Suy tư - Chia sẻ

Những cám dỗ ngày nay

Cập nhật lúc 09:23 14/03/2017
Hôm nay, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh. Mùa Chay nhằm chuẩn bị cử hành lễ Vượt Qua.
       Bước vào Mùa Chay Thánh, Giáo hội quen gọi là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng với những việc tốt lành theo truyền thống là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Mùa Chay là mùa của sa mạc, là mùa của thử thách và cám dỗ, nhưng đồng thời cũng là mùa của ơn sủng, là mùa của tình thương và kết hiệp mật thiết với Chúa. Những cố gắng của chúng ta thực hiện từng ngày sẽ giúp chúng ta định hướng lại cuộc đời và xác định lại xem đâu là hạnh phúc và đâu là giá trị đích thực chúng ta cần phải theo đuổi trong cuộc sống hôm nay? Giữa những lôi cuốn ngọt ngào, những cám dỗ của xã hội,vậy đâu là lý tưởng của cuộc đời và đâu là chỗ đứng của Chúa trong tâm hồn chúng ta?

       Phụng vụ Lời Chúa hôm nay hướng sự chú ý của chúng ta tới một chủ đề chính, đáng suy nghĩ đó là “cám dỗ”. Chủ đề này như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bài đọc. Nếu ma quỉ xuất hiện như là một kẻ thù rất nguy hiểm của con người, thì Đức Giêsu là người chiến thắng tất cả các cám dỗ kể cả cạm bẫy của ma quỉ, trở thành khuôn mẫu và là Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát của nhân loại. Sách Sáng thế kể lại cho chúng ta nghe lại câu chuyện sa ngã của tổ tiên chúng ta do những lời mời mọc ngọt ngào của con rắn. Adam và Eva bị cám dỗ ăn trái cấm của “cây biết lành biết dữ” (St 3,2). Ông bà đã sa ngã, xa rời Thiên Chúa, đánh mất sự sống và sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi sự thiện hảo. Câu chuyện này cũng nhắc nhở chúng ta về một sự kiện lịch sử là nhân loại ngay từ đầu đã phạm tội và không có khả năng giải phóng mình khỏi tội lỗi và sự giữ. Nhân loại cần đến ơn cứu độ, sự hoàn nguyên đến từ Thiên Chúa.Thánh Phaolô trong thư gửi các tín hữu Rôma cho chúng ta lời giải đáp về mầu nhiệm cứu độ của nhân loại mà Đức Kitô đã mang lại qua mầu nhiệm thương khó, tử nạn và phục sinh của Đức Kitô: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19). Bài Tin Mừng giới thiệu với chúng ta kinh nghiệm của Đức Giêsu trong sa mạc, nơi Người bị cám dỗ và chống lại Satan như thế nào. Chúng ta hãy nhìn vào ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu: cơn cám dỗ thứ nhất, trong lúc đói lả, ma quỉ đề nghị Người biến những viên đá thành bánh để ăn. Đấy là cám dỗ đặc trưng về vật chất. Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Đức Giêsu đã từ chối cám dỗ này và sống phó thác vào Chúa Cha, vì đối với Người có một thức ăn quan trọng hơn đó là Lời Chúa và thi hành theo Ý Cha. Tiếp đến, cám dỗ thứ hai: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi!” (Mt 4,6). Đây là cám dỗ về lòng kiêu ngạo. Ma quỉ gợi lên sự ngờ vực, thách thức về Tình Yêu của Chúa Cha đối với Người, và đề nghị Người sử dụng quyền của mình để làm những cảnh ngoạn mục, tìm kiếm sự vỗ tay của đám đông. Trong câu trả lời: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”, Chúa Giêsu cho thấy Người là Con đích thực của Thiên Chúa, đã chọn một cách sống trong khiêm tốn, trong ẩn dật, và không cần phải bắt Thiên Chúa làm theo ý mình để biểu lộ tình yêu đối với mình. Cách đơn giản Người sống tin tưởng vào Cha. Cuối cùng, Cám dỗ thứ ba liên quan đến sự khát khao quyền lực: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,9).

       Ngày nay người ta quên sự có mặt của ma quỉ. Nhưng ma quỉ vẫn có đó và vẫn tích cực hoạt động nhằm phá huỷ thế giới, tiêu diệt con người. Những cơn cám dỗ của ma quỷ vẫn như những chiếc bẫy giăng ra để trói buộc con người trong vòng nô lệ. Cám dỗ càng ngày càng tinh vi và càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn. Và nhiều khi chúng ta đã mắc bẫy ma quỉ. Chúng ta mắc bẫy ma quỉ khi quá mải mê đuổi theo những nhu cầu tiêu thụ quá đáng. Chúng ta rơi vào âm mưu ma quỷ khi ta muốn có tất cả và có tức khắc. Chúng ta hoàn toàn nằm trong vòng tay ma quỷ khi ta dùng mọi phương tiện để thoả mãn những nhu cầu, bất chấp ý Thiên Chúa. Thay vì tuân phục ý Chúa, chúng ta luôn luôn bắt Chúa làm theo ý ta. Thay vì vâng lời Chúa, chúng ta luôn luôn muốn sai bảo Chúa. Như thế, muốn chống trả được những cơn cám dỗ, chúng ta phải bắt chước Đức Giêsu dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và luôn sống tâm tình của người con thảo đối với Chúa là Cha.

       Bước vào Mùa Chay Thánh, Chúa kêu gọi chúng ta trở về với Chúa. Muốn trở về với Chúa, chúng ta phải tập luyện chiến đấu chống lại ma quỉ. Muốn đủ sức chống lại ma quỉ, chúng ta phải luyện tập từ bỏ ý riêng mình và tìm vâng phục ý Chúa. Chúng ta hãy đặt ra cho mình một chương trình sống Mùa Chay bằng tăng cường hy sinh, cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái. Chúng ta hãy nhìn nhận mình là những con người tội lỗi cần đến Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đón chúng ta quay trở về, và sẽ ban sức mạnh để ta đủ sức chống lại mọi chước cám dỗ, nếu chúng ta biết sống trọn tình con thảo, tin cậy phó thác vào Người.

 
Phanxicô Đức nguyễn
Thông tin khác:
Gần gũi với thánh Giuse (13/03/2017)
Chọn Chúa là tình yêu làm gia nghiệp (09/03/2017)
Hạt nắng vô tư trên những Cành Thông vi vu (08/03/2017)
Tâm tình của người cha thiêng liêng VỚI ĐỨC CHA GIUSE VŨ DUY THỐNG (08/03/2017)
Chúa gọi trong đêm tối (08/03/2017)
Lạy Chúa Giêsu Kitô giàu lòng thương xót (06/03/2017)
Như Hạc hoài hương (03/03/2017)
Thánh thiện bằng tình yêu Chúa (02/03/2017)
Làm mới lại đời sống nội tâm (01/03/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log