Hôm nay, Mẹ Giáo hội hướng con cái mình đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi để cảm nghiệm tình yêu lân tuất dành tặng cho nhân loại; một tình yêu mà ngôn ngữ loài người không thể nào diễn tả được. Tình yêu đó không diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, hay tùy vào cảm xúc nhưng là một tình yêu mang tính vĩnh cửu; yêu cho đến tận cùng. Và phụng vụ lời Chúa hôm nay nói cho chúng ta hiểu về tình yêu vượt trên không gian và thời gian của Thiên Chúa dành cho con người: ngay từ tạo thiên lập địa cho đến tận cùng.
I. TÌNH YÊU BA NGÔI BIẾN CON NGƯỜI NÔ LỆ THÀNH TỰ DO Đọc những chương đầu của sách Sáng thế phần nào chúng ta cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu ấy được biểu lộ qua việc tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26), được gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa; hơn nữa ban cho con người làm chủ muôn loài muôn vật (St 2,19). Thế nhưng con người đã đánh mất hạnh phúc đó qua việc sa ngã; từ đó con người trở thành nô lệ cho tội và xa rời tình yêu Thiên Chúa (St 3,8-10.23). Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người, để con người tự chống chọi với tội lỗi, với ma quỷ. Trái lại Thiên Chúa luôn đồng hành và yêu thương con người. Sau cùng, Thiên Chúa đã giải thoát con người ra khỏi tình trạng nô lệ và dẫn vào miền đất tự do.
Bài đọc 1 cho ta thấy rõ điều đó. Môsê, thủ lãnh của dân, đã cảm nghiệm tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho dân, nên ông đã đứng lên nói cho dân biết về tình yêu của Thiên Chúa đối với dân. Một tình yêu mà ông không thấy nơi các vị thần của các dân tộc khác: “Có dân nào được lắng nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không? Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em từ Ai cập, trước mắt anh em không?” (Đnl 4,38). Có lẽ dân Ixraen lãng quên tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, khi dẫn đưa họ thoát khỏi cảnh nô lệ bên Aicập để đi vào miền đất hứa, nơi mà chính Đức Chúa đã hứa với tổ tiên họ. Họ nhớ lại những ngày tháng bên đất Ai cập, tuy khổ cực nhưng được ăn củ hành củ tỏi, miếng thịt mà quên rằng họ đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ, đang sống trong miền đất tự do. Họ không cảm nghiệm được tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa dành cho họ. Một vị Thiên Chúa quyền năng, sẵn sàng giáng phạt những ai dám nhìn vào Thiên Chúa, nay hạ mình xuống để dân được lắng nghe lời từ miệng Thiên Chúa. Một vị Thiên Chúa hạ mình xuống để phục vụ cho dân bằng những dấu chỉ “cột mây che nắng ban ngày và cột lửa soi tỏ ban đêm” (Xh 13,21). Ở đây đã có sự hoán chuyển. Nhiệm vụ của dân là phục vụ và phụng thờ Thiên Chúa, nay điều đó lại do chính Thiên Chúa thực hiện. Một vị Thiên Chúa quyền năng, ở trên cao nay khiêm cung đến gần gũi với con người, phục vụ con người.
Môsê nói cho dân chúng biết tình yêu phi thường của Thiên Chúa dành cho họ mà nay họ lãng quên. Một vị Thiên Chúa đã dẫn đưa họ từ cảnh nô lệ bước vào tự do. Ông nhắc nhở để họ biết hồi tâm nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho họ để họ trở về nẻo chính đường ngay.
II. TÌNH YÊU BA NGÔI BIẾN CON NGƯỜI THÀNH CON CÁI THIÊN CHÚA Trong bài đọc 2, thánh Phaolô đi xa hơn khi cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu ấy không dừng lại nơi việc giải thoát một dân tộc từ nô lệ sang tự do theo nghĩa thông thường, nhưng là tình yêu biến đổi con người từ cảnh vực nô lệ trở nên con cái Thiên Chúa, là con thì được thừa kế gia tài mà Thiên Chúa để lại (Rm 8,17). Thánh nhân đã khẳng định quyền thừa kế dành cho con cái. Chúng ta chỉ thực sự là con cái Thiên Chúa khi chúng ta để Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình và cùng chịu đau khổ với Đức Kitô. Đã là con thì chúng ta gọi Thiên Chúa là “Abba: Cha ơi!”. Một tiếng gọi rất thân thương và gần gũi. Giờ đây không còn là một vị Thiên Chúa cao xa, không dám gọi tên, không dám lắng nghe nhưng là một vị Thiên Chúa gần gũi và thân thương, như người cha với con mình. Mà có người cha nào lại không thương con!? (Mt 7,10). Thiên Chúa là người cha luôn yêu thương con cái mình là nhân loại. Cha mẹ là những con người đầy giới hạn mà còn thương con cái mình huống gì là Thiên Chúa (Mt 7,11). Thánh Phaolo xác tín điều này qua kinh nghiệm được yêu và đặc biệt qua Thần Khí của Thiên Chúa. Thánh nhân khẳng định chính Thần Khí chứng thực điều này chứ không phải qua xác thực của con người: “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 4,16). Chính Thiên Chúa đã biến đổi chúng ta từ những con người nô lệ và sợ sệt trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa. Trong vai trò là con, chúng ta được thừa kế gia tài của Thiên Chúa, gia tài đó chính là được hưởng hạnh phúc đích thực trên Thiên quốc và chiêm ngưỡng Thiên Chúa...