Suy tư - Chia sẻ

ƠN BÌNH AN ĐÍCH THỰC (Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)

Cập nhật lúc 17:33 17/05/2013

 SUY NIỆM

Henri Ghéon là một nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp, cũng là một người tội lỗi trong đệ nhị thế chiến, ông ở trong một tâm trạng bất an, đã quay trở lại với Chúa. Ông đến xin lãnh bí tích Giải tội và ông đã kể lại tâm trạng của mình lúc xưng tội như sau :”Hai tay tôi ôm đầu, miệng bập bẹ run run, tôi đổ dòng tội tuôn ra như thác…. Tôi cảm thấy một thứ cặn đắng, từng ngụm, từng ngụm trào ra khỏi các thớ thịt con tim tôi với tất cả khối nặng đó, với tất cả chất độc đó đã đè nén tôi suốt hai mươi năm nay. Tôi cố cựa quậy đổ dốc nó ra cho linh mục giải tội. Và Thiên Chúa đã nghe lời tôi :”Hãy về Bình an. Thánh Thần đã ngự trong con” ! Tôi trẻ lại hai mươi tuổi; hai mươi năm tôi lỗi. Một niềm vui sướng mới lạ tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi chạy, tôi nhảy, tôi bay, tôi không còn cảm thấy xác thịt nặng nề của tôi nữa”…
*
Hôm nay Phụng vụ Giáo hội Công Giáo hân hoan mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đây chính là biến cố lịch sử trọng đại khai sinh Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần hiện xuống tràn ngập trên Giáo hội và đưa Giáo hội đến với thế giới trong sứ vụ của mình. Chúa Thánh Thần hiện xuống đã thổi vào trong Giáo hội sinh khí mới, tuôn đổ ơn bình an – sự bình an đích thực từ trời cao.
Sự bình an của thế gian
Sống giữa thế gian với những bảo đảm tiện nghi vật chất, con người dễ cho rằng sự bình an đi liền với sự sung túc của cải vật chất, hay có đầy đủ những tiện nghi cần thiết để sống. Sống giữa thế gian, con người dễ có khuynh hướng gắn liền với những điều kiện bên ngoài có thể đụng chạm được bằng giác quan của mình. Vì thế, sự bình an đối với thế gian cũng bị giản lược vào những điều kiện vật chất. Ví dụ tôi có nghề nghiệp ổn định, có tiền lương hậu hĩnh đủ sống sung túc, có nhà cao cửa rộng, có nhiều bạn bè tốt, có con ngoan vợ hiền... và những điều kiện như thế quá đủ cho tôi kết luận rằng tôi đang thực sự bình an!
Cuộc sống con người ngày nay có quá nhiều nỗi sợ hãi và bất an. Sợ vì bị thất nghiệp, sợ vì chiến tranh, sợ bệnh tật, sợ nợ chồng chất, sợ mất nhà cửa, sợ mất người yêu, sợ bị kẻ thù hãm hại...Từ những sợ hãi đó, con người phải tự vệ, bạo động và đấu tranh để tìm kiếm sự yên ổn và hòa bình.Thế nhưng, đó có phải là cách thế để mang lại cho chúng ta sự bình an và hòa bình đích thực, hay chỉ là một thứ bình an giả tạo chóng qua.?
Rộng hơn nữa, nếu quan sát thế giới này, nơi nào có chiến tranh, rúng động, chia rẽ... ta bảo nơi đó không có bình an. Kết luận đó đúng nhưng chưa đủ, vì ta chưa nhìn thấu tận căn của vấn đề. Nguyên nhân của những bất ổn bên ngoài cuộc sống con người chính là sự bất an từ bên trong tâm hồn.
Sự bình an Chúa Giêsu ban tặng
Chúa Giêsu đã trải qua cuộc chiến khốc liệt và đã chiến thắng. Chúa vượt lên trên tất cả và lên cùng Đức Chúa Cha. Các môn đệ chẳng thể đi con đường nào khác ngoài con đường của Thầy. Các môn đệ chẳng thể vượt trội hơn Thầy thoát khỏi nỗi cô đơn. Chúa không hứa giải thoát các ông khỏi cuộc chiến đấu. Chúa loan báo trước cuộc gian nan khốn khó của các môn đệ: “Trong thế gian anh em sẽ phải gian nan khốn khó”. Nhưng chỉ cho các ngài cách thế chiến thắng đó là “Trong Thầy anh em được bình an”. Chỉ đi theo con đường của Chúa, chiến đấu trung tín cho đến cùng, chỉ khi đã vượt thoát hết những ràng buộc của trần gian, người môn đệ mới đạt đến Chúa, mới ở trong Chúa và mới được hưởng sự bình an. Cuộc chiến sẽ rất khốc liệt. Thế gian như miệng sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Nhưng “Hãy can đảm lên vì Thầy đã thắng thế gian”.
Khi Chúa Giêsu đi vào cuộc Khổ nạn, các môn đệ buồn sầu lo lắng, tâm trạng hoang mang không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông được bình an và niềm vui, không còn sợ sệt gì nữa, nhưng lòng rất thanh thản. Chúa Giêsu đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho các con”. Lời này được Chúa Giêsu nói sau khi Người phục sinh có ý diễn tả những chiều kích:
Ơn tha thứ cho các môn đệ: vì biến cố thương khó – tử nạn đã làm cho các tông đồ sợ và đã bất trung với Thầy mình.
Ơn giao hòa giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau: vì Chúa Giêsu đã chịu chết để chuộc tội cho nhân loại và Người phục sinh đem lại sự sống cho nhân loại.
Ơn phúc lành: sự hiện diện của Chúa phục sinh là một phúc lành vì Người là sự bình an cho những ai đón nhận Người. Các tông đồ đã tin cậy Chúa phục sinh, các ông can đảm dấn thân trong sứ mệnh truyền giáo.
Thời khởi nguyên vũ trụ, khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí ban cho con người sự sống. Hôm nay, Ðức Giêsu Phục Sinh cũng thổi Thần Khí vào các môn đệ. Các ông được lãnh nhận Thánh Thần. Lãnh nhận sự sống của Ðức Giêsu. Trong Chúa Thánh Thần, các môn đệ sẽ tiếp tục sứ mạng của Ðức Giêsu: Thông ban sự sống và ơn tha tội: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”. Trong Chúa Thánh Thần, Hội Thánh của Ðức Giêsu được hình thành từ hạt nhân là các môn đệ.
Chúa Giêsu quả quyết sự bình an của Người ban tặng cho chúng ta là sự bình an đích thực. Sự bình an ấy không giống như bình an thế gian ban tặng. Sự bình an của thế gian ban tặng chỉ có thể là sự yên hàn bên ngoài. Sự bình an mà Chúa Giêsu ban tặng là điều ta không thể thấy được, nhưng là cảm nhận từ trong sâu thẳm tâm hồn. Thật thế, chính Chúa là Đấng tác thành con người, nên Ngài nhìn thấu tâm hồn con người từ nơi sâu thẳm nhất.
Chính từ nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn con người phát xuất ra những tư tưởng xấu xa làm cho người ta bất an. Mặt khác, cũng chính từ nơi thẳm sâu tâm hồn mình, sản sinh ra những tư tưởng tốt làm cho người ta được bình an. Đó chính là sự bình an đích thực. Sự bình an này không hề suy xuyển bởi hoàn cảnh bên ngoài tác động. Nó luôn làm cho con người sinh hoa trái tốt lành cho nhau và cho Chúa. Sở dĩ như thế là vì từ tư tưởng con người phát xuất ra bằng ngôn từ bên ngoài và được hiện thể hóa bằng hành động.
Chúa Thánh Thần, nguồn bình an đích thực
Chính Chúa Thánh Thần đã biến đổi các Tông đồ từ những kẻ nhát đảm sợ sệt, thành những con người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng phục sinh. Họ mở toang cửa để đến với mọi người. Chúa Thánh Thần đổ tràn sức mạnh tình yêu của Ngài vào lòng các Tông đồ, khiến họ hân hoan ra đi mà không còn lo lắng tới những khó khăn gian khổ và bách hại đang chờ đón mình. Chúa Thánh Thần có sức mạnh biến đổi từ bên trong nội tâm con người.
Thánh Phaolô quả quyết : “Hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm8,6). Chúa Thánh Thần là linh hồn của đời sống Kitô của mỗi tín hữu trong nhiệm thể duy nhất của Chúa. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ tuần của người Do Thái năm mươi ngày sau lễ vượt qua. Người Do Thái mừng lễ Giao Ước, nhắc nhở Giao Ước của Thiên Chúa đã ký kết với dân của Thiên Chúa đã chọn. Mỗi thành phần của dân Chúa chọn cam kết sống trung thành với Giao Ước này, Chúa Giêsu đến để thiết lập Giao Ước mới bằng chính máu của Ngài trên cây thập giá, và qua việc chọn ngày lễ Ngũ tuần để thực hiện biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ. Chúa Giêsu muốn cho các ngài hiểu rằng từ nay, đây là ngày lễ của Giao Ước mới, từ Giao Ước mới này, Giáo Hội được khai sinh, và từ Giao Ước mới này, mỗi tín hữu được mời gọi sống đời sống mới, một cuộc sống làm chứng cho Chúa Kitô trong bình an đích thực của người.
Chúa Thánh Thần là căn nguyên sự sống, là suối nguồn bình an và nền tảng hoạt động của các Tông đồ. Vì thế qua việc mừng lễ này Giáo hội muốn cho chúng ta xác tin hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần  trong đời sống Giáo hội và đời sống của mỗi người chúng ta, để chúng ta tha thiết hơn trong việc cảm tạ và cầu nguyện với Chúa Thánh Thần trong đời sốâng hằng ngày.
Ngày nay, biến cố Hiện xuống vẫn còn tiếp diễn, còn kéo dài trong đời sống của Giáo hội. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Giáo hội vì Ngài là Đấng soi sáng, đổi mới, ban bình an và niềm vui cho mọi người. Ngài là hồn sống của Giáo hội. Nếu không có Ngài thì mọi hoạt động trở nên trống rỗng. Ngài cũng vẫn hoạt động trong mỗi người chúng ta với Bảy ơn cả của Ngài để soi sáng, hướng dẫn và giúp chúng ta nên thánh. Chúa Thánh Thần chính là suối nguồn bình an của Giáo Hội và qua Giáo Hội đến với con người trong thế giới hôm nay.
Nếu chúng ta khiêm tốn đặt mình dưới ánh sáng Lời Chúa, thì chúng ta sẽ nhận ra con người thật của mình, nhờ đó ta có thể dễ dàng tha thứ cho người khác. Và trên hết mọi sự, tha thứ đòi hỏi phải có lòng yêu thương, bác ái và muốn người khác trở nên hoàn thiện. Tha thứ là cánh cửa mở ra sự bình an và cho Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn. Chúa Giê-su nói: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy." Chính Ngài sẽ ban cho chúng ta bình an đích thực, không phải thứ bình an theo kiểu thế gian ban tặng, nhưng bình an đó chính là Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ biến đổi tâm hồn chúng ta.
Chúa Giêsu hiện đến và luôn nói lời “Chúc bình an” cho các môn đệ. Lời chúc bình an có một giá trị rất đặc biệt, nhất là trong lúc các môn đệ đang sợ hãi. Những khi gặp lo âu hoảng sợ, chúng ta có tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa và tìm bình an từ Chúa không?
Chúa Thánh Thần là Đấng đem lại sự hiệp nhất và ơn bình an đích thực, vì thế khi thực sự biết đón nhận Chúa Thánh Thần thì chúng ta không còn nghi kỵ, ganh tỵ, buồn, giận ghét gây bè phái nữa, nhưng hiệp nhất, vui vẻ, yêu thương, bác ái, huynh đệ, phục vụ, tương trợ nhau. Bạn có thực sự đón nhận Chúa Thánh Thần trong cuộc sống chưa? Bạn có cố gắng sống tinh thần hiệp nhất trong cộng đoàn không?
Bài học áp dụng
Người môn đệ luôn sống trong bình an của Chúa và hiệp nhất với anh em. Hãy tích cực sống yêu thương với những tư tưởng tốt lành.
Nước Trời là sự bình an, vui tươi và hạnh phúc, thì chính giây phút chúng ta tha thứ cho nhau, đó là Nước Trời, và nơi đó chỉ có Thiên Chúa mới ban tặng cho chúng ta bình an đích thực.
*
Lạy Chúa Giêsu, trước khi về trời, Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ để các ông được thêm sức mạnh và sự hăng say làm chứng cho Chúa. Mỗi người chúng con đã được lãnh nhận Thánh Thần qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Chúng con cũng có sứ mạng đem Chúa đến cho người khác. Nhưng trong cuộc sống, có nhiều lúc chúng con vẫn còn nhát đảm, sợ hãi không dám tuyên xưng Chúa, không dám sống theo sự thật. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần để Ngài củng cố niềm tin và đổi mới chúng con, để chúng con can đảm sống đời chứng nhân. Amen.
Thiên Ân
Thông tin khác:
Sự hiệp nhất trong tình yêu Chúa (Chúa nhật 7 mùa Phục sinh) (11/05/2013)
ĐẠI LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI (09/05/2013)
CHÚA NHẬT VI MÙA PHỤC SINH NĂM C Ơn Bình An và Tình Yêu của Thánh Thần (04/05/2013)
Ngày 03-05 Thánh GIACÔBÊ và PHILIPPHÊ Tông Đồ, lễ kính (03/05/2013)
ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN (31.3.2013 – Chúa nhật Phục sinh, Năm C) (30/03/2013)
Phục vụ trong Đức Ái (Thứ năm Tuần Thánh) (27/03/2013)
Phản bội Chúa (Thứ tư Tuần Thánh) (27/03/2013)
Xức dầu thơm cho Chúa (Thứ hai Tuần Thánh) (23/03/2013)
Nhìn lên Thập Giá Chúa (Chúa nhật Lễ lá năm C) (23/03/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log