Vinh quang qua cuộc khổ giá |
Qua đó, thánh Máccô đã trình bày về sứ điệp Lời Chúa một cách đặc biệt đó là mạc khải chỉ dành riêng cho một vài nhân vật quan trọng. Qua những nhân vật này, ngài trình bày về mạc khải của Đức Giêsu Kitô qua các thị kiến. Các mạc khải được thể hiện rỏ ràng nhất bằng việc Chúa Kitô chịu đau khổ và chịu chết. Mầu nhiệm này thật khó hiểu đến nỗi đó là “điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23). Bởi thế, Thiên Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta và Ngài đã chuẩn bị tâm hồn cho mọi người để có thể hiểu được phần nào về mầu nhiệm đó.
Chúa Giêsu khai mở về Vương quốc của Ngài Cuộc chuẩn bị cho việc khai mở về Vương quốc Thiên Chúa đã đòi tổ phụ Abraham sát tế con trai duy nhất, dâng lên làm của lễ toàn thiêu cho Ngài. Sự đòi hỏi ấy thật mâu thuẫn với Lời Chúa hứa cho ông. Nhưng Abraham không thắc mắc và phản đối mà ông đã hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Bởi thế, ông được kể là người công chính và Isaac con ông vẫn được sống, thay vì sát tế (x. bài đọc 1 trích sách Sáng thế).
Chúa Giêsu Kitô đã khai mở về Vương quốc của Ngài được diễn tả một cách sống động. Qua thời gian mà Môisen đã sống những ngày trên núi Sinai trước khi đi vào đám mây (x. Xh 24,16). Đây là thời gian chuẩn bị cho một mạc khải quan trọng là Đức Giêsu Kitô. Đấng thay thế cho các bảng đá của lề luật. Chỉ có ba chứng nhân được kêu mời chia sẻ cho mạc khải này là Phêrô, Gioan và Giacôbê được chứng kiến việc Chúa biến hình trên núi cao. Như Môisen được biến đổi “da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa” (Xh 34,29). Chúa Giêsu được diễn tả qua việc biến hình khác với Môisen bởi vì Ngài chính là Thiên Chúa.
Hình ảnh Môisen và Êlia cả hai đã từng trèo lên núi đón nhận mạc khải. Bởi vậy, chẳng có gì lạ khi họ xuất hiện trên núi Sinai này, nơi các Tông đồ đang ở đó. Thế nhưng, họ đã trở thành những nhân vật của thời cánh chung. Êlia, người mà cái chết được bao phủ bằng một màn bí mật (x. 2V 2,11-13), sẽ phải đến như vị tiền hô (x. Ml 3,1.23 và Mc 9,11-12…). Còn Môisen, do việc không tìm ra dấu vết của ngôi mộ “Ông Môsê, tôi trung của Đức Chúa, qua đời tại đó, trong đất Môáp, theo lệnh Đức Chúa. Ông được mai táng trong thung lũng, ở miền đất Môáp, đối diện với Bết Pơo. Cho đến ngày hôm nay, không ai biết mộ ông ở đâu” (Đnl 34,5-6). Người ta đã nghĩ ông đã cùng Êlia đi vào thế giới vinh quang và cũng sẽ trở lại như Êlia vào thời cánh chung.
Việc Môisen và Êlia trong thị kiến muốn nói rằng thời cánh chung đã tới và được xác nhận cho các Tông đồ hay thiên sai tính của Chúa Giêsu. Như thế, Chúa Giêsu chính là trung tâm của chương trình Thiên Chúa. Người chính là mạc khải về Vương quốc của Thiên Chúa.
Mạc khải của Thiên Chúa qua cái chết của Đức Giêsu Như thế, những bí mật lớn nhất, bí mật được che dấu trên khuôn mặc nhân loại của Chúa Giêsu, chính là thần tính của Người. Để nhận ra thần tính của Người, phải biết quy chiếu về sứ vụ tôi tớ của Người là phải biết chết đi. Thật vậy, chỉ khi nào con người tin vào cuộc Khổ nạn vinh hiển của Chúa Giêsu mới có thể cho ta hiểu được cuộc biến hình của Người và cho ta thấy được thần tính của Người phản ảnh trong nhân tính đau khổ của Người.
Chính vì thế, Chúa để cho các Tông đồ thân tín được giữ vững niềm tin khi cho thấy sự đau khổ và cái chết của Ngài chính là con đường đi vào vinh quang của Người. Chúa Giêsu đã mời gọi ba Tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi biến hình và cũng sẽ đem họ vào vườn Cây Dầu trong cơn hấp hối của Người. Mọi sự kiện ở vườn Cây Dầu chính là dịp Chúa muốn gửi đến để kêu mời chúng ta tiến sâu hơn trong tình thân ái với Người. Hãy biết đọc các dấu chỉ thời đại hôm nay bằng ánh sáng của đức tin, trong tình yêu Thiên Chúa.
Các môn đồ không thể hiểu ngay mọi ý nghĩa của biến cố Biến hình. Trong đời sống thường nhật, đứng trước những khó khăn, gian truân, vui buồn, được an ủi hay bị bỏ rơi ta thật khó quán triệt ý nghĩa cuộc đời, khó khám phá ra Thiên Chúa tình yêu và công bình. Nhưng hãy kiên tâm, bền chí trong kinh nguyện, trong suy niệm lời Chúa, trong đời sống phục vụ và ta sẽ thấy Thiên Chúa lớn hơn con tim chúng ta.
Chia sẻ vinh quang của Chúa bằng cuộc biến hình từ tâm Sự công bình và lòng thương yêu của Chúa luôn mời gọi chúng ta làm một điều tương tự như Abraham là “không dung tha Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta” (Rm 8,32). Isaac không bị giết mà Abraham vẫn được kể là công chính (x. Gc 2,21), còn Chúa Kitô thì đã bị giết, đã chết thực sự, nhưng đã sống lại, ngự bên hữu Chúa Cha và đã trở thành Đấng “công chính hóa” nhân loại (x. Bài đọc 2). Chính là để cho các môn đồ thân tín giữ vững niềm tín thác khi thấy mình đau khổ và chết mà Chúa Kitô đã tỏ phần nào vinh quang của Người trên núi cao.
Ngày nay biến cố Biến hình vẫn còn tiếp diễn trong thế giới: Chúa Kitô biến hình trong người nghèo đói, bệnh tật, tù đày bơ vơ không nhà không cửa, trong các sứ giả của Tin Mừng... “Ai tiếp đón các con là tiếp đón Ta, ai tiếp đón Ta là tiếp đón Đấng đã sai Ta”. Mùa Chay giúp chúng ta thay đổi cái nhìn, kiện toàn cách cư xử của ta với tha nhân. Sự biến hình của Chúa mang đến cho chúng ta niềm mong chờ cho tất cả mọi người trong tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Tình yêu của Chúa luôn gắn liền với cuộc khổ giá của con người gây ra đó là: sự bất tuân, tội lỗi, sự thù ghét, lòng kiêu căng… Thế nhưng, Chúa vẫn luôn luôn thương yêu và chính Ngài đã đến trần gian để đưa con người chúng ta trở về với vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Ngài.