Hôm nay Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,10-11). |
Noen xưa và nay Hồi đó, mỗi dịp Noen về, giáo xứ Xuân Bảng quê tôi lại háo hức chuẩn bị đón Chúa Hài Đồng từ vài tuần trước. Trong không gian làng quê đồng bằng Bắc Bộ, hai ngôi thánh đường, một thánh đường giáo xứ, một thánh đường giáo họ chỉ cách nhau hai chiếc ao làng trở thành điểm hội tụ tinh thần của cộng đoàn đức tin sốt sắng. Hai làng cạnh nhau đều là địa bàn Công giáo toàn tòng, mỗi khi giáo xứ thay mặt giáo phận chầu lượt hay tổ chức đón mừng lễ Giáng sinh, cả làng đều nhộn nhịp từ tinh thần đến hành động.
Mấy thập niên về trước, Giáo hội Việt Nam hiếm linh mục, một linh mục coi sóc 5- 6 giáo xứ, nên không phải xứ đạo nào cũng có thánh lễ đêm Noen. Giáo xứ nào được chọn cử hành thánh lễ sẽ chuẩn bị trang trí Noen rất chu đáo, trang trí cầu kỳ hơn, từ chiều tối ngày 24, dòng người từ các xứ đạo khác và lương dân trong vùng đã sánh vai dạo bước về khu vực nhà thờ chờ thánh lễ.
Những mùa Giáng sinh xưa, làm ngôi sao Noen là công tác chuẩn bị phổ biến tại các xứ, họ đạo. Đàn ông thiết kế và dựng cổng chào, chẻ tre, vót nan để ghép thành khung hình ngôi sao. Các bạn thiếu nhi phủ giấy lên khung và cắt dán họa tiết cho từng ngôi sao… Chất kết dính tự tạo từ bột gạo nấu loãng. Phụ nữ dọn dẹp đường làng, chỉnh trang nhà cửa… Giáo dân hội tụ tại sân nhà thờ vừa làm vừa trò chuyện việc đạo, việc đời chứa chan tình làng nghĩa xóm.
Điều kiện lúc đó hạn chế, không đủ kinh phí dẫn dây điện khắp vòng quanh khu vực thánh đường, nên bên trong các ngôi sao Noen đều thiết kế chỗ để đèn dầu, hoặc nến thắp sáng ngôi sao. Giấy làm ông sao không phải ni lông như bây giờ nên công tác chuẩn bị rất chu đáo nhưng nếu ngày treo các ngôi sao gặp phải cơn mưa thì hư hỏng nhiều. Ngoài đèn ông sao, các họ đạo còn làm đèn kéo quân. Loại đèn này hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công, dùng hơi nóng của đèn cầy đặt bên trong để làm chuyển động những hình ảnh trong lồng đèn. Đám trẻ trong làng rất thích, thường quây vòng quanh để xem các hình ảnh chuyển động như phim hoạt hình trong đèn.
Nhiều họ đạo chưa có điều kiện kiến tạo hang đá thật, thường tạo dựng hang đá bằng khung tre, phủ bạt rồi dùng xi măng, hoặc bột pin hòa ra sơn lên như màu đá thật với những hình dáng kiến tạo rất tự nhiên. Đám thanh niên thường đảm nhận làm hang đá và trang trí tháp nhà thờ.
Những trải nghiệm Noen xưa sẽ không còn trở lại, khi ngày nay, khắp nơi trang trí đón Noen bằng đèn led công nghệ. Xứ đạo lấp lánh ánh điện từ khu vực thánh đường đến từng nóc nhà.
Sự phát triển của công nghệ giúp con người lưu ảnh nhanh hơn và chia sẻ chúng đến nhiều người hơn, vì thế từ nửa đầu tháng 12 không khí chuẩn bị Noen đã tràn ngập không gian mạng xã hội. Từ Nam ra Bắc, từ hải đảo đến miền sơn cước, và cả ở ngoại quốc, không khí Noen đều được tung lên thế giới phẳng công nghệ, đem lại cảm nhận phong phú, đa dạng cho mọi người.
Đón Noen theo phong cách truyền thống, mỗi gia đình thường thiết kế một cây thông Noen hoặc hang đá nhỏ để đón Chúa Hài Đồng và quây quần chờ đến giờ thánh lễ. Ngày nay nhà nào cũng dựng thêm đèn ông sao bằng dàn đèn led nhấp nháy trên mái nhà cao tầng hiện đại. Thay vì ở nhà sum vầy cùng người thân, nhiều người có xu hướng ra các ngả đường, xuống phố để tận hưởng không khí Giáng sinh. Với những người làm kinh doanh, mùa Noen còn là cơ hội trang hoàng cửa hàng để quảng bá sản phẩm, thu hút khách hàng, thúc đẩy doanh thu.
Ở các vùng quê xưa, Noen, người Công giáo thường mời người thân, không phân biệt lương dân hay giáo dân đến nhà chơi và dùng cơm thân mật, như đón khách đến chơi Tết. Trẻ em được bố mẹ sắm cho bộ quần áo mới, vui thích lắm. Nay truyền thống này đang phần nào mai một, khách ít khi dùng cơm cùng gia đình mà thường dạo phố, dạo quanh thánh đường rồi vào nhà hàng, quán xá liên hoan, tụ họp…
Giáo họ Trại Hương (thuộc giáo xứ Xuân Bảng) trong mùa Giáng sinh. |
Máng cỏ tâm hồn Những địa điểm đón Giáng sinh xưa chỉ đơn giản là những nhà thờ, những đêm diễn nhạc kịch Công giáo tại khu vực khuôn viên thánh đường. Nay xu hướng sống hiện đại đang thịnh hành, nhiều người chú trọng chơi Giáng sinh tại những nơi náo nhiệt,… Những đổi thay trong đón mừng Noen xem ra đang thiên về vui chơi hơn là cảm nghiệm ý nghĩa sâu xa của sự kiện tôn giáo Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người.
Là tín hữu Công giáo, chúng ta đều rõ Chúa Giêsu Hài Đồng xuống thế trong cảnh nghèo hèn. Nhưng trước sự nghèo hèn và lạnh lẽo của khung cảnh Giáng sinh đó, con người đã sưởi ấm cho Chúa bằng lòng mến chân thành, trong đó có ba vị vua từ phương Đông đã tìm đến hang đá mà bái lạy Chúa Hài Đồng và chiêm nghiệm về sự kiện trọng đại này. Trong tâm tình ấy, người Công giáo bằng đức tin chớ xem Noen như dịp vui chơi hưởng thụ mà quên tìm đến hang đá để cất lên những lời kinh, tiếng hát sưởi ấm cho Chúa Hài Đồng Giêsu. Trong những lời kinh, tiếng hát, đêm đông lạnh giá trở nên linh thiêng và ấm áp bởi lòng mến Chúa mà không cần lộng lẫy hay phô trương.
Lễ Giáng sinh là dịp chúng ta cảm nghiệm sâu xa tình thương của Thiên Chúa đối với nhân loại. Con Thiên Chúa làm người, đã sinh ra trong một hoàn cảnh thật tầm thường, giản dị và ít ai có thể ngờ. Một Vị Vua Cứu Tinh nhân loại lại sinh ra nơi hang đá, máng cỏ nghèo nàn, sinh ra nơi cánh đồng hoang vắng. Nhưng máng cỏ là dấu chỉ của sự khó nghèo, là biểu hiệu của tình thương. Ước gì mỗi chúng ta, cùng với những chuẩn bị về hình thức như trang hoàng giáo xứ, gia đình, trải nghiệm không gian lung linh sắc màu, đều quan tâm xứng đáng cho việc chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Giáng sinh. Giáng sinh chỉ thật sự ý nghĩa khi chúng ta gặp được Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ của tâm hồn thiện lành, quảng đại yêu thương, tha thứ, nhất là yêu thương những người nghèo hèn, bé mọn cũng như thực hành sống chia sẻ và khiêm tốn thường ngày. Bởi con Thiên Chúa đã từ bỏ thân phận cao sang, chấp nhận sinh ra trong cảnh khó nghèo để gần gũi với những người nghèo, để cảm thông với nếp sống mong manh của những con người không nhà không cửa. Đó là lý do sâu xa của mầu nhiệm Giáng sinh để chúng ta biết tôn vinh Thiên Chúa và xin Chúa thánh hóa tâm hồn mình: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14).