Suy tư - Chia sẻ

Niềm hy vọng của Chúng ta

Cập nhật lúc 15:02 11/04/2018
Chúa nhật lễ Lá là Chúa nhật cuối cùng của Mùa Chay, mở đầu Tuần Thánh. Ngày Chúa nhật lễ Lá, Hội Thánh tưởng niệm việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt qua của Ngài.
Phụng vụ ngày này cử hành hai biến cố: việc Đức Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem trong tiếng reo hò của dân Dothái bằng việc rước lá (trước thánh lễ); kế đến là cuộc Thương Khó và cái chết của người trên Thập giá (trong thánh lễ).

Hình ảnh Đức Giêsu cỡi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem làm dội lại lời tiên tri Dacaria: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng; khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (9,9). Đức Giêsu, Vua muôn vua lại ngồi trên lưng lừa diễn tả một vị Vua hoàn toàn khác. Người là Vua của hòa bình, Vua của tình thương, Vua an bình, vị Vua đơn sơ và khiêm hạ.

Trong ngày khai mạc Tuần Thánh hôm nay, Hội Thánh mời gọi mỗi tín hữu dọn mình sốt sáng cùng với Hội Thánh bước vào Tuần Thánh, để suy niệm, cử hành và sống Cuộc Thương Khó. Chúng ta xác tín và đặt niềm hi vọng vào cuộc tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Chính Chúa đã yêu thương và Ngài đã chết trên Thập giá vì chúng ta.

Vào bài đọc 1 cho chúng ta thấy, đây là phần thứ hai của chương 50 là một bài ca độc đáo, và là lời tuyên bố của vị ngôn sứ đang bị địch thủ chống đối kịch liệt. Trong bài ca này, tác giả nói về Người Tôi Tớ nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức, đánh thức và luôn thi hành ý Chúa. Là Người được Chúa huấn luyện để phục vụ lợi ích cộng đoàn, nhất là những người bé nhỏ, bất hạnh hơn hết; là Người khiêm hạ, hiền lành như con chiên bị dẫn đi làm thịt, không mở miệng kêu than, hiền từ kiên trì dạy đường lối Chúa cho kẻ bất lương: cây lau bị dập, Người không bẻ gãy, tim đèn còn khói, Người không dập tắt. Người Tôi Tớ mẫu mực này chỉ có nơi Đức Giêsu, nơi Ngài hội tụ trọn đầy các nhân đức mà Ngôn sứ Isaia diễn tả.

Trình thuật về cuộc Thương Khó của Đức Giêsu theo Maccô được chia làm ba phần: phần thứ nhất từ âm mưu hại Đức Giêsu cho đến lúc Người bị bắt (14,1-52); phần thứ hai Đức Giêsu ra trước Thượng Hội Đồng và trước tòa tổng trấn Philatô (14,53-15,15); phần thứ ba cuộc Thương Khó và thập giá (15,16-47). Thân thế Đức Giêsu nằm ở trung tâm trình thuật trong Tin Mừng Maccô. Theo tác giả, Đức Giêsu chịu đau khổ trước hết đó là Đấng tự hiến (14,41); là Con Người sẽ đến trên mây trời (14,62); vâng phục Chúa Cha (14,36).

Tác giả nhắc đến lễ Vượt qua và lễ Bánh Không Men, hai lễ này được liên kết chặt chẽ với nhau, mặc dầu nguồn gốc khác nhau. Lễ Vượt qua được hình thành theo tập tục ở Giêrusalem. Người Dothái sát tế chiên tại Đền thờ vào sau trưa ngày 14 tháng Nixan là tháng thứ nhất theo lịch Babilon dùng sau thời lưu đày, tương đương với tháng ba, tháng tư dương lịch. Theo cách tính của người Dothái, chiều ngày 14 Nixan sau mặt trời lặn đã là thời điểm của ngày 15. Cũng trong dịp đó, người Dothái mừng lễ Bánh Không Men. Đức Giêsu đã mừng lễ Vượt qua với các môn đệ, Ngài muốn nhấn mạnh Ngài là Con Chiên Vượt qua mới.

Trong bữa tiệc này, Đức Giêsu báo trước một môn đệ sẽ phản bội Người. Sự phản bội này sẽ đưa Ngài tới cái chết. Sau đó, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng: đó là cử chỉ của người gia trưởng. Bẻ bánh và phân chia bánh là hai động tác có ý nghĩa: những người đồng bàn cùng chia một chiếc bánh. Diễn tả tính cộng đoàn của bữa tiệc ly. Hướng đến bữa tiệc cánh chung trong Nước Thiên Chúa. Kết thúc bữa tiệc Vượt Qua, Đức Giêsu và các môn đệ đi lên núi Oliu. Tại đây, Đức Giêsu cảm thấy hãi hùng, xao xuyến và buồn đến chết được (14,33-34), Người đã vượt qua được nhờ kết hợp mật thiết với Chúa Cha, ý thức là giờ của Người đã đến, bình tĩnh đương đầu tất cả.

Đức Giêsu đi vào con đường Thương Khó, bị vu khống, ghen ghét, bị nhạo báng, khinh dể, nhưng luôn ý thức về điều đã được định sẵn từ trước dành cho mình và hoàn toàn vâng phục ý Chúa Cha. Ngài đã tắt thở, được mai táng và sống lại. Tất cả biến cố này, chúng ta khám phá sứ mạng đích thực của mình là sống giữa lòng thế giới luôn làm chứng cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho mọi người, không phân biệt chủng tộc hay đảng phái.

Nhờ cái chết và sự sống lại Đức Giêsu, Ngài đã hòa giải mọi người, mọi dân tộc. Đức Giêsu bị đóng đinh, là nền tảng của đức tin và sự hiệp nhất. Bằng cách nhận biết và tin vào Ngài, các dân, các quốc gia sẽ được hòa giải với nhau, mặc dù có những khác biệt khiến họ chống đối nhau. Xin được dùng ý tưởng của thần học gia Karl Rahner để kết: Ước gì tất cả biến cố Đức Giêsu trở nên mẫu gương cho chúng con, là ánh sáng cho chúng con trong đêm tăm tối, nhờ đó chúng con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý, nhưng như một dấu chỉ cho thấy chúng con đang thuộc về Cha mãi mãi. Vì thế, mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta hãy luôn luôn đặt niềm hi vọng vào Đức Giêsu là Đấng cứu độ muôn dân.
 
Phêrô Maria Đệ Nguyễn
Thông tin khác:
Bức tâm thư của Chúa gửi cho tôi (09/04/2018)
Chúa là Đấng giàu lòng THƯƠNG XÓT (04/04/2018)
Qùa tặng cao quý của LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA (03/04/2018)
Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự (29/03/2018)
Ngày tết sống với Tin Mừng (27/03/2018)
Vinh quang qua cuộc khổ giá (22/03/2018)
Hiền lành và khiêm nhường là dấu chỉ thuộc về Chúa (19/03/2018)
Sám hỗi là can đảm và khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm (07/03/2018)
Tạ ơn Chúa, vì biết kính sợ Thiên Chúa (06/03/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log