Suy niệm Lời Chúa
Trên đường từ núi Ta-bo đến Ca-phác-na-um, Đức Giêsu lại nhắc lần hai về cuộc khổ nạn và khi tới Ca-pha-na-um người ta hỏi thuế Chúa.
Cuộc sống và cách cư xử của Chúa Giêsu luôn là khuôn mẫu cho chúng ta, những người tông đồ theo Chúa.
"Con Người sắp bị nộp vào tay người đời…": Động từ "bị nộp" ở thể thụ động hiểu ngầm người nộp chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa nộp ai và cho ai? Thưa nộp Chúa Con cho thế gian.
"… nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền": Các môn đệ buồn phiền vì chỉ nhớ đến phần thứ nhất của lời loan báo (Chúa Giêsu bị giết) chứ không để ý đến phần thứ hai (Người sẽ sống lại).
"…Thầy các ông không nộp thuế sao…": Đây là thuế thân nộp vào đền thờ mỗi năm một lần, mỗi nam công nhân DoThái, kể cả những người sống ngoài đất thánh đều phải đóng và đóng bằng tiền Do Thái để chi phí việc thờ phượng.
"Ông đáp: có chứ…": Chúa Giêsu và các môn đệ Người theo thói các người đạo đức vẫn nộp thuế này. Nhưng trước khi bảo Phê-rô nộp thuế Đức Giêsu đã:
* Dựa vào dụ ngôn về con cái và người ngoài để chỉ các môn đệ nhận thức về nguồn gốc của Người là bởi Thiên Chúa.
* Dựa vào phép lạ lấy tiền trong bụng cá để chứng thực thiên tính của Người.
Tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua việc trao nộp Con Một của Ngài. Ngài ban cho loài người Con độc nhất mà Ngài rất yêu quý. Chúng ta cũng hãy suy gẫm về sự hy sinh tự hạ của Chúa Giêsu: là Con Thiên Chúa, Người sẵn lòng bị nộp vào tay người đời để cho người đời hành hạ và giết chết.
Chúa Giêsu loan báo sự đau khổ và sự chết của Người sắp chịu. Ngài tâm sự nỗi đau khổ thầm kín của Người cho các môn đệ, một đàng có tính cách loan báo và một đàng để chia sẻ với người thân. Tuy nhiên các môn đệ không hiểu nỗi khổ của Người nên Người phải kiên nhẫn chịu đựng thêm. Chúng ta phải can đảm chịu đựng những thái độ dửng dưng hoặc hiểu lầm của những người thân về những đau khổ kín đáo của mình. Xin cho chúng ta luôn nhớ rằng Thập gía là con đường dẫn tới vinh quang. Vì có nhớ như thế con người mới có thể lạc quan vác Thập giá theo Chúa.
Câu chuyện nộp thuế cho đền thờ nhắc nhở mọi tín hữu góp phần mình vào đền thờ, vào việc chung của Giáo hội. Đây là bổn phận công bằng, vì ta hưởng ơn ích của Giáo hội thì ta cũng phải góp phần vào đấy, góp phần vào bằng vật chất cũng như tinh thần.
Chúa Giêsu chấp nhận việc nộp thuế cho đền thờ một đàng khỏi làm gai mắt họ một đàng để thích nghi với hoàn cảnh: nên giống con người mọi sự, trừ tội lỗi, và phù hợp với tinh thần người đưa ra: "Ta ở giữa họ". Người tông đồ cần chu toàn bổn phận của một con người sống trong môi trường và hoàn cảnh như mọi người để tránh sự dị nghị và cách biệt với người khác và đồng thời để tỏ bày tinh thần hoà đồng gần gũi với người khác.
Câu chuyện minh họa: Thánh lễ Cung hiến đền thờ đã xong. Đức Giám Mục lên tiếng cám ơn đích danh từng người đã cộng tác vào việc xây cất, khi Ngài vừa dứt lời và sắp ban phép lành thì một em bé đứng gần bên nói lớn làm mọi người ngạc nhiên, em nói:
- Thưa Đức Cha, con cũng đã góp phần vào việc xây cất đền thờ này nữa, bình tĩnh, Đức Giám Mục hướng về em và hỏi:
- Con đã góp phần bằng cách nào ? Được khuyến khích bởi sự chú ý của Đức Cha em bé mạnh dạn trả lời:
- Thưa Đức Cha, mỗi trưa con đem cơm đến đây cho cha con ăn để làm việc xây cất đền thờ này. Đức Giám Mục và toàn thể cộng đoàn vỗ tay hoan hô lòng đơn sơ và can đảm của em và tất cả đều đồng ý là em cũng có đóng góp phần của mình vào việc chung, dù không phải là công việc quan trọng cực nhọc như nhiều người khác, với hạng tuổi cho phép em đã đóng góp phần của mình và đáng được nêu danh cám ơn như những người khác.
Bài học áp dụng
Chấp nhận mọi Thánh giá để chu toàn mọi bổn phận và trách nhiệm trong ngày sống. Luôn biết tìm kiếm và xây dựng những gía trị nước trời trong những bổn phận trần thế và những hành động yêu thương nhỏ bé.