"Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "ông là ai?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. Ảnh: CTV |
Phụng vụ Lời Chúa, trong Chúa nhật III Phục sinh cho chúng ta thấy rõ lời đáp trả đó, ngang qua việc Đức Giêsu đã đến với các môn đệ, đã tỏ mình ra cho các ông và đã cùng ăn với các ông đang khi các ông còn hoài nghi, còn bỡ ngỡ về những việc làm của Thầy mình. Lời mời gọi đó được thánh Gioan thuật lại rằng: “Anh em hãy đến mà ăn!” (Ga 21, 12). Cùng lời mời gọi đó thì lời đáp trả của các môn đệ “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” Đức Giêsu nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21, 16).
Diễn tiến bài đọc 1,trích sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy được sự mạnh dạn của các môn đệ khi thấy Đức Giêsu sống lại, các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý, không những thế: “Mà lòng các ông còn hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 41). Bằng lời đáp trả khi thấy Đức Giêsu sống lại các môn đệ đã vượt lên mọi sự nghiêm cấm của các nhà lãnh đạo vua quan, nhưng một mực vâng nghe theo lời Thiên Chúa để rao giảng việc Đức Giêsu từ cõi chết chỗi dậy, đồng thời xác tín niềm tin của mình một cách mạnh mẽ hơn: “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người” (Cv 5, 32).
Trở về với bài Tin Mừng, chúng ta thấy được tình yêu của Đấng Phục sinh, Ngài đã đi bước trước, Ngài đã đến với con người và Ngài đã tìm con người. Nhưng sự đáp trả của con người đối với Thiên Chúa như thế nào? Phải chăng chúng ta giống như anh thanh niên kia để tôi về từ biệt gia đình, để tôi về chôn cất cha mẹ…toàn là những lý do chính đáng và đây cũng là những sự cản trở làm chúng ta khó đến được với Chúa. Còn về phía các môn đệ thì lại khác xa, khi được Đức Giêsu mời gọi thì các ông đã lập tức từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Chính Chúa đã đi bước trước để tìm và đến với chúng ta bằng chứng: “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển” (Ga 21, 4). Sau đó Chúa đã hiện ra với các ông và ban cho các ông một mẻ lưới đầy ắp cá.
Qua đó, cho ta nhận thấy rằng sức sống Chúa Phục sinh được ban cho các môn đệ, cũng chính là ban cho mỗi người. Để biến đổi chúng ta từ những con người cộc cằn, khô khan, nguội lạnh…đến những con người nhiệt thành, nhiệt tâm, con người của những kết quả ngoài sức tưởng tượng. Ở nơi Đức Giêsu chúng ta cần học hỏi cách hành xử của Ngài, sự khiêm tốn, thái độ ân cần đầy yêu thương khi gặp các môn đệ. Bằng chứng Ngài đã dọn sẵn than hồng, cá, bánh, những sự ân cần này đáng lẻ là của một tên đầy tớ phải làm, nhưng đối với Thiên Chúa thì không. Ngài đến như một người đầy tớ để phục vụ, và Thiên Chúa cũng muốn có sự đóng góp của con người, ngay cả trong những chuyện nhỏ nhất.
Trong sự hy sinh ân cần đó, với thực trạng hôm nay hình như lời đáp trả của con người đối với Thiên Chúa đã dần đi vào quên lãng. Những sự lạm dụng tình dục, những vụ cướp bóc, những vụ buôn bán người trái phép làm cho nhân phẩm con người ngày càng đi xuống. Đâu đó những tiếng kêu than chua xót bị người ta phủ phàng chẳng thèm nghe, của một số dân nghèo đã bị các nhà lãnh đạo lấy đi quyền được làm người, quyền được tự do…Nhưng lời mời gọi của Đức Giêsu vẫn còn vang vọng trong tâm trí chúng ta, và sự đáp trả của ta là: “Anh em hãy yêu thương nhau; như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).
Ước gì qua bài Tin Mừng Chúa nhật III Phục sinh nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta rằng, Đức Giêsu vẫn đang hiện diện và đồng hành với con người. Ngài vẫn tiếp tục can thiệp vào từng công việc, từng hoàn cảnh trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Vì thế, trong niềm tin yêu phó thác ta hãy hoàn toàn theo sự hướng dẫn của Ngài, thì cuộc đời của ta sẽ được hạnh phúc tràn đầy, bởi vì: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc” (Kh 5, 12).