Suy niệm
Cùng với bốn môn đệ đầu tiên, Chúa Giêsu bước vào ngày rao giảng đầu tiên tại Caphacnaum. Nơi đây, Ngài dùng quyền năng xua trừ ma quỷ và chữa lành bệnh tật.
Trong trình thuật này, Thánh sử Marcô đã nối kết hai dữ kiện khác nhau: Lời giảng của Chúa Giêsu (c 21-22) và sự chiến thắng thần ô uế (c 23-26) nhằm phô diễn cùng một sứ điệp duy nhất là tỏ bày uy quyền của Chúa Giêsu.
“Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.” Chính trong khung cảnh của Hội đường Caphacnaum, Chúa Giêsu đã bày tỏ khuôn mặt thiên sai của Người, Người giảng dạy như Đấng có uy quyền, uy quyền phát xuất từ Thiên Chúa.
Khởi đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu đã rất thành công. Mọi người đi từ “sửng sốt” đến “kinh ngạc” và danh tiếng của Người đồn ra khắp nơi.
Quả thực, Chúa Giêsu chẳng trải qua một lớp dạy hùng biện hay nghệ thuật nói trước công chúng. Ngài cũng chẳng làm phép ma thuật để bù trú, dẫn dụ dân chúng. Nhưng bằng chính sức mạnh của tình yêu được khởi đi từ Thiên Chúa, Ngài đã tạo được sức hút mãnh liệt khiến mọi người “từ khắp nơi tuôn đến với Ngài”. Ngài đã không chỉ dạy bằng lời nói suông nhưng bằng chính cung cách sống và việc làm cụ thể.
Thế giới ngày nay vẫn cần đó những bước chân của những sứ giả Tin mừng để rao truyền Tin vui cứu độ khắp nơi. Nhưng có lẽ, sẽ cần hơn những nhân chứng bằng cuộc sống. Chính gương sáng từ cuộc sống sẽ là lời giảng dạy hùng hồn và có sức thuyềt phục nhất để khắc họa dung mạo Chúa Giêsu cho mọi người.
“Tôi gặp một phụ nữ bị bệnh đang nằm chờ chết bên đường. Một nửa thân thể của bà bị chuột rỉa, phần còn lại thì bị kiến bu đen nghịt. Tôi đem bà vào bệnh viện, nhưng người ta không nhận, tôi nhất định không chịu ra về nếu họ không chịu san sóc cho người đàn bà bất hạnh này. Cuối cùng thì họ nhận tạm thời lo cho bệnh nhân của tôi. Để người đàn bà ở đó, tôi đi đến trụ sở thị xã để kiếm một nơi có thể đem bà về. May thay, có người chỉ cho tôi một căn phòng trống trong một ngôi đền An Độ giáo bỏ hoang. Tôi mang người đàn bà về đó, cầm tay và ngồi lại với bà cho tới khi bà trút hơi thở cuối cùng. Đó là một trong hàng ngàn lần Mẹ Têrêsa Calcutta đã gặp Chúa Giêsu nơi những con người nghèo khổ, bần cùng. Và Mẹ Têrêsa quả quyết: “mọi người trên thế giới dù khác nhau về tôn giáo, giáo dục, lập trường… nhưng tất cả đều giống nhau, tất cả đều là những con người cần được yêu thương”. Chính những cử chỉ bác ái yêu thương sẽ là lời rao giảng đẹp nhất và có sức thuýêt phục hơn cả.
Sống chứng nhân bằng việc chu toàn những bổn phận hằng ngày