1.
Đức Mẹ trong đời tôi là một lịch sử dài, khởi đi từ lúc tôi mới là bào thai trong lòng mẹ.
2.
Đức Mẹ ở bên tôi là một tình thương âu yếm, rõ nhất là trong cuộc sống ơn gọi Giám mục của tôi.
Còn tôi, tôi sống với Mẹ như con thơ bé nhỏ. Mãi mãi là thế thôi.
3.
Nhưng nếu nói đến việc tôi dâng hoa kính Đức Mẹ, thì tôi xin quả quyết là tôi có thực hiện, bằng cách của tôi: Để diễn tả cách đó, tôi xin được kể lại một việc đã xảy ra từ lâu rồi, mà tôi vẫn cho là một kỷ niệm không bao giờ quên.
4.
Năm đó, tôi có chương trình đi Rôma, để kính viếng Đức Giáo hoàng. Trong chuyến đi đó, tôi dừng lại Paris ít ngày. Một học trò cũ thân yêu của tôi ở Pháp, gợi ý cho tôi là nên đi viếng Đức Mẹ Lộ Đức. Tôi rất vui.
Hai thầy trò đi xe lửa tới Lộ Đức vào một buổi chiều. Chúng tôi giữ phòng trọ ở một khách sạn bình dân ngay trong phố. Rồi chúng tôi đến ngay hang đá Đức Mẹ để cầu nguyện.
Khi cầu nguyện, tôi có lúc đã để ý đến mấy bông hoa hồng dưới chân Đức Mẹ. Tôi thầm nghĩ, giá mà mình được là một bông hồng như thế, thì hạnh phúc biết bao. Ngay tối hôm đó, chúng tôi báo cho cha Tuyên úy phụ trách đền thánh Lộ Đức, xin ngài định giờ, để tôi dâng lễ hôm sau.
5.
Sáng hôm đó, tôi đến phòng áo của đền thờ, để chuẩn bị dâng lễ, thì cha phụ trách đền thờ đến chào tôi. Ngài xin tôi đứng chủ lễ và xin tôi chia sẻ trong thánh lễ. Tôi từ chối, vì chưa chuẩn bị gì trước. Nhưng ngài nhất định xin.
6.
Thánh lễ khá đông linh mục, tu sĩ và giáo dân các nước.
Sau bài Phúc Âm, tôi chia sẻ một cách rất đơn sơ. Tôi nói là tôi từ Việt Nam qua, sẽ gặp Đức Giáo hoàng. Tôi đến Lộ Đức, để cầu nguyện cho đồng bào và tôi được ơn bình an và yêu thương của Chúa. Xin mọi người cũng hãy cầu nguyện cho đất nước Việt Nam của tôi.
Tôi nói bằng tiếng Pháp. Tất nhiên không được chuẩn. Nhưng mọi người đều chăm chú nghe.
7.
Sau lễ, rất nhiều người đã đến gặp tôi. Tôi không ngờ, tôi nhận được nhiều ơn bình an và yêu thương đến thế. Để rồi, khi về Việt Nam, tôi lại cho đi ơn bình an và ơn yêu thương bằng nhiều cách. Tôi nhận biết mình tội lỗi, được như thế này, là do ơn Chúa mà thôi.
8.
Thế là tôi trở thành bông hoa hồng của Mẹ. Khi Đức Giáo hoàng trao tặng tôi chuỗi tràng hạt mân côi, tôi coi đó là chuỗi những bông hồng.
9.
Hôm nay, tôi vẫn là một bông hồng dưới chân Đức Mẹ.
Hôm nay, tôi vẫn là một chuỗi bông hồng kết nối mọi người của tôi lại, để cùng Đức Mẹ thành lời ca ngợi Chúa giàu lòng thương xót, vì ơn bình an và ơn yêu thương của Chúa đã ban cho tôi, cho Hội Thánh của tôi, cho quê hương Việt Nam của tôi.
10.
Điều mà Đức Mẹ luôn nhắc nhở tôi, là hãy tìm thánh ý Chúa và thi hành thánh ý Chúa, trong việc lĩnh nhận và lĩnh vực cho đi.
11.
Phải rất tỉnh thức và cầu nguyện, thì mới nhận ra được thánh ý Chúa.
Thánh ý Chúa là tôi phải biết nhận lĩnh và phải biết cho đi đúng cách, đúng lúc và đúng nội dung mà Chúa muốn. Được thế, tôi phải khiêm nhường.
12.
Chúa cho tôi nhớ lại Lời Chúa phán xưa: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng con đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, mà trừ quỉ và làm nhiều phép lạ đó sao? Bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt ta, hỡi bọn làm điều gian ác. Lý do là vì họ không thi hành ý muốn của Cha trên trời”. (Mt 7, 21- 23).
Lời Chúa trên đây là lời cảnh báo nghiêm khắc gửi cho tôi và những ai thích hoạt động để làm sáng danh Chúa. Chúa cho thấy là nhiều thứ hoạt động đó không được Chúa chấp nhận, bởi vì làm theo ý riêng, chứ không theo ý Chúa.
13.
Do vậy, để là hoa hồng của Đức Mẹ, tôi phải có sự khiêm nhường được thể hiện trong sám hối với tấm lòng tan nát khiêm cung, đi vào đền tạ. Khiêm nhường trước Chúa, và cũng khiêm nhường trước xã hội và trong cộng đoàn đức tin.
14.
Tôi hết lòng cảm tạ Chúa vì Chúa vẫn dạy bảo và đào tạo tôi nên một bông hồng nhỏ tại địa phương mà tôi đang sống.
Chúa đào tạo tôi, nhất là bằng cách dắt tay tôi lên đường mỗi ngày.
Đường của lịch sử đời tôi. Đường của lịch sử đất nước tôi. Đường của lịch sử Hội Thánh tôi.
Lịch sử bao giờ cũng phức tạp. Lịch sử bao giờ cũng có những bất ngờ. Tôi phải sống như kẻ lữ hành, đi về một tương lai, mà chỉ Chúa mới biết rõ sẽ là gì. Chứ chẳng ai dám hoạch định chương trình cho Chúa. Bắt Chúa phải theo chương trình của tạo vật, đó là cực kỳ kiêu ngạo.
15.
Một người bạn mới gửi tặng tôi một cuốn sách bằng tiếng Pháp mang tựa đề “Lòng thương xót Chúa, với Đức Giáo hoàng Phanxicô”. Sách khổ nhỏ, 376 trang, mỗi trang là một đoạn suy gẫm nhỏ về lòng thương xót Chúa, trích từ những huấn dụ của Đức Phanxicô.
Đọc qua sách này, tôi nhìn vào thực tế tại Việt Nam hôm nay. Tôi thấy không ít người tín hữu Việt Nam xung quanh tôi, đang âm thầm khiêm tốn là những bông hoa của lòng thương xót Chúa. Họ làm chứng Chúa xót thương họ và những kẻ khổ đau. Tôi thầm mong tôi cũng được như vậy. Sống làm chứng cho lòng thương xót Chúa từng ngày, thì suốt năm chúng ta sẽ là những bông hồng dâng kính Đức Mẹ, được Chúa chúc lành. Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường sẽ chúc lành cho họ và cũng chúc lành cho Hội Thánh và cho đất nước Việt Nam chúng ta.