Hãy dùng của cải một cách khôn ngoan, vì của cải chỉ là những gì Thiên Chúa cho chúng ta tạm giữ để giúp đỡ người nghèo khổ. Ảnh: CTV |
Bên cạnh đó, cuộc sống của chúng ta cũng cần có sự tương quan với những người xung quanh. Chính mối tương quan với tha nhân là điều hình thành nên con người nơi chúng ta. Chính vì thế, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta không chỉ sống cho riêng mình nhưng còn phải biết nhận ra những nhu cầu, những thiếu thốn của anh chị em và tìm cách đáp ứng trong khả năng của mình. Bởi vì, mục đích đời người của chúng ta ở trần gian chính là cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Cuộc sống vĩnh cửu đó không dựa trên của cải vật chất nhưng có được nhờ sức mạnh đức tin của chúng ta. Một đức tin được thể hiện bằng những hành động cụ thể.
1. Của cải trần gian không tồn tại mãi Bài đọc một, sách ngôn sứ Amốt mô tả bối cảnh vương quốc Ixraen đang ở trong thời hòa bình, thịnh vượng. Vua Giaropam đã chiếm lại phần đất ở bên kia sông Giođan. Đời sống kinh tế Ixraen tăng trưởng nhanh. Người ta xây biệt thự, trang trí nội thất và vui chơi hưởng lạc. Các nhà lãnh đạo của dân Ixraen tự hào về quyền lực và sự thịnh vượng của đất nước, hằng ngày tiệc tùng và “sống trên nhung lụa”. Chính vì thế mà ngôn sứ Amốt phải lên tiếng báo cho mọi người biết về cảnh nước mất nhà tan sắp xảy đến bởi quân Átxiri. Ông lên tiếng tố cáo những bất công trong xã hội, lôi người ta ra khỏi cảnh an toàn giả tạo và bắt người giàu phải nhìn thấy đời sống những người cùng khổ do họ gây ra.
Có thể thấy rằng, sự bất công và sự chênh lệch giàu nghèo luôn là vấn đề nan giải ở hầu hết các quốc gia: người giàu lại càng giàu thêm, còn kẻ nghèo thì cứ nghèo mãi. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chấp nhận điều đó như là một lẽ đương nhiên. Bởi vì, đời sống con người luôn mang tính xã hội. Chúng ta sống không chỉ cho riêng mình mà thôi nhưng còn phải tương quan với tha nhân nữa. Mối tương quan đó cần phải được xây dựng bằng tình yêu, bằng sự tương thân tương ái chứ không phải là “mạnh ai nấy sống”. Như dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó trong Tin Mừng hôm nay: ông nhà giàu thì ăn mặc sung sướng trong khi anh Ladarô lại sống một đời cơ cực. Tuy nhiên, sau khi cả hai đều chết thì vận mệnh lại được tráo đổi: Ladarô thì được an ủi ngồi trong lòng tổ phụ Ápraham, còn ông nhà giàu thì phải chịu đau khổ trong hỏa ngục. Vận mệnh đó không được quyết định bởi của cải giàu sang nhưng bởi lòng tin và hành động của mỗi người khi còn sống nơi trần gian.
2. Đức tin mới đem lại ơn Cứu độ Dụ ngôn không nói ông nhà giàu là một kẻ gian tham trộm cắp, cũng không nói ông bóc lột người nghèo. Cuộc sống của ông ta chỉ là những ngày tháng hưởng thụ những gì thuộc về mình. Tuy nhiên, tội của ông phú hộ không phải là sự giàu có hay là hưởng thụ của cải vật chất mà bởi vì ông đã làm ngơ, không biết quan tâm đến anh Ladarô nghèo đói bệnh tật đang nằm ngay trước cổng nhà mình. Như vậy, chúng ta không chỉ phạm tội bằng tư tưởng, lời nói, việc làm, mà còn phạm tội cả trong những thiếu sót về bổn phận phải yêu thương tha nhân; đó là tội thờ ơ trước nỗi đau, khó khăn của người khác. Có khi nào chúng ta đã làm ngơ trước nỗi đau của tha nhân? Có khi nào chúng ta lấy nỗi đau của người khác để đăng tin câu like trên mạng xã hội hay thậm chí chúng ta dùng điều đó như một cách để kiếm tiền cho chúng ta?
Số phận của ông nhà giàu và anh Ladarô được đảo lộn ở bên kia cái chết. Ông nhà giàu phải sa hỏa ngục bởi vì ông đã sống cuộc đời quá đầy đủ khiến ông chỉ biết hưởng thụ mà không còn nhận biết Thiên Chúa là Đấng ban cho ông tất cả những của cải đó. Ông không chịu cúi xuống để nhìn thấy người bên cạnh đang phải khốn khổ và cần sự giúp đỡ của mình. Còn anh Ladarô, cả đời ăn xin, anh chỉ biết cậy dựa vào tình thương của Chúa như chính cái tên của anh có nghĩa là “Thiên Chúa giúp đỡ”. Bài Tin Mừng kết thúc với câu nói của tổ phụ Apraham như là câu chủ chốt của dụ ngôn: “Môsê và các Ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”. Chính vì thế, chỉ có đức tin và lòng sám hối thật sự mới có thể đem lại ơn cứu độ. Đức tin đó không phải dựa trên những phép lạ giống như ông nhà giàu xin cho người chết hiện hồn về cảnh báo các anh em mình. Đức tin đó phải được xây dựng bằng Kinh Thánh, là Lời đem lại ơn cứu độ.