Sự Phục sinh của Đức Giêsu. Ảnh: CTV |
Từ thời Cựu Ước, dân Do thái đã phải sống trong cảnh lưu đày suốt 40 năm dài ở Babylon, trước mắt họ là con đường dài thăm thẳm tối tăm. Vì thế họ hằng ấp ủ trong lòng khát vọng sớm được giải thoát, được trở về đoàn tụ nơi quê cha đất tổ. Chúa Giêsu đã đến như một vị vua của dân tộc, mở cho dân một con đường sống tự do thênh thang. Người đã đến hoàn trọn lời các ngôn sứ loan báo. Từ đây ánh sáng cứu độ đã bừng lên xua tan bóng tối sự chết, cất đi cái ách nô lệ nặng nề tủi nhục.
Nhưng hôm nay, mùa tang tóc đã hết. Giáo hội vui mừng hát lên lời Alleluia, vì Chúa đã toàn thắng sự chết và đã Phục sinh.
Thánh Gioan viết: “Chúng tôi thấy và chúng tôi tin: Chúa đã Phục sinh”. Lòng tin của các môn đệ dựa trên hai việc: Ngôi mộ trống và người chết nằm trong mộ đã hiện ra. Phêrô, trong bài đọc 1, đã long trọng tuyên bố: “Chúa Giêsu mà Đavit đã tiên báo thân xác Ngài không phải thấy mục nát. Chúa Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại. Chúng tôi hết thảy xin làm chứng” (Cv 2,32). Và niềm tin ấy là niềm tin của Giáo hội, là niềm tin căn bản của chúng ta.
Tin Mừng kể rằng sau khi Chúa Giêsu tắt thở trên Thập giá, các môn đệ đã hạ xác, liệm vào khăn, đặt vào mồ, lấy hòn đá lớn che lại và ra về. Người Dothái đã nghe nói đến lời tiên tri Chúa phán về việc Ngài sẽ sống lại, nên đâm bối rối. Và để ăn chắc, đã lấy ấn niêm phong cửa mồ và cho lính canh phòng cẩn mật, làm một việc xưa nay chưa từng làm là canh chừng một xác chết vì sợ xác chết ấy sống lại.
Sáng Chúa nhật hôm ấy như sáng Chúa nhật hôm nay, khi trời còn tờ mờ sáng, Maria Madalena đi ra phần mộ. Bà thấy hòn đá đã lăn ra, liền chạy vội vã về báo tin cho các môn đệ. Các ông cho rằng đây là chuyện đàn bà dễ tin. Nhưng rồi Phêrô và Gioan cũng quyết định chạy ra mộ xem sao. Đến nơi, họ nhận thấy cảnh ngôi mộ trống. Mộ còn đó mà người nằm trong mộ biến đâu mất. Vậy sự kiện lịch sử đầu tiên về việc Phục sinh là cảnh ngôi mộ trống. Nhưng sự kiện ấy thôi không đủ để gây dựng niềm tin. Vì biết đâu rằng mộ trống vì có người ăn trộm xác, rồi giấu tiệt đâu mất, như luận điệu người Dothái tung ra để ém nhẹm sự Chúa Phục sinh, sống lại. Vậy, với sự kiện mộ trống, còn kèm theo một sự kiện lịch sử thứ hai là người nằm trong mộ đã hiện ra.
Vậy trong ngày trọng đại hôm nay, Đấng nằm trong mộ, Đấng mà dân Do thái đã huênh hoang cho rằng họ đã giết chết, đã chôn chặt trong lòng đất, Đấng ấy đã Phục sinh, đã sống lại, và đã hiện ra nhiều lần cho nhiều người xem. Ngài đã hiện ra với Madalena, với Phêrô, với hai môn đệ trên đường Emmaus và với các môn đệ đang họp nhau trong nhà cửa đóng then cài, kín bưng kín bít vì sợ người Dothái.
1. Chúa Giêsu là Đấng Phục sinh Sự Phục sinh của Chúa Giêsu là đức tin trong Kitô giáo, rằng sau khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn và chết, Ngài đã sống lại. Đây là nguyên lý trung tâm của thần học Kitô giáo và là một phần của kinh Tin Kính Nicea: “Vào ngày thứ ba, Ngài đã sống lại theo Thánh Kinh”.
2. Chúng ta là người tín hữu Người tín hữu là người tin rằng Chúa đã sống lại và đã cứu thoát chúng ta ra khỏi vòng tội lỗi. Thánh Phaolô nói: “Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì đức tin của chúng ta sẽ ra hão huyền vô ích, và chúng ta vẫn còn ở trong tội lỗi” (1Cor 15, 17). Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì đạo thánh của chúng ta đã tan ra mây khói từ lâu rồi.
Nhưng sự Phục sinh sống lại của Chúa bảo đảm cho lòng tin của chúng ta, lòng tin dựa trên một Đấng là Thiên Chúa, Đấng có quyền trên sự sống và sự chết. Đấng mà trong cuộc đời đã 3 lần gần sự chết và đã phán một lời thì sự chết rút lui, người chết sống lại. Đấng ấy hôm nay đã toàn thắng sự chết nơi chính mình, đã Phục sinh sống lại. Vì Ngài không phải chỉ là một con người mà là một Thiên Chúa làm người nhập thể. Sự chết và sống lại của Ngài là niềm tin và nguồn hy vọng Phục sinh của chúng ta.
Ngày xưa, khi Đức Khổng Phu Tử qua đời, các đồ đệ vì thương nhớ Thầy đã xây nhà xây cửa xung quanh phần mộ Thầy để được gần Thầy. Là một nhà hiền triết, nhưng cũng là một người như ai, Đức Khổng cũng chỉ để lại một nắm xương tàn và với thời gian đồ đệ cũng tản mát bốn phương. Chúa Giêsu sau khi sống lại đã qui tụ đàn chiên đang tản mát khắp nơi, đã khai sinh Giáo hội và là nguồn hy vọng sống lại của chúng ta.
3. Người tín hữu còn là con người Phục sinh Chúng ta đã chịu phép Rửa tội, và phép Rửa tội như Phụng vụ Vọng Phục sinh đã nói lên, là một sự chết đi cho tội lỗi để sống lại với Chúa Giêsu, một cuộc vượt qua biển máu tội lỗi để vào cuộc sống của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo hội dạy chúng ta phải xưng tội rước lễ trong mùa Phục sinh để sống lại với Chúa Giêsu trong đời sống thiêng liêng. Và như Chúa Phục sinh, Ngài không chết nữa, thì mỗi người chúng ta cũng phải xa lánh tội lỗi để giữ đời sống thiêng liêng của mình cho sạch trong.
Xưa Thiên Thần đã nới với người phụ nữ ra mộ: NON ESTHIC- Ngài không còn ở đây nữa, thì nay Thiên Thần cũng chỉ vào quá khứ tội lỗi ta và nói như vậy. Người ấy không còn ở đây nữa. Ngài đã Phục sinh, Alleluia.