1. Chúa Giêsu đã tự giới thiệu mình là người hiền lành và khiêm nhường. Người nói: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11, 29).
Với niềm tin vững vàng vào Lời Chúa, tôi đã học với Chúa Giêsu. Càng học với Người, tôi càng thấy sống hiền lành và khiêm nhường là một bài học vừa rất quan trọng, lại vừa rất khó.
2. Rất quan trọng, vì hiền lành và khiêm nhường là dấu chỉ kẻ thuộc về Chúa.
Rất khó, vì hiền lành và khiêm nhường là những đức tính, mà xác thịt, thế gian và ma quỉ thường ra sức cản phá dữ dội.
Một ví dụ. Hiền lành và khiêm nhường nơi Chúa Giêsu là luôn tự ý bước xuống và trút bỏ vinh quang. Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập giá” (Pl 2, 6-8).
3. Còn chúng ta thì sao? Phải nói thật là bước xuống và trút bỏ vinh quang là điều tự nhiên chúng ta khó muốn và không muốn thực hiện một cách triệt để và chân thành.
Nhiều khi chúng ta lại còn chủ trương rằng: Cần bước lên và cần vinh quang, mới có điều kiện để làm sáng danh Chúa.
Thế rồi, khi đã bước lên chức nọ, quyền kia, và khi đã được vinh quang, chúng ta lại nghĩ là cần bảo vệ và phát triển những điều kiện đó, để mở Nước Chúa. Đến lúc nào đó, nếu Chúa không để cho ý riêng của chúng ta được thỏa mãn nữa, thì chúng ta dễ rơi vào khủng hoảng. Tình trạng đó đã và đang xảy ra. Đôi khi tôi cũng vậy.
4. Nhưng Chúa thương luôn đào tạo tôi, để tôi không ngừng học ở Chúa Giêsu sự hiền lành và khiêm nhường. Xin phép chia sẻ đôi chút về sự Chúa đào tạo tôi bài học hiền lành và khiêm nhường.
5. Thứ nhất, Chúa cho tôi nhận thấy mình là kẻ tội lỗi, nên khi được bước lên và được vinh quang cách nào đó, thì tự nhiên tôi cảm thấy xấu hổ.
6. Thứ hai, Chúa cho tôi thói quen phân định này, đó là hễ thấy ai hiền lành và khiêm nhường, thì lập tức tôi coi họ là kẻ thuộc về Chúa, kẻ có khả năng xây dựng đoàn kết, và phục vụ trung tín.
7. Thứ ba, Chúa cho tôi được may mắn học sự hiền lành và khiêm nhường nơi các Đức Giáo hoàng mà tôi quen biết.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nổi tiếng ở sự Ngài lên tiếng xin lỗi những gì sai trái mà trong quá khứ Hội Thánh đã phạm đến các tôn giáo khác.
Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã can đảm xin từ nhiệm, để lui vào đời sống thầm lặng.
Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định không dọn vào nhà dành cho các Giáo hoàng, mà cứ ở lại trong nhà Santa Marta, là một nhà dành cho các chức sắc đến Vatican muốn trọ tạm thời.
Đúng là ba đấng ấy bước xuống. Các Ngài làm gương về hiền lành và khiêm nhường.
Thêm vào những gương sáng đó, cũng còn nhiều gương sáng khác mà tôi đã và đang gặp thấy ở Việt Nam, nơi các thành phần khác nhau của Hội Thánh Chúa.
8. Cho đến phút này, tôi vẫn thấy hiền lành và khiêm nhường là bài học rất quan trọng và cũng là bài học rất khó. Tôi như luôn phải bắt đầu lại.
Tự hào về chức, về quyền, về các thứ vinh quang, đó là lối sống thế tục hiện nay. Muốn có chức, có quyền, có chút vinh quang, đó cũng là một thứ thăng tiến bình thường của nhiều người văn minh hiện nay. Do vậy mà khiêm nhường hiền lành chỉ còn là những từ đẹp, chứ không còn là những gì cần phấn đấu để có.
9. Khi phấn đấu để có khiêm nhường và hiền lành, tôi phải nhờ đến Đức Mẹ. Tôi nói với Đức Mẹ là tôi phải đấu tranh gay gắt với ma quỷ. Ma quỉ tấn công tôi bằng nhiều cách để tôi đừng khiêm nhường hiền lành. Tấn công rất mạnh, tấn công dữ dội.
10. Đức Mẹ ở bên tôi. Mẹ dạy tôi là đừng lý luận gì với ma quỉ. Nhưng đơn giản là hãy cứ tin vào Lời Chúa. Chúa dạy hãy học với Chúa, vì Chúa hiền lành và khiêm nhường, thì hãy gặp Chúa, ở lại bên Chúa, lắng nghe Chúa, vâng lời Chúa, tin ở Chúa.
Tôi vâng lời Mẹ, mà làm như thế. Từng giờ, từng ngày, trong mọi hoàn cảnh.
11. Mẹ thường dạy tôi hãy để ý hiền lành và khiêm nhường ngay trong những việc nhỏ, ngay trong giây phút hiện tại. Thí dụ, lúc này, khi đang viết bài chia sẻ, tôi cảm thấy đau đớn, mệt mỏi, tối tăm. Một cách đơn sơ, tôi cứ dâng cho Chúa tình trạng thực tế ấy, như một của lễ hèn mọn. Tôi nhờ Mẹ mà dâng cho Chúa với tâm tình phó thác.
Thế là, từ từ hiền lành và khiêm nhường như dòng suối thiêng chảy vào hồn tôi, từ trái tim Chúa và trái tim Mẹ.
12. Tự nhiên, tôi hiểu chính qua hiền lành và khiêm nhường nhận được từ Chúa và Mẹ, mà tôi có thể thực hiện được ơn gọi làm chứng cho Chúa tại Việt Nam hôm nay. Tôi vui mừng được sống như thế.
13.
Tới đây, tôi hiểu hiền lành và khiêm nhường là bầu khí cần để tôi tiếp xúc với mọi người. Tiếp xúc với những người đạo đức, thì phải hiền lành và khiêm nhường, đó là dĩ nhiên. Tiếp xúc với những người mà thiên hạ coi là tội lỗi, thì càng phải hiền lành và khiêm nhường, đó là điều tôi phải chú ý rất nhiều, để mà thương yêu và kính trọng họ. Xưa Chúa Giêsu đã rất hiền lành và khiêm nhường, khi đón tiếp những người mà giới biệt phái Dothái khinh chê là tội lỗi. Nhưng chính thái độ hiền lành và khiêm nhường của Chúa đã lôi cuốn biết bao người tội lỗi, để họ tìm đến Tin Mừng.
14. Hiền lành và khiêm nhường, đó là một nét đẹp dễ thương, tôi đừng coi thường nét đẹp đó. Bây giờ, thì tôi hiểu hơn tại sao Chúa Giêsu đã nói:
“Phúc thay ai có tâm hồn (khiêm nhường) nghèo khó. Vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành. Vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5, 3-4).
Với niềm tin vào Lời Chúa, tôi xin thân ái cầu chúc mọi người được hiền lành và khiêm nhường trong năm mới và mãi mãi suốt đời. Xin cũng thương cầu nguyện cho tôi là kẻ tội lỗi.
ĐGM. GB