Suy tư - Chia sẻ

Thiên Chúa một dạ xót thương

Cập nhật lúc 13:27 28/03/2024
Chúa nhật II Phục sinh, năm B; Bài đọc 1: Cv 4,32-35; Bài đọc 2: 1 Ga 5,1-6; Tin Mừng: Ga 20,19-31
Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.
Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.

Ngày 30/4/2000, Chúa nhật đầu tiên sau Lễ Phục sinh, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho nữ tu Faustina Kowalska. Trong bài giảng, ngài mong muốn rằng: “Chúa nhật thứ hai sau lễ Phục sinh… từ nay trên toàn thế giới sẽ được gọi là ‘Chúa nhật lòng Chúa thương xót’”.
Cùng với mong muốn của Đức Gioan Phaolô II, vào ngày 5/5/2000, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã ban hành sắc lệnh chính thức thiết lập Chúa nhật thứ hai Phục sinh là “Chúa nhật lòng Chúa thương xót”, để tôn vinh lòng Chúa thương xót, tôn vinh tình thương vô hạn của Chúa dành cho nhân loại.
Thiên Chúa luôn dang rộng lòng thương xót cho tất cả những ai xin, Ngài ban ơn tất cả, tha thứ tất cả, luôn đỡ nâng chúng ta lên. Thiên Chúa là một người cha ân cần, chu đáo, sẵn sàng đón nhận bất cứ người nào dịch chuyển một bước hay có ước muốn dịch chuyển một bước về phía Ngài. Lòng thương xót thì luôn luôn dư đầy cho tất cả những ai tiến lại gần Ngài và không gì có thể làm giới hạn lòng thương xót. Càng gần Thiên Chúa, chúng ta sẽ càng được an vui và hạnh phúc viên mãn. Chúng ta hãy để cho lời Chúa hướng dẫn, soi sáng suốt cuộc đời chúng ta.
Bài đọc thứ nhất là bản tóm lược thứ hai về sinh hoạt cộng đoàn tín hữu ở Giêrusalem. Đặt sinh hoạt này vào bối cảnh sau khi các Tông đồ gặp khó khăn, tác giả nhấn mạnh tính Giáo hội của tín hữu: một lòng một ý với nhau, tự ý chia sẻ của cải vật chất cho những anh chị em túng thiếu đang cần đến của cải. Tình tương thân tương ái giữa các tín hữu là kết quả tình liên đới huynh đệ. Chính vì niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh, mọi người coi nhau là anh em, là bạn hữu thật của nhau. Nhờ vậy, mà trong cộng đoàn không ai túng thiếu.
Mỗi tín hữu được mời gọi sống tinh thần như vậy; sẵn sàng đỡ nâng anh chị em mình, kể cả khi họ không xin. Khi chúng ta càng cho đi, chúng ta càng là Kitô hữu, khi ta càng trao ban chúng ta càng giống Chúa. Làm được như thế là chúng ta đang làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh. Chúa sẽ ban cho chúng ta đủ ơn thánh để chúng ta thực hiện được điều Ngài muốn. Sống lòng thương xót là không để ai sống bên cạnh mình thiếu thốn, luôn biết phân phát ơn mình lãnh nhận cho tha nhân, nhạy cảm trước nỗi khốn cùng của đồng loại. Còn khi ta chưa làm được điều đó, ta chưa phải là Kitô hữu đúng nghĩa.
Nơi bài đọc thứ hai, thánh Gioan trong thư thứ nhất nói với mỗi chúng ta rằng lòng yêu mến đối với Thiên Chúa là Cha đòi hỏi phải có lòng yêu thương đối với anh chị em mình cùng một Cha. Nếu các tín hữu yêu mến Thiên Chúa, thì họ sẽ thi hành các điều răn của Người, trong đó có lòng yêu thương anh chị em. Như thế, lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và sự tuân giữ các điều răn của Ngài là tiêu chuẩn chắc chắn bảo đảm lòng yêu thương anh chị em mình (x. c.2).
Hình ảnh Nước nhắc lại phép rửa của Chúa Giêsu tại sông Giođan và Máu làm chúng ta nhớ đến cái chết của Người trên Thập giá. Đồng thời, nước và máu gợi lại biến cố Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Ở đây, máu và nước được liên kết chặt chẽ với nhau: thân xác Chúa Giêsu đã chết (máu) và được tôn vinh trở nên nguồn mọi ân huệ thiêng liêng của Chúa Thánh Thần đem lại sự sống mới cho tất cả những ai tin. Hai hình ảnh này tượng trưng cho bí tích Thánh tẩy và bí tích Thánh thể của Giáo hội. Sự sống mới được thông ban cho các tín hữu qua các bí tích vừa nhắc đến.
Thiên Chúa một dạ xót thương được thể hiện qua dòng lịch sử nhân loại. Mỗi biến cố trong cuộc đời của từng người, Chúa vẫn luôn dõi theo để ban bình an, niềm vui cho chúng ta, cả trong những biến cố đau khổ, sợ hãi nhất, Thiên Chúa luôn dang rộng tay ôm lấy và nâng chúng ta lên.
Trong bài Tin Mừng, khi các môn đệ đang sống trong lo âu, sợ hãi, có nguy cơ tan rã, thì lúc ấy Chúa đến trao bình an cho các ông; lòng các ông bừng sáng lên, các ông vui mừng vì được nhìn thấy Chúa (c.20). Người lặp lại điều ấy với các ông “bình an cho anh em” và từ đó Người cũng trao cho các ông sứ vụ loan báo tình thương, loan báo tin mừng, loan báo ơn tha thứ, ơn ơn cứu độ cho tất cả mọi người (c.21.23).
Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người (St 2,7) và ban sự sống. Nay, Chúa Giêsu sống lại cũng thổi Thần khí vào các môn đệ (x.c 20,23). Các ông nhận lấy Thánh Thần của Người để lại thông truyền sự sống ấy cho những ai tin vào Người nhờ sứ mạng của các ông, nhận lãnh và trao ban. Đó là công cuộc tạo thành mới do Chúa Kitô sống lại thực hiện nhờ Thánh Thần, trong và qua các môn đệ. Chúa Giêsu được ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa bỏ tội trần gian (x. Ga 1,29). Sứ mạng của Chúa Giêsu nhắm mục tiêu xóa bỏ tội lỗi, ban ơn tha tội. Các môn đệ sẽ tiếp tục sứ mạng của Thầy mình là sứ mạng ban ơn tha tội. Quyền năng mà các ông lãnh nhận, được liên kết với Thánh Thần là Đấng thanh luyện và ban sự sống...
Khi mừng lễ Chúa thương xót, chúng ta cùng với thánh nữ Faustina Kowalska và thánh Gioan Phaolô II thưa với Người: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Người”. Chúng ta hãy trở thành hiện thân của lòng Chúa thương xót qua đời sống chứng tá của mình, sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng nâng đỡ nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau. Lễ Lòng Chúa Thương Xót là sự tiếp nối của việc cử hành Lễ Phục sinh; như thánh Gioan Phaolô II đã từng nhận định, là “món quà Phục sinh” của Chúa Giêsu Kitô cho thế giới.
Linh mục Phêrô Võ Quế An
Thông tin khác:
Gặp gỡ Chúa Phục sinh (28/03/2024)
Đấng bị đóng đinh đã sống lại (27/03/2024)
Cha khát (27/03/2024)
Đau khổ dẫn đến ơn cứu độ (20/03/2024)
Yêu thương và hy sinh (20/03/2024)
Đôi nét về Kinh cầu Thánh Giuse (07/03/2024)
Mùa Chay - Những tập tục và truyền thống (07/03/2024)
Trở nên gánh nặng (07/03/2024)
Chết đi để nảy sinh sự sống mới (07/03/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log