Suy tư - Chia sẻ

Tiếng gọi thiêng liêng

Cập nhật lúc 09:11 13/02/2017
Chúng ta đang sống trong một thế giới ồn ào và bị bao vậy giữa rất nhiều tiếng gọi.

    Mỗi tiếng gọi có một giọng điệu riêng, sức hút riêng và thông điệp riêng của nó. Trong rất nhiều tiếng gọi ấy, có một tiếng gọi dịu dàng nhưng đầy yêu thương, có sức hút kỳ diệu, cùng thông điệp rõ ràng. Đó là tiếng gọi theo Thầy của Chúa Giêsu. Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, thánh Mátthêu diễn tả cho chúng ta thấy tiếng gọi ấy thiêng liêng, cao cả và cũng có sức hút kỳ diệu để rồi những người đầu tiên được gọi đã “lập tức bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người”.

     Bài đọc 1, sách ngôn sứ Isaia nói về bài ca ơn giải thoát. Tiên tri Isaia nhắc lại ơn giải thoát được ban xuống vào thời Emmanuel (x. Is 7,14). Lúc đó, dân Dơvulun và Náptali đang lần bước giữa tăm tối thì như tìm thấy ánh sáng, niềm vui và niềm hoan hỷ. Lời loan báo của ngôn sứ Isaia chỉ được thể hiện cách đầy đủ khi mà Chúa Giêsu xuất hiện (x. Mt 4,13-17). Ngài đã đáp lại tiếng gọi của Chúa Cha, thi hành sứ vụ giải thoát con người khỏi tăm tối của tội lỗi. Ngài đến với nhân loại, đem ánh sáng huy hoàng vào nơi tăm tối, cùng với lời mời gọi sám hối vì nước trời đã đến gần. Đó là lời mời gọi mà thánh Gioan Tẩy giả đã không ngừng loan báo suốt cả hành trình ơn gọi của ngài. Đặc biệt, Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta thấy hành trình ơn gọi ấy lại có một cái kết chẳng hề tốt đẹp gì (x. Mt 4,12).

     Tưởng như kết thúc một đời ngôn sứ như thế thì tiếng gọi về nước trời không còn được loan báo thêm nữa. Thế nhưng, Gioan Tẩy giả qua đi, nghĩa là thời kỳ mới sẽ đến, thời kỳ hoàn tất của Chúa Giêsu Kitô. Đi vào vùng Dơvulun và Náptali là đi vào nơi tăm tối để bắt đầu sứ vụ của Chúa Giêsu. Sứ vụ cứu độ nhân loại mà Ngài đã đáp lại tiếng gọi từ Thiên Chúa. Thế nhưng, cách kết thúc sứ vụ của vị tiền hô Gioan Tẩy giả đã báo cho Chúa Giêsu biết được chung cuộc của tiếng gọi đời ngôn sứ nơi Ngài là thế nào. Tuy vậy, tiếng gọi thiêng liêng từ nơi Chúa Cha đã thúc bách Chúa Giêsu dấn thân cho sứ vụ của Ngài. Sứ vụ làm người, đến với mọi người, chia sẻ với mọi người về Tin Mừng nước trời, đặc biệt là những người nghèo, người bất hạnh và bị bỏ rơi.

     Tiếng gọi đó hôm nay Chúa Giêsu cũng cất lên cách dịu dàng và đầy ưu ái để mời gọi một số người cũng tiếp tục sứ vụ của Ngài. Theo trình thuật của thánh Mátthêu, Chúa Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê thì lần lượt gặp anh em Simôn và Anrê rồi Giacôbê và Gioan đang chài lưới và vá lưới rồi Ngài cất tiếng gọi “Các anh hãy theo tôi” cùng với lời hứa “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”(x. Mt 4,19). Nghe có vẻ như hơi buồn cười khi chúng ta đọc đoạn Tin Mừng này. Bởi lẽ, Chúa Giêsu, người cất tiếng gọi là một người xa lạ, chưa hề có tiếng tăm. Cùng với đó, người được gọi lại là những người chài lưới, ít học, nghèo khó. Thông điệp mà Chúa Giêsu đưa ra cũng thật mơ hồ. Thế nhưng, tiếng gọi có vẻ buồn cười ấy lại được đáp trả một cách đầy bất ngờ và kỳ diệu: “Lập tức hai ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,22). Thiên Chúa luôn là vậy, Ngài làm nên những điều kỳ diệu từ những điều hết sức đơn giản. Ngài gọi những tiếng gọi thiêng liêng cao cả với những người hết sức bình thường.

     Tiếng gọi thiêng liêng ấy dù được cất lên trong sự dịu dàng của cuộc sống bình yên hay trong sự mạnh mẽ qua một biến cố, thì vẫn luôn đi kèm với ân sủng của Thiên Chúa. Tiếng gọi ấy được cất lên luôn chờ đợi lời đáp trả của người được gọi như các môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng hôm nay. Lời đáp trả ấy là chấp nhận từ bỏ tất cả, bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ quê hương và bỏ cả cha mẹ người thân để đi theo Đức Giêsu Kitô. Đáp trả lại tiếng gọi thiêng liêng của Thiên Chúa cũng có nghĩa là chúng ta được mời gọi thi hành sứ vụ của Chúa Kitô và với Chúa Kitô, là đem ánh sáng, niềm vui của Chúa Kitô đến với những nơi tăm tối, đem Tin Mừng nước trời đến với những người nghèo, người tội lỗi. Đáp lại tiếng gọi thiêng liêng của Thiên Chúa còn là chấp nhận một cuộc sống không bình yên, thậm chí một cái kết không hề tốt đẹp như chính thánh Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu Kitô phải chịu. Thế nhưng, hơn hết tất cả lời đáp trả ấy để ta thuộc về Chúa Kitô và trở nên môn đệ của Ngài như lời của thánh Phaolô Tông đồ trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô.

     Ngày nay, Thiên Chúa vẫn không ngừng cất tiếng gọi thiêng liêng cao cả với chúng ta. Tiếng gọi mời chúng ta trở nên những linh mục, tu sĩ, hội đồng mục vụ, giáo lý viên... hầu trở nên những con người mang Lời Chúa, mang Tin Mừng nước trời đến với mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ, bất hạnh. Ước gì mỗi người chúng ta luôn ý thức được tiếng gọi ấy thiêng liêng và đầy ân sủng để đáp trả lại một cách dứt khoát như chính các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cứu độ của Chúa đến với mọi người.

 
Phêrô Trần Thanh Sơn
Thông tin khác:
Đức tin đã cứu tôi (10/02/2017)
Hái lộc thánh (02/02/2017)
Thiên Chúa đã ban ân sủng CHO TA ĐỂ TA GẶP GỠ NGÀI VÀ LÀM CHỨNG CHO NGÀI (23/01/2017)
Nghĩ giữa thềm Xuân (18/01/2017)
Đôi lời tâm sự về ơn gọi (17/01/2017)
Tình yêu và sự sống (04/01/2017)
Dâng mình và phó thác mình cho Đức Mẹ (03/01/2017)
Bao la TÌNH CHÚA (28/12/2016)
Đêm Giáng Sinh - Đêm của giao hòa, đêm của hiệp thông (26/12/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log