Chúng ta phải tập luyện để đừng sợ hãi bất cứ một điều gì trong cuộc đời vì Thiên Chúa đã chiến thắng tất cả. Ảnh: CTV |
Hãy sống trong niềm hy vọng và trung thành bước trên con đường mà Chúa đã đặt ra, để đem lại kết quả cuối cùng là sự vui mừng! Giữ vững hy vọng đó đến cuối cùng. Phải chăng niềm hy vọng đó chính là hạt giống Lời Chúa? Vậy, phải làm sao để hạt giống Lời Chúa được sinh sôi nảy nở khi mà tâm hồn chúng ta đang phải lo sợ chống chọi với những khó khăn của cuộc sống?
Trước hết, Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay được ví như hạt giống trong Dụ ngôn “Người gieo giống”. Trong đó, Thiên Chúa là người gieo giống. Tâm hồn con người là những mãnh đất để hạt hạt giống Lời Chúa gieo vào. Nhưng hạt giống có phát triển hay không cần phải có những yếu tố thiên nhiên và con người. Như ngôn sứ Isaia trong Bài đọc I: Lời Chúa còn được ví như mưa với tuyết thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc và cũng là những điều kiện thiết yếu cho hạt giống lớn lên. Ngoài ra, để nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái, hạt giống còn cần có ánh sáng nữa. Thiên Chúa chính là ánh sáng. Như vậy, Lời Chúa vừa là hạt giống, vừa điều kiện thiết yếu làm cho hạt giống nầy mầm. Vì thế, Lời Chúa là chính là hạt giống và cũng là nguồn sự sống, là nguồn hy vọng cho mỗi người Kitô hữu chúng ta. Như trong bài đọc hai thánh Phaolô đã viết: “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người”. (Rm 8, 19)
Với niềm hy vọng đó, Chúa Giêsu đưa ra Dụ ngôn Người Gieo Giống: (Mt.13:1-9). Dụ ngôn cho chúng ta thấy: Hạt giống được người gieo giống gieo vào những nơi khác nhau như: bên vệ đường, đất sỏi, bụi gai, đất tốt. Nhưng kết quả: chỉ có mảnh đất tốt đón nhận hạt giống, mới sinh hoa kết quả: “Hạt sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm". Như vậy, người gieo hạt giống ở đây chính là Đức Giêsu Kitô. Hơn nữa, Ngài đến trần gian rao giảng Tin Mừng Nước Trời, gieo Lời của Ngài vào lòng chúng ta. Thế nhưng, thái độ đón nhận hạt giống Lời Chúa nơi con người hoàn toàn khác nhau. Có người thì đón nhận, lại cũng có người thì từ chối. Tùy vào thái độ của mỗi người, Lời Chúa sẽ sinh những hiệu quả khác nhau.
Mảnh đất tâm hồn mỗi người chúng ta phải làm gì để hạt giống Lời Chúa được phát triển và sinh nhiều bông hạt? Chúng ta phải thanh tẩy tâm hồn, qua sinh hoạt đời sống gia đình, cộng đoàn, giáo xứ của chúng ta, để trở thành những mảnh đất tốt, để đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa sinh hoa kết quả. Qua kinh nghiệm cuộc sống cho con người thấy được chỉ có đời sống tâm linh mới làm thỏa mãn những mong ước của con người. Vì thế, đời sống tâm linh rất cần hạt giống Lời Chúa.
Trong đời sống đạo hôm nay cha mẹ, con cái mấy khi đọc kinh chung hay chia sẽ Lời Chúa trong gia đình. Bởi vì con người ngày nay chỉ biết lo đi tìm tri thức và vật chất cho mình để mà thỏa mãn những đáp ứng và nhu cầu của cuộc sống mà quên đi Lời Chúa. Quên Lời Chúa chính là nguồn sống, nguồn hạnh phúc tối hậu của con người. Chính Lời Chúa là niềm hy vọng nơi con người.
Cần phải biết chuẩn bị tâm hồn, xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng mỗi khi chúng ta tiếp xúc với Lời Chúa. Cần lắng nghe và có thời gian nghiền ngẫm, suy niệm Lời Chúa, để nhận ra điều Chúa muốn nói với chúng ta trong cuộc sống. Để khi nhận ra Thánh ý Chúa, chúng ta cần đem Lời Chúa áp dụng vào cuộc sống của mình. Đừng để những lo lắng, ưu tư cuộc sống, những đam mê hưởng thụ trần gian làm chúng ta quên tầm quan trọng của việc lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày.
Tóm lại, niềm hy vọng Thiên Chúa đã đặt nơi con người. Ngài luôn hy vọng và tin tưởng ở con người. Chính niềm hy vọng đó sẽ giúp chúng ta vượt qua được những khó khăn, thử thách để hướng đến đời sống vĩnh cửu mai sau trên thiên đàng. Một lần nữa, những hình ảnh trong Dụ ngôn, Lời Chúa mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta phải biết sửa đổi, biến đổi và sám hối con người tội lỗi của mình trở thành mảnh đất tốt để Lời Chúa sinh hoa kết trái. Lời Chúa cần phải được gieo vãi khắp nơi. Như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 14). Ánh sáng Lời Chúa này, đem lại niềm hy vọng cho nhân loại qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Noi gương Chúa Giêsu mỗi người chúng ta đi gieo hạt giống Lời Chúa, gieo hy vọng và gieo yêu thương đến cho mọi người. Để cứ dấu này người ta nhận biết chúng ta la môn đệ của Chúa Giêsu.