Suy niệm
Sau khi thuật lại lời chứng của Gioan Tẩy giả về Đức Giêsu, bài Tin Mừng còn miêu tả biến cố Người chịu phép rửa với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và lời giới thiệu của Chúa Cha.
Sứ mạng của Chúa Giêsu là Đấng Messia vừa cao sang trong thân phận Con Thiên Chúa vừa khiêm tốn như một người tôi tớ.
“Đức Giêsu cũng chịu phép rửa”: Thánh Luca muốn đồng hoá Chúa Giêsu với dân Israel, một dân tội lỗi, Người mang vác tội lỗi của Israel và qua dân này, mang vác tội lỗi của tất cả nhân loại như một người tôi tớ. Và số phận tự nguyện này đưa dẫn Người đến khổ nạn và sự chết. Cái chết của Người là bằng chứng sống động nói lên sự liên đới và nhập cuộc của Người vào thân phận chúng ta để từ đó thông ban ơn cứu độ.
“Trời mở ra Thánh Thần hiện xuống … Tiếng từ trời phán …”: Nơi phép rửa của Chúa Giêsu, trời mở ra Người là sự xuất hiện của Thiên Chúa trên mặt đất này và sự kiện Chúa Thánh Thần xuống trên Chúa Giêsu còn được coi là việc “xức dầu tấn phong” một sự tấn phong Thiên Sai.
Giữa con người và Thiên Chúa có sự thông đạt mới. Từ nay, qua Con Người Giêsu, mọi người có thể đến với Thiên Chúa Chúa Cha. Và việc thông ban ân huệ Thánh Thần lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa khai mào cho việc tuôn đổ Thánh Thần cho hết mọi người.
Chúa Giêsu đã khiêm tốn hạ mình nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả như một người Do thái tầm thường của thời đó. Vinh quang của Người phải trải qua con đường tự hạ. Và chính vì Người, Con Một của Chúa Cha đồng hoá với đám đông không tên tuối như thế nên Chúa Cha đã làm chứng cho Người nơi sông Giodan bằng cáh công bố Người là Con của Chúa Cha, Đấng Thiên Sai được xức dầu bằng Thánh Thần. Biến cố này tuyên báo mầu nhiệm vượt qua, cũng như tất cả các mầu nhiệm khác của cuộc đời Chúa Giêsu. Vì thế đối với chúng ta, đây là cuộc giáo huấn về chính bản chất cuộc đời Kitô hữu, vì Kitô hữu nào cũng sống mầu nhiệm vượt qua. Cuộc sống Kitô hữu nào cũng là tự hạ và vinh quang song để có thể sống được giáo huấn này chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu trong cầu nguyện. Chính trong lúc cầu nguyện mà Chúa Giêsu nhận được chứng từ của Chúa Cha và sự tô hiệu của Chúa Thánh Thần. Đối với chúng ta cũng vậy, cầu nguyện là lúc thuận lợi nhất để gặp Chúa và để lãnh nhận dồi dào hồng ân của Chúa Thánh Thần.
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả những người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay, vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng bùn. Khách đến dự tiệc thấy vậy phát cười lên. Xấu hổ vì cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng bùn đó rồi cũng cố ý té vào chỗ ấy. Thế là áo quần của ông quan chủ tiệc cũng dơ y như quần áo cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sao đó, vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc.
Người tín hữu nhất định phải đi theo con đường của Thầy Chí Thánh Giêsu: Hy sinh, tự hạ để đào luyện bản thân, ngỏ hầu trở thành người môn đệ đích thực của Chúa.
“Qua thập giá đến vinh quang”.