Suy tư - Chia sẻ

Tin và được chữa lành

Cập nhật lúc 14:59 18/08/2020
Để được chữa lành, chúng ta cần đến đức tin. Chân phước Charles de Foucauld đã viết: “Đức tin có thể làm được mọi sự và làm cho các từ như lo lắng, sợ hãi, nguy hiểm, trở nên vô nghĩa, đến nỗi người tín hữu sống bình an, yên hàn, có niềm vui sâu xa, như đứa bé nắm lấy tay mẹ nó”. Sẽ bi thảm biết bao, nếu chúng ta coi thường đức tin.


Để được chữa lành, chúng ta cần đến đức tin. Chân phước Charles de Foucauld đã viết: “Đức tin có thể làm được mọi sự và làm cho các từ như lo lắng, sợ hãi, nguy hiểm, trở nên vô nghĩa, đến nỗi người tín hữu sống bình an, yên hàn, có niềm vui sâu xa, như đứa bé nắm lấy tay mẹ nó”. Sẽ bi thảm biết bao, nếu chúng ta coi thường đức tin. Thánh Phaolô viết cho Timôthê: “Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa… hãy gắng trở nên người giàu lòng tin… hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin” (x. 1Tm 6,11-12). Chúng ta tin Chúa vẫn tiếp tục dạy dỗ chúng ta trong Kinh Thánh, trong truyền thống của Hội Thánh, tin Chúa vẫn thực hiện bao điều tốt đẹp trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta được chữa lành, là vì nhờ chúng ta tin.
Bài đọc thứ nhất cho ta thấy, theo não trạng thời đó, luật Do thái loại trừ khỏi cộng đồng phụng tự những người nước ngoài. Ngôn sứ quả quyết rằng những sự loại trừ như thế không có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Nhà của Ta sẽ được mọi dân tộc gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân, (dịch sát: của mọi dân tộc). Đây là một định nghĩa rất gọn và rất sâu của từ “đền thờ”, cho thấy hai sự kiện: cầu nguyện quan trọng hơn lễ tế, và tất cả mọi dân tộc đều được mời gọi tham dự vào. Trong vài trường hợp nghiêm trọng, Đức Giêsu sẽ trưng dẫn những câu theo ý này.
Vào bài Tin Mừng, tác giả cho ta dữ kiện địa lí vùng Tia và Xiđôn: Đức Giêsu muốn âm thầm lui về miền ngoại giáo này. “Đức Giêsu đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết” (Mc 7,24); có thể là để tránh sự dòm ngó của nhóm Pharisêu cũng như sự nồng nhiệt của quần chúng sau vụ hóa bánh ra nhiều (Ga 6,15). Nhưng ta có thể đọc ra một ý nghĩa thần học từ những địa danh này: Dân Do thái từ chối ơn cứu độ thì dân ngoại được hưởng.
Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! (c.22). Thánh Mátthêu muốn ngụ ý rằng, sở dĩ người đàn bà ngoại giáo biết tuyên xưng Đức Giêsu là Con vua Đavít là vì bà đã đi ra khỏi miền dân ngoại và chỉ trong đất Ixraen bà mới được Chúa thi ân. Đây cũng là lí do tại sao Người không đáp một lời. Nhưng sự im lặng ban đầu của Chúa còn để tăng cường lòng tin khiêm tốn của bà. Quả thật, bà đã nhìn nhận quyền ưu tiên của người Ixraen trên dân ngoại.
Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ixraen mà thôi. Sinh thời, Đức Giêsu chỉ giảng cho người Do thái (x. Rm 15,8), những người thừa kế các lời hứa, cho nên được gọi là con cái (x. Rm 9,5); khi sai các môn đệ đi, Chúa cũng giới hạn việc rao giảng của họ trong lãnh thổ Ixraen (10,5-6). Khi trả lời các môn đệ như vậy, Ngài muốn muốn nói gì? Trước hết, Đức Giêsu muốn thử lòng tin của bà, là từ chối trước, rồi nhận lời sau, bà vẫn một lòng tin cậy. Và Ngài coi mình đúng là người được sai đến với Ixraen trước. Nhưng khi nhận lời bà như thế, gián tiếp, Ngài tiên báo rằng dân ngoại cũng sẽ được hưởng ơn cứu độ. Những con chiên lạc nhà Ixraen còn có hai nghĩa: thứ nhất, toàn thể dân Ixraen, như Đức Giêsu đã nói: “Tốt hơn hãy đến với các con chiên lạc nhà Ixraen” (10,6); hai là, những người tội lỗi trong dân Ixraen, như Ngài đã nói: “Người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là chín mươi chín con không bị lạc” (18,13)
Qua việc chữa lành con gái của bà xứ Canaan còn nhắc cho mỗi người, đôi khi ta xin được chữa lành về căn bệnh về thể xác, ít khi xin Chúa chữa lành căn bệnh thiêng liêng trong ta. Tin và được chữa lành đó là điều mà nhiều người đã cảm nhận được khi lãnh nhận một ơn nào đó. Điều quan trọng vẫn là tin. Người tin, khi cầu nguyện cùng Chúa để xin ơn, thì họ đã được lãnh nhận ơn mà họ chưa thốt ra. Ta cũng nên biết rằng niềm vui được khỏi bệnh phần xác nó sẽ mau qua, còn niềm vui được khỏi bệnh phần hồn nó kéo dài mãi.
Trở lại với bài đọc thứ hai, thánh Phaolô nói với tín hữu Rôma: Việc người Do thái đón nhận Tin Mừng, đối với họ, là bước từ tình trạng chết sang tình trạng sống. Có thể ám chỉ đến việc họ được kết hợp với Đức Kitô trong phép thánh Tẩy (6,4), “từ cõi chết bước vào cõi sống”. Và “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người”, với một câu kết luận đầy lạc quan, một trong những câu đẹp nhất trong Kinh Thánh. Hết thảy mọi người, cả Do thái lẫn Hi Lạp, đều đã là những người bất tuân phục Thiên Chúa. Nhưng chính Thiên Chúa lại dùng ngay thái độ bất tuân ấy để tỏ cho hết thảy mọi người thấy lòng nhân từ và thương xót của Người.
Nước Thiên Chúa được thiết lập tại dương thế. Trong Giao Ước mới, Đấng lãnh đạo Nước này là Đức Giêsu Kitô. Người thiết lập Nước Trời và là những người con được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa.
Người mẹ xứ Canaan ý thức được điều này. Bà nói: “Thưa Ngài, lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (15,27). Con gái bà bị bệnh gần như vô phương cứu chữa; thiên hạ thì cho là có tội nặng lắm mới mang bệnh nặng như vậy. Vì thế bà phải vượt ranh giới và vào đất Ixraen tìm thầy tìm thuốc.
Lòng bà tin cậy và miệng bà kêu lên. Lòng ấy, miệng ấy đã gạt bỏ quan niệm và cách làm tiêu cực của thời ấy. Đức Giêsu đã nhậm lời và liền sau đó con gái bà được chữa lành, theo ý bà xin. Một khi Chúa đã ban ơn, thì Người không hề đổi ý (x. Rm 11,29). Xin Chúa thêm lòng tin cho chúng con và củng cố đức tin chúng con thêm vững mạnh. Vì không có đức tin chúng con tự đưa mình vào chỗ sa ngã; không có đức tin, mọi sự không còn ý nghĩa, không còn động lực, không còn lí do để vươn lên. Có đức tin, mọi sự đều có ý nghĩa. Vì một khi tin vào Thiên Chúa là ta sẽ thấy rằng cuộc đời có một ý nghĩa.
Tu sĩ Phêrô Lôrensô Võ Qúi An
Thông tin khác:
Chúa ở cùng con (17/08/2020)
Đức tin nâng chúng ta lên (14/08/2020)
Kẻ đợi chờ (13/08/2020)
Chính anh em hãy cho họ ăn (12/08/2020)
Đọc những lá thư Chúa gửi cho tôi (11/08/2020)
Vinh quang của linh mục (30/07/2020)
Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa (27/07/2020)
Hãy là cây thánh giá sống động (27/07/2020)
Lời Chúa là niềm hy vọng (24/07/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log