Suy niệm Lời Chúa
Trình thuật Tin Mừng của Chúa nhật thứ XXI mùa Thường niên hôm nay nằm trong phần thứ tư, phần cuối cùng của “diễn từ về Bánh Hằng Sống” theo Tin Mừng Ga 6. Ba phần trên bao gồm : Phần 1 (6, 1 – 15) với trình thuật Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều; Phần 2 (6, 16 – 21) với trình thuật Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ Tibêria; Phần 3 (6, 22 – 59) với diễn từ về bánh trường sinh.
Trích đoạn Tin Mừng này đề cập đến phản ứng và thái độ của các cử toạ sau khi nghe Đức Giêsu nói về Bánh Trường Sinh. Có kẻ chống đối bên cạnh những người đồng lòng.
“Có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu ... ” Không chỉ dân chúng tỏ ra khó chịu khi nghe Đức Giêsu nói về Bánh Trường Sinh, mà cả đến nhiều môn đệ trong nhóm bảy hai cũng có thái độ ấy, cho dầu họ là những người sống gần Chúa hơn dân chúng.
“Tự biết được các môn đệ đang xầm xì ... ” “Xầm xì và lẩm bẩm” là căn bệnh lâu năm và mang tính di truyền của người Do Thái. Căn bệnh này lây từ Cựu Ước sang Tân Ước. Dân xưa xầm xì kêu trách suốt thời gian 40 năm thanh luyện nơi sa mạc. Dân nay thì lẩm bẩm trước những lời nói và việc làm của Đức Giêsu. Phản ứng của họ phần nhiều là khó chịu, là phản đối.
“Điều đó anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư ? ” Họ lấy làm chướng vì họ không tin nhận nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu. Người tự xưng mình là Bánh Trường Sinh đang khi họ biết rằng cha ông họ đã ăn Manna và đã chết. Người xưng mình từ trời xuống trong khi họ biết tông tích rõ ràng của Người là “con ông Giuse” (Ga 6, 42).
“Vậy nếu các người thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao ? ” Đức Giêsu sẽ cho họ một bằng chứng : Người sẽ thăng thiên, về nơi Người xuất phát. Bây giờ các ông không tin, nhưng mai rầy thấy Người phục sinh và lên trời, các ông sẽ tin.
“Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Bởi đây là lời Thiên Chúa ngỏ với loài người, lời có thần lực ban sự sống. Lời ấy dẫn con người đến suối nguồn chân lý, nơi ấy họ sẽ tìm gặp được sự sống đời đời.
“Vì từ đầu Đức Giêsu đã biết ...” Kiểu nói “từ đầu” ở đây không hiểu là Đức Giêsu đã biết trước Giuđa sẽ phản bội khi chọn ông, nhưng là biết sau khi đã sống với ông một thời gian. Điều này cho thấy Chúa tôn trọng tự do của Giuđa cũng như của mọi con người.
“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ? ” Đức Giêsu đòi nhóm mười hai tông đồ phải tỏ thái độ dứt khoát : chấp nhận hay không; theo hay bỏ.
“Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ... ” Phêrô thay cho anh em, với tư cách anh cả, để tuyên tín dứt khoát theo Chúa và tin nhận những gì Chúa nói. Ông tin nhận tất cả bởi ông tin vào thần tính của Thầy mình. Với Phêrô, Đức Giêsu chính là Đấng cứu thế được Cha sai đến trong trần gian.
Bảy mươi hai môn đệ được diễm phúc sống gần bên Chúa hơn dân chúng. Thế mà sau cùng cũng vấp ngã, cũng chẳng tin Chúa như dân. Họ không hiểu Chúa nói gì. Điều ấy có đánh động và làm cho anh em chúng ta giật mình không ? Anh em chúng ta được điễm phúc sống trong môi trường tràn đầy Chúa cùng biết bao ân thánh của Người. Cũng chính tại đây, chúng ta được học biết rất nhiều về Chúa, có nhiều cơ hội để gặp gỡ Người. Vậy niềm tin của chúng ta vào Chúa vững mạnh chưa ? Tới mức nào rồi ? Có hơn gì bao người không có điều kiện như chúng ta không ?
các môn đệ ngày xưa đã lấy làm chướng tai khi nghe Đức Giêsu nói về Bánh Trường Sinh. Họ không hiểu điều Chúa nói theo những lý lẽ thường tình mà họ biết. Họ không có con mắt đức tin thần linh, không có tâm trí hướng thượng để lãnh hội những chuyện cao thẳm. Anh em chúng ta có như thế không ? Lòng trí cứ lì ra với những gì sát đất thì làm sao có thể thanh thoát lên cao mà đón nhận những sự cao siêu được ? Nếp sống, lối nghĩ suy nặng tính thế trần sẽ là một cản trở lớn đặt giữa ta và giáo huấn Lời Chúa.
Đức Giêsu đã quả quyết “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống”. Vậy là một chủng sinh, người sẽ tiến đến chức linh mục, sẽ thi hành tác vụ rao giảng Lời Chúa cho muôn người, tôi đã làm những gì để làm giàu LỜI ấy nơi chính bản thân. Để rồi LỜI ấy trở nên sức sống mạnh mẽ trong tôi, để tôi xác tín và sẻ chia với người khác ?
Giờ này, Đức Giêsu cũng muốn hỏi mỗi người chúng ta như đã hỏi nhóm mười hai xưa “... muốn bỏ đi hay sao ? ” và Người muốn chúng ta có câu trả lời thật dứt khoát. Ta sẽ bỏ mọi sự để theo Người ? hay bỏ Người để theo mọi sự ?
Lúc này tôi có được tâm tình như Phêrô xưa để thưa với Chúa “Bỏ Thầy chúng con sẽ đi theo ai” không ? Tôi có mạnh mẽ xác tín rằng : chỉ có Đức Giêsu mới là Đấng duy nhất đáng để tôi theo không ?
Một câu chuyện minh họa : Nhà hiền triết Diogène đang ngồi ăn tối bằng đậu lăng. Nhà hiền triết Aristippe trông thấy. Ông này sống một cuộc đời phong lưu khá giả bởi vì ông biết nịnh bợ nhà vua.
Aristippe ngỏ lời : giá như huynh biết luồn cúi nhà vua, huynh sẽ không phải cam tâm ăn đậu lăng như thế đâu ?
Diogène đáp : Giá như huynh biết bằng lòng với việc ăn đậu lăng thì huynh sẽ không phải luồn cúi nhà vua.
Bài học suy tư
Đứng trước hai thái độ, hai lối phản ứng của cử toạ trong bài Tin Mừng hôm nay, tôi thấy mình có thái độ và phản ứng của nhóm nào ? Tại sao ?
Ý tưởng hay
Chỉ khi có niềm tin ta mới có thể lãnh hội được những gì thuộc thực tại trời cao. Trái lại, nếu không tin gì, suốt đời ta chỉ luẩn quẩn với những sự sát đất