các lần hiện ra, và từ đây dưới tác động và sức mạnh của Thánh Thần, các Tông đồ đảm nhiệm lấy sứ mạng mà Chúa Giêsu đã trao phó. Vì vậy, thăng thiêng nói lên vinh quang và uy quyền của Đấng phục sinh.
Các tông đồ là những sứ giả của Tin Mừng, được Chúa trao nhiệm vụ rao giảng và làm phép rửa cho những ai tin. Chúng ta cũng được kêu gọi đáp ứng lệnh truyền đó của Chúa. Khi đến với người khác, mỗi người chúng ta có ý thức để sống như một sứ giả Tin Mừng của Chúa chưa? Mỗi người có luôn sẵn lòng chu toàn bổn phận và nhiệm vụ được trao phó cho mình không?
Các tông đồ nhận lệnh và lên đường rao giảng Tin Mừng. Bản văn không cho thấy Chúa nói ra đó là Tin Mừng gì, có nghĩa đó là Tin Mừng và các môn đệ đều đã biết rõ trong thời gian ở với Chúa, nên Chúa chỉ nói Tin Mừng thì các ông biết ngay đó là Tin Mừng nào. Chúng ta có biết chúng ta sẽ loan truyền Tin Mừng nào không? Chúng ta có gần gũi Chúa đủ để biết Tin Mừng như các tông đồ đã biết không? Chúng ta có tin những gì mình rao giảng không?