Vào thời Cựu Ước, chiên là con vật được dùng vào nhiều nghi lễ, hiến tế dâng lên cho Đức Chúa; chiên cũng là thú nuôi đem lại lợi ích cho con người, lông chiên được dùng để kiến tạo nên những tấm khăn, cái áo… Người chăn chiên thường được gọi là mục đồng. Họ là những người chăm sóc đàn chiên, họ thường ở với chiên và bảo vệ đàn chiên khỏi những sói dữ và kẻ trộm. Có lẽ chính vì thế, Kinh Thánh dùng hình ảnh người chăn chiên và đàn chiên để diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người.
1. Chúa là Mục tử nhân lành yêu thương đàn chiên Thật vậy, ngay từ thời Cựu Ước Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri Ezekiel để báo trước, lúc thời sung mãn đến, chính Chúa sẽ đến chăn dắt Ixraen như mục tử săn sóc đàn chiên thay thế hàng đầu mục lãnh đạo dân từ trước đến nay.
Đến thời Tân Ước, Đức Giêsu lại tự xưng là Mục tử nhân lành và duy nhất của Thiên Chúa. Người lại trao quyền mục tử ấy cho các Tông đồ, Giám mục, linh mục…để các vị này thay Người tiếp tục chăn dắt dân Ixraen Mới là Hội Thánh.
Chúa Giêsu nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. Vào mỗi buổi tối, các mục tử thường đưa chiên về một cái chuồng lớn để nhốt chung với các bầy chiên khác. Sáng đến, mục tử đứng ở cửa chuồng gọi chiên của mình ra. Chiên sẽ nhận ra tiếng của mục tử và đi theo ông ra đồng ăn cỏ.
Chiên đích thực là chiên biết “nghe” tiếng chủ và đi theo chủ chiên. Còn về phía chủ, đã là chủ chiên thì “biết” chiên, nhận ra chiên, nắm rõ tình hình từng con để săn sóc. Sự hiểu biết này là sự hiểu biết thâm sâu, thân tình giữa người mục tử và con chiên đến nỗi chiên chỉ nghe tiếng chủ mà không nghe theo tiếng người lạ. Hơn nữa, người mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đàn chiên. Khi sói dữ đến kẻ chăn thuê có thể bỏ đàn chiên chạy thoát thân, nhưng người mục tử nhân lành sẵn sàng đương đầu với bầy sói, quyết tâm đánh đuổi đến cùng để đàn chiên được an toàn.
Qua hình ảnh này, Đức Giêsu muốn chúng ta hiểu Người thiết tha đến hạnh phúc của chúng ta thế nào và hạnh phúc đó là sự sống đời đời. Chính vì mục đích đó mà Đức Giêsu đã chấp nhận xuống thế làm người để thí mạng sống mình giải thoát con người. Là mục tử có trách nhiệm và đầy quyền năng, không bao giờ Đức Giêsu để chiên của Người bị giết hại hay bị cướp đoạt. Chỉ có chiên tự bỏ đàn mà đi hoang, còn Chúa không bao giờ bỏ mặc họ. Người là Mục tử tốt lành, sẵn sàng đi tìm các chiên lạc để đưa về đoàn tụ trong một đoàn chiên duy nhất.
2. Chúng ta là đàn chiên của Chúa Về phần chúng ta, chúng ta có phải là chiên của Chúa hay chưa? Là chiên của Chúa thì điều kiện không thể thiếu là biết lắng nghe tiếng Chúa, nhận ra Chúa và đi theo Người. Cũng như chiên của chủ nào thì biết để tai nghe, nhận ra tiếng của chủ mình và tuân theo sự hướng dẫn của chủ, không thể muốn đi đâu thì đi, ăn cỏ ở đâu, uống nước ở đâu hay nghỉ ngơi ở đâu tùy thích.
Mỗi người chúng ta đã nhận Đức Giêsu là Chúa Chiên, và hy vọng vào Người mà được sống đời đời, thì chúng ta phải luôn lắng tai nghe theo tiếng Chúa qua mọi cách thế Người dùng để hướng dẫn chúng ta. Đức Giêsu không hiện ra giữa chúng ta bằng xương bằng thịt để nói với chúng ta tiếng nói của Người, tỏ cho ta ý của Người, chỉ cho ta phải sống thế nào, nhưng Người vẫn nói với chúng ta, dạy dỗ và khuyên răn chúng ta bằng nhiều cách thế, khi thì đó là bạn bè khuyên can, vợ chồng khuyên bảo nhau, đó là mọi biến cố vui, buồn, sướng, khổ… xảy đến làm ta bỗng chốc chột dạ, suy nghĩ; hay đó là tiếng lương tâm thầm nói với ta ngay trong tâm hồn. Hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi đã lắng nghe và làm theo tiếng Chúa chưa? Tôi có sẵn sàng đón nhận lời Ngài qua Kinh Thánh, nơi giáo huấn của Giáo hội bằng tấm lòng hăng say, khao khát chưa hay tôi đón nhận với một tấm lòng hời hợt?
3. Đức Kitô là Chiên Vượt Qua cứu chuộc ta Bài trích sách Khải Huyền hôm nay diễn tả khung cảnh thiên đàng trong đó có đông đảo các thánh thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ đang hưởng phúc trời, bận áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế, áo trắng chỉ sự trong trắng linh hồn, cành lá vạn tuế chỉ sự khải hoàn, toàn thắng. Đối với họ, mọi khổ đau đã hết: họ không còn phải đói khát hay nóng bức…chính Đức Giêsu là Con Chiên đang dẫn họ tới nguồn nước ban sự sống, tức là cho họ hưởng sự sống đời đời.
Nhưng họ đã phải trả giá đắt thế nào? “Họ là những người từ trong đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong Máu Con Chiên”. Giá họ đã trả là chịu đau khổ và giặt áo trắng trong Máu Con Chiên, tức là họ đã một đời hy sinh phấn đấu để trung thành với Chúa, nghe và làm theo Đức Giêsu là chủ chiên.
Như thế, Giáo hội muốn nhắc chúng ta hãy năng nghĩ tới phúc thiên đàng để hy vọng và sống đức tin một cách mãnh liệt hơn. Chúng ta phải cố gắng sống cho Thiên Chúa, từng giây phút trong trọn cuộc đời ta.
Nhưng muốn sống cho Thiên Chúa, chúng ta phải biết lắng nghe tiếng Chúa và nhận ra Chúa là chủ chiên của chúng ta. Bao lâu còn nghe tiếng Chúa thì chúng ta còn là chiên của Chúa, nếu không nghe tiếng Chúa nữa, tức là không nghe Lời Chúa nữa, thì lúc đó chúng ta đã tự ý tách mình ra khỏi đoàn chiên của Chúa và ta sẽ “đánh mất sự sống đời đời”.
Tóm kết Chúa nhật hôm nay với chủ đề mục tử và đàn chiên được Giáo Hội chọn làm Ngày Thế Giới cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đây là công việc rất thiết thực và có ý nghĩa. Hiện nay thế giới đang thiếu linh mục tu sĩ cách trầm trọng. Nhiều nhà thờ không có linh mục coi sóc, nhiều tu viện to lớn bị bỏ hoang vì không còn người dấn thân. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện và cổ vũ cho các bạn trẻ nghe được tiếng của Chủ Chiên để dám đáp lại lời mời gọi quảng đại dâng mình chăm lo cho đàn chiên của Chúa.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng hãy nhìn lên Đức Maria, người phụ nữ của tiếng “Xin Vâng”, trong suốt cả cuộc đời! Mẹ đã nghe được và nhận ra tiếng nói của Chúa ngay từ khi Mẹ cưu mang Giêsu trong dạ. Vì vậy, chúng ta hãy siêng năng chạy đến cầu xin Đức Maria, Mẹ của chúng ta, giúp chúng ta ngày càng biết nhận ra tiếng nói của Chúa Giêsu và đi theo Người, để bước đi theo vị Mục tử nhân lành dẫn đầu chúng ta trên con đường sự sống.