Là một người Kitô hữu đối với nhiều người xem việc đi tham dự thánh lễ là một hồng ân Chúa ban, nhưng cũng có không ít người xem đó là một lề luật bó buộc một cách nặng nề và phải đòi hỏi sự hy sinh, chịu khó ít hay nhiều.
Chúa Giêsu mời gọi tất cả chúng ta là những người Kitô hữu khi đến với thánh lễ không phải vì một việc bổn phận làm cho xong hay càng nhanh càng tốt. Nhưng là có thái độ của những người con thảo, vì yêu mến mà cố gắng thi hành ý muốn của Cha mình. Bởi vì, nếu chúng ta chỉ tuân giữ lề luật của Chúa hoàn toàn bề ngoài mà thôi, thì cho dù chúng ta có phải hy sinh đến đâu, chúng ta cũng vẫn chưa có gì khác với những người Pharisêu và kinh sư trước kia mà Chúa Giêsu đã phê phán nghiêm khắc.
Bởi vậy, con người có tự do, họ có thể chọn lựa và tuân theo các giới răn của Chúa hay chối bỏ các giới răn ấy. Nếu Chúa đã ban cho con người có tự do cao quý đó, cốt là để cho họ biết sử dụng cho đúng. Sử dụng đúng là tuân hành thánh ý của Thiên Chúa, lúc đó con người sẽ được sống và cuộc đời của họ sẽ thành tựu. Sử dụng sai con người sẽ bị xét xử và phải chết như Lời Chúa trong sách Huấn ca đã nói đến: “trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy” (Hc 15,16), như thế lửa là cơn thịnh nộ và sự xét xử của Thiên Chúa; nước là sự sống, sự phong nhiêu và cũng là niềm vui. Sự nối tiếp của lề luật nơi Cựu Ước được kiện toàn một cách hoàn thiện hơn qua Đức Giêsu Kitô.
Thầy đến không phải để bãi bỏ lề luật
Người Pharisêu và Kinh sư đã nhiều lần lên án Chúa vì không tôn trọng lề luật và cố tình gieo rắc tinh thần coi thường lề luật và như thế là vô kỷ luật. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố: Ngài không đến để bãi bỏ lề luật, trái lại Ngài còn cho rằng ai vi phạm dù chỉ là một trong những luật nhỏ nhất và dạy kẻ khác làm như thế, thì sẽ bị coi là nhỏ nhất trong Nước Trời (Mt 5,17-19). Lời Chúa nói không chỉ bằng lời mà còn được thể hiện qua cuộc sống của Ngài. Chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu không hề là một người vô kỷ luật, Ngài không làm gì hay xúi dục ai làm gì phá hoại nền tảng kỷ cương của xã hội và tôn giáo.
Nhưng xét về mặt khác, cũng có những người và cử chỉ của Ngài có vẻ xác nhận lời phê bình của nhóm Pharisêu và các người Kinh sư là đúng. Chẳng hạn, Ngài chữa bệnh trong ngày Sa bát, Ngài bênh vực các môn đệ khi họ bứt lúa trong ngày Sa bát, hay Ngài không rửa ta theo nghi thức trước khi ăn… Như thế, phải chăng là Chúa tự mâu thuẫn với họ?
Những điều kiện toàn
Qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy lề luật nào thì Chúa tôn trọng, lề luật nào thì không, và Chúa còn có những đòi hỏi còn đi xa hơn lề luật. Nhiều điều người Do thái coi như là lề luật, thật ra chỉ là những chi tiết mà họ đã thêm thắt vào và thu tích lại từ thế hệ này qua thế hệ khác, như một khối cây tầm gửi che khuất cả thân cây chính. Những giải thích lề luật đó trở thành một gánh nặng khủng khiếp, thay vì phục vụ con người, lại đè nặng lên con người. Thậm chí có những giải thích vô lý, đi ngược lại với ý hướng nguyên thuỷ của lề luật (x. Mt 15,4-6; 23,16-23). Chúa Giêsu trách họ: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?” (Mt 15,3).
Lề luật đích thực của Thiên Chúa, Ngài không những không loại bỏ mà còn kiện toàn. Bằng cách: tìm lại ý hướng nguyên thuỷ của lề luật, tức là trở về với thánh ý Thiên Chúa diễn tả qua lề luật. Và nội tâm hoá lề luật, tức là mời gọi con người trước hết là với thái độ bên trong tâm hồn khi thi hành lề luật. Như thế, cõi lòng con người là yếu tố quyết định. Không phải chỉ với gươm giáo, súng đạn mà người ta dùng để giết người, nhưng người ta đã giết người với tâm địa độc ác và thù oán. Không phải chỉ trở nên “ô uế” bởi hành động ngoại tình mà thôi. Có những cái nhìn làm chúng ta ra “dơ uế” không kém.
Một khi đã phá vỡ cái khung bề ngoài, khúc chiết của lề luật như thế, Chúa Giêsu đã nới rộng giới hạn của lề luật đến vô cùng. Không ai được hài lòng chỉ vì đã giữ đúng mặt chữ của lề luật. Vấn đề không phải trung thành với một điều luật mà là với một con người mà mình yêu mến, với một người Cha mà mình cố gắng thực hành ý muốn trong tình con thảo. Không ai so đo, tính toán điều thiệt điều hơn với người mình yêu mến như lời mời gọi của Chúa: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Sống Lời Chúa ngày hôm nay
Lời Chúa hôm nay mời gọi người Kitô hữu phải biết tôn trọng lề luật của Chúa, của Giáo hội và xã hội. Bởi thời nay, con người có xu hướng coi thường lề luật và tìm cách để luồn lách. Tình trạng đó, con người đang gây ra tai hại khó lường cho mỗi con người chúng ta.
Con người tuân giữ lề luật nhưng đồng thời phải tránh óc duy luật lệ. Nếu chỉ giữ luật bên ngoài một cách an tâm và cho rằng mình đã hoàn tất với Chúa và với anh em thì Chúa dạy phải vượt qua những tính toán ấy để đạt đến bình diện tình yêu. Ta không được coi việc giữ lề luật bề ngoài là đủ nhưng phải đi cho tới gốc rễ của hành động bề ngoài, đó là: tư tưởng, ước muốn, ý hướng trong lòng;phải quan tâm hoán cải cõi lòng mình.
Đã có rất nhiều người bằng lòng với sự trung thành của mình bằng hình thức lề luật, mà không gắng sống bằng một tôn giáo tình thương. Chẳng hạn như: cách thức giữ luật buộc đi lễ ngày Chúa nhật, luật buộc xưng tội một năm ít là một lần, luật ăn chay kiêng thịt. Rất nhiều người siêng năng đọc kinh, đi lễ, nhưng đời sống hằng ngày không có chút gì là Tin Mừng…
Vì vậy, con người mang trong mình khát vọng sâu thẳm được sống và sống hạnh phúc. Và họ cũng có khả năng đạt tới, bởi vì Thiên Chúa đã ban cho họ tự do để có thể chuẩn bị tương lai của mình. Nhưng phải làm gì để tiến tới thành công? Thưa phải dùng tự do mà chọn lựa và tuân hành các chỉ thị mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Ai theo con đường đó, tất nhiên là không dễ, tất nhiên là phải hy sinh từ bỏ nhiều. Nhưng đó cũng là đường mà Chúa Giêsu đã đi và Người đã chứng minh con đường đó là đúng khi Ngài khẳng định “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Thập Tự Ân
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com