Chuông điện thoại reo, tôi ngưng việc để lắng nghe cuộc gọi từ người bạn mới người ngoại đạo. Em tên Hương, ở mãi tận miền Tây Nam Bộ lên Tp. HCM làm mướn kiếm ăn. Tôi ngạc nhiên hỏi sao em lại muốn bầu bạn với mình, một người vừa xa vừa lạ ở mãi tận xứ Bắc. Em bảo xem trang cá nhân của chị thấy chị thật là dễ thương, cưng quá hà! Em muốn làm em của chị nè!
Lắng nghe em kể hồi lâu, mới hay phận em thật tréo ngoe, vất vả. Mẹ ruột em vừa mới mất, cuộc đời chín lênh đênh của em càng chòng chành trống trải vì nỗi đau vừa mất mẹ, không chốn tựa nương. Em buồn lắm vì không còn mẹ để trút bầu tâm sự với mọi nỗi đắng cay ngọt bùi, như những ngày “mẹ con lon ton như lon với vại”. Trong gian phòng trọ chật hẹp thiếu thốn, gọi là có chỗ chui ra chui vào, em còn có anh chồng và một bé con rất dễ thương. Ngặt nỗi đây là chồng chưa hợp pháp và lúc này chẳng thương gì vợ. Em sống vì đứa con nhỏ thôi, không có bé thì chỉ muốn tìm đến cái chết cho rảnh nợ. Hằng ngày ảnh đi làm thợ hồ, em cũng đi làm mướn kiếm tiền lo cho bé, tối về em mua suất cơm bụi hơn chục ngàn mẹ con sống qua ngày. Em cũng ráng chắt bóp mua cái điện thoại, rồi nhờ người ta chỉ cho cách nói chuyện này. Chẳng những không quan tâm gì em, ảnh đi sớm về khuya tối ngày, về tới nhà còn say xỉn chửi mắng, đánh đập vợ, chẳng còn tình cảm gì cho nhau. Gần nhau đó mà lạnh lùng dễ sợ, sống cùng một căn chòi, một giường mà như có bức tường ngăn cách mỗi đứa một mặt không thèm nhìn nhau. Vừa kể em cứ khóc thút thít. Tôi thương quá xúi em bỏ quách hắn đi cho rảnh, tiếc gì lão chồng hờ ấy? Em nói cũng khó vì con em cần ba. Đi làm về nhìn ba con nó hít hà mà không nỡ lôi con bé tách ra không cho sống với ba. Vả lại ba nó không thương mẹ nhưng vẫn đóng học cho con. Em không có tiền thuê chỗ khác nên đành sống chung với hắn dù cay cực...
Với lòng thương cảm nỗi niềm của em như chính nỗi đau day dứt của mình, tôi ráng làm chị, dành giờ an ủi vỗ về, cùng... “khóc” với em. Rằng tôi cũng đầy những buồn đau khổ ải và còn nhiều thiệt thòi hơn em nữa, đâu có nụ hoa bé nhỏ bên mình, vậy mà chị vẫn vui nè, cuộc đời vẫn đẹp và đáng sống. Sao em lại muốn chết cơ chứ?... Nói chuyện với tôi dần dà em đổi khóc thành cười. Em nói thật nhẹ lòng dễ chịu mỗi lần nghe chị cảm thông. Kết thúc cuộc gọi, em còn nhõng nhẽo: “Chị đừng bỏ em nha chị! mỗi buổi tối đi làm về, nếu chị rảnh cho em trò chuyện với chị nha!” Tôi thấy vui vì được sẻ chia phận người, đem được niềm vui, ủi an đến chốn u sầu ấy dù xa lơ xa lắc.
Có một anh bạn còn rất trẻ, nhưng đã bị vợ cắm sừng rồi bỏ đi, để lại ba đứa con nhỏ cho bố. Thấy nó đăng tâm trạng buồn khổ và xin lời khuyên, tôi khẽ kín đáo nhắn để hỏi thăm một mảnh đời. Như người đang khốn khổ vì sóng đời bỗng vớ được cái phao, nó tuồn tuột kể hết mọi khốn cùng của mấy bố con. Tôi vừa lắng nghe và ủi an, khuyên nhủ điều hay lẽ phải cần làm. Tôi hỏi nếu có đạo thì nhờ cha xứ giúp đỡ cách riêng, nhưng nó lại là người ngoại đạo. Vậy nên tôi chỉ biết động viên nó bằng môi miệng qua đây. Nó thưa vâng và còn hỏi cô làm “bên gì” mà thương xót những gia đình bị đổ vỡ hôn nhân thế? Tôi nghĩ bụng: thôi chết nó tưởng mình là “cán bộ” bên từ thiện sẽ hỗ trợ vật chất trong lúc nó gặp khó khăn rồi! Tôi hơi xấu hổ xuê xoa rằng chỉ muốn giúp cháu về tinh thần được thôi, phận cô cũng khó nghèo mạt rệp ý mà! Nó một vâng hai dạ và sẵn sàng lắng nghe tôi khuyên nhủ hằng ngày. Nó khẩn khoản mời cô về chơi thăm ngôi nhà bố con nó đang ở Phú Xuyên, Hà Nội. Tôi cảm ơn và xin kiếu vì hoàn cảnh bất toại của mình. Vài hôm nó lại nhắn tin xin lời khuyên nhủ để tạm an lòng nuôi con, chờ ngày vợ biết nghĩ mà trở về với bố con nó.
Chúa ơi! ngày xưa Chúa một mình lầm lũi vác Thánh giá lên đồi Canvê, nhưng có đoạn đường được ông Simon Kyrênê sẵn sàng vác đỡ và Chúa được đôi phần ủi an trong cuộc thương khó. Xin cho con ngày nay cũng biết cảm thương mà vác đỡ Thập giá của những người anh em khốn khó gặp trên đường đời dù họ là ai. Với tình cảm thông sẻ chia, Thập giá mỗi người trở nên nhẹ nhàng hơn vì có Chúa cùng vác đi. Vì chính Chúa cũng cần người vác đỡ và nếu chúng con sống theo lời Chúa dạy mà vác cho nhau, là chúng con đang vác đỡ Chúa vậy.