Suy tư - Chia sẻ

Thánh thiện bằng tình yêu Chúa

Cập nhật lúc 10:24 02/03/2017
Thế giới ngày nay, con người đang còn nhiều bất công, hận thù, ghen ghét và kỳ thị. Giữa một thế giới như thế, chúng ta được mời gọi sống thánh thiện là một điều rất cần thiết cho mỗi con người được tạo dựng từ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
      Sự thánh thiện phát xuất từ Thiên Chúa. Qua tác giả sách Lêvi, Thiên Chúa mời gọi con người hãy trở nên thánh thiện vì chính Ngài là Đấng Thánh (x. Lv 19,1-2). Vấn đề lớn của tác giả sách Lêvi là con người tội lỗi làm sao, để có thể gặp gỡ được Thiên Chúa là “Đấng Chí Thánh”.

    Sự thánh thiện của Thiên Chúa đã từng được quan niệm trong truyền thống Do thái và ngày càng được khám phá rõ nét hơn qua lịch sử mạc khải. Ngôn sứ Hôsê đã phải dùng đến ngôn ngữ của tình yêu gia đình để nói lên tâm tình của Thiên Chúa đối với dân “Ta đã tập đi cho Épraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11,3-4). Một Thiên Chúa không nổi giận, không huỷ diệt, mà còn tha thứ, kiên trì trung thành, ngay cả những khi tình yêu của Chúa không được đáp trả: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng” (Hs 14,5). Tột đỉnh của mạc khải về sự thánh thiện nơi Thiên Chúa là chính Thiên Chúa trong con người, trong hành động, trong lời dạy của Đức Giêsu Kitô.

      Xoá bỏ hận thù bằng chính Tình yêu

      Đã qua bao thế kỷ, con người vẫn tranh cãi nhau, việc coi chủ trương lấy tình yêu xoá bỏ hận thù là không thực tế! là không thể thực hiện được! là tạo nguy cơ mất cảnh giác! Là không khôn ngoan…! Nhất là khi kẻ thù lại là một tập thể, là chủ nghĩa, là giai cấp… mà kinh nghiệm lịch sử đã từng chứng tỏ là không thể cải tạo!

      Chúng ta không phê bình hay phản bác những luận điểm đó. Nhưng xác tín rằng Đức Giêsu đã đòi hỏi các môn đệ một điều hết sức khó khăn. Bản thân Ngài đã phải trả giá bằng máu, bằng chính mạng sống mình, để thực hiện đòi hỏi ấy. Trong Ngài, tình thương đã thắng hận thù, nhưng chỉ sau khi hận thù đã chôn vùi Ngài xuống tận bùn đen của ô nhục và đau đớn, đã làm tan nát trái tim người mẹ yêu quý của Ngài, tình thương chỉ thắng hận thù, khi tình thương không giới hạn.

      Đức Giêsu đến và mời gọi mỗi chúng ta xoá bỏ hận thù bằng tình yêu chứ không phải trả thù theo đúng mức thiệt hại như trong luật cũ. Vì chính Ngài cũng đã khẳng định “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Đức Giêsu không lập ra một bộ luật mới, cũng không quãng diễn bộ luật cũ theo ý riêng của Ngài, nhưng là hướng dẫn người nghe về một mục tiêu và ý nghĩa nguyên thuỷ của Thiên Chúa. Bởi thế, Đức Giêsu Kitô luôn mời gọi các môn đệ của Ngài là phải luôn có thái độ yêu thương và tha thứ.

      Thái độ yêu thương và tha thứ

      Tha thứ cho kẻ thù đúng thực là một cuộc đấu tranh hận thù. Đức Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ phải từ bỏ cả quyền được tự vệ; không kháng cự mà còn vượt xa hơn cả đòi hỏi của đối phương. Không thù hận mà còn yêu thương và cầu phúc cho kẻ thù: “còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Phải chăng đây là phương cách tuyệt hảo để vô hiệu hoá và hoá giải hận thù? Tuy nhiên, lý do cuối cùng của Chúa Giêsu không phải là thế: Ngài đòi hỏi môn đệ hoàn thành chức năng của mình đó là làm “muối”, để bảo vệ và nâng cao giá trị cuộc sống nơi trần thế này “Chính anh em là muối cho đời” (Mt 5,13); và làm “ánh sáng” chiếu toả cho xã hội để làm vinh danh tình yêu Thiên Chúa (x. Mt 5,14-16), nghĩa là làm chứng nhân của một nguồn sống, xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa.

      Yêu kẻ thù, chinh phục được họ bằng tình yêu chân thành là làm lợi thật cho họ, như Tông đồ Phaolô đã nhắn nhủ các tín hữu Rôma “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21); và cuối cùng là hoà nhập vào chính sự nghiệp hoà giải của Thiên Chúa trong con người Giêsu: “Nhờ Thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).

      Từ tình yêu tự hiến của Đức Giêsu Kitô nơi Thập giá, chúng ta được mời gọi qua lời cầu nguyện và góp phần để có được sự lãnh đạo, trong cả từng Giáo hội địa phương lớn nhỏ, thật công minh và tận tình hướng dẫn giáo dục, yêu thương từ em bé, thậm chí từ bỏ mọi đặc quyền, để mong tạo được bầu khí gia đình Kitô hữu, không còn người thờ ơ, ích kỷ. Thực tâm theo Thầy tới mức độ nào đó, người môn đệ Chúa Giêsu mới thấy được việc xây dựng hoà bình là vô cùng vất vả, và phá hoại tình hiệp nhất là gây nên đau khổ, sống hận thù là làm tăng thêm bản năng thù hận giữa con người với nhau. Do đó, khi chúng ta sống theo Lời Chúa là sống trong ánh sáng của chân lý toàn vẹn nơi Đức Kitô.

 
Thập Tự Ân
Thông tin khác:
Làm mới lại đời sống nội tâm (01/03/2017)
Sống theo luật của Đức Kitô (27/02/2017)
Suy thoái và chấn hưng đạo đức (24/02/2017)
Chứng nhân cho trần gian (23/02/2017)
Thông điệp của Mùa xuân (22/02/2017)
Khiêm nhường (21/02/2017)
Khó nghèo vì nước trời (17/02/2017)
Mấy lời tâm huyết trong thánh lễ tạ ơn dịp 90 tuổi: CHÚA ĐÃ CỨU TÔI (16/02/2017)
Tiếng gọi thiêng liêng (13/02/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log