“Ngôi Lời đã hóa thành Nhục Thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”. |
Trong ngày đầu năm, chúng ta có thói quen chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, tùy vào những gì mà người khác muốn nghe; chẳng hạn, đối với các thương gia: phú quí, thịnh đạt; đối với các sinh viên sắp ra trường: thành công và thắng lợi trên đường công danh; đối với nhà nông: mùa màng trù phú; đối với người bệnh: sức khỏe lành mạnh. Nhưng đâu là lời chúc tốt đẹp và hòan hảo nhất của ngày đầu năm? Các tín hữu tin đó là lời chúc có được Thiên Chúa; lý do của niềm tin này: có Chúa là có tất cả. Hơn nữa, chưa chắc có được những gì người khác chúc là đã tốt lành, chẳng hạn như được trúng số mà gia đình tan nát; nhưng nếu được những gì Thiên Chúa ban, chắc chắn sẽ tốt lành cho người lãnh nhận, vì Ngài biết con người cần gì.
Các bài đọc của ngày đầu năm tập trung trong các ơn lành đến từ Thiên Chúa. Trong Bài đọc I, Thiên Chúa dạy cho Aaron biết cách chúc lành cho con cái Ixraen: phải nhân danh Thiên Chúa, phải xin Thiên Chúa tươi mặt nhìn đến và dủ lòng thương, phải xin Thiên Chúa ghé mắt nhìn đến và ban bình an. Trong bài đọc II, Thiên Chúa đã tỏ tình yêu của Ngài qua mầu nhiệm Nhập Thể: Ngài không những giải thoát con người khỏi tội, ban cho con người diễm phúc được làm nghĩa tử, và còn ban Thánh Thần để thúc đẩy con người gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi! Trong Phúc Âm, Thiên Chúa đã ban cho con người, đại diện qua thánh Giuse, Đức Mẹ Maria, và các mục đồng được nhìn thấy mặt của Thiên Chúa.
Khởi đầu của một năm mới, Giáo hội mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta quy tụ bên Mẹ Maria để cùng với Mẹ suy gẫm và chiêm ngắm một Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Bởi vì, Mẹ chính là người phụ nữ được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu thế. Thiên Chúa là Đấng tự hữu, không có ai sinh ra Thiên Chúa. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã sinh ra làm người như chúng ta qua cung lòng của Đức Maria, chỉ trừ tội lỗi. Đức Maria đã sinh ra Đức Giêsu Kitô là người thật và là Thiên Chúa thật. Cho nên, Đức Mẹ Maria cũng là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đã chọn lối sống là chuyên tâm lắng nghe và luôn luôn suy đi nghĩ lại trong lòng những biến cố có liên quan đến Chúa Giêsu.
Tình thương yêu của Thiên Chúa luôn bao bọc, chở che con người chúng ta cả sau lẫn trước. Lòng nhân hậu của Chúa thương yêu con người suốt cả cuộc đời. Tình thương và lòng nhân hậu đó được thể hiện qua Lời Chúa phán với ông Môsê: “Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ixraen, anh em hãy nói thế này: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh (em)! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)! Chúc như thế là đặt con cái Ixraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6,23-27). Tình thương yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho dân Ixraen mà còn cho tất cả chúng ta.
Đức Maria là Mẹ Đấng Cứu thế đã cảm nghiệm về tình thương của Chúa qua sự thinh lặng không chỉ ở bên hang đá Bêlem mà bằng cả cuộc đời của Mẹ. Là Mẹ Thiên Chúa nhưng chẳng mấy ai biết đến Mẹ như tại tiệc cưới Cana, Mẹ âm thầm báo cho Chúa Giêsu biết là họ đã không còn rượu nữa. Trong suốt hành trình cứu độ của Chúa, Mẹ đã lặng lẽ bước theo và lắng nghe Lời của Con Mẹ. Khi đứng gần Thập giá, Mẹ đã chứng kiến những giây phút đau thương của Con mình. Sự khiêm hạ của một nữ tỳ của Chúa là chỉ ốn âm thầm phục vụ, lắng nghe, suy gẫm và thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
Đứng trước mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Đức Maria chỉ biết “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Mặc dù, Mẹ chính là Mẹ Thiên Chúa nhưng không sao hiểu cho tường tận về con của Mẹ. Thế nhưng, nhờ suy gẫm và chiêm ngắm chính Ngôi Lời của Thiên Chúa mà Mẹ đã hiểu. Như bài Tin Mừng hôm nay, Mẹ chăm chú, suy gẫm tất cả những lời kể của các người chăn chiên cho Mẹ về Chúa; Mẹ cũng gẫm suy và quý trọng cuộc viếng thăm của sứ thần Gabriel báo tin cho mẹ cũng như khi Chúa Giêsu nói với Mẹ và thánh Giuse khi ở trong Đền Thờ… Và như thế, Mẹ đã dành trọn vẹn cuộc đời để thực hiện lời xin vâng “Vâng, Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,28).
Khi Đức Maria sinh Chúa Giêsu nơi hang đá Bêlem, thì cũng chính là lúc nhân loại mới được được sinh ra. Qua đó, thánh Phaolô đã xác tín rằng: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-6). Qua mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Ngài đã tự đồng hóa mình với nhân loại chúng ta trong mọi sự chỉ trừ tội lỗi.