Mỗi Mùa Vọng là một thời điểm hoán cải. Ta trở lại như hoa hướng dương hướng về ánh nắng mặt trời để đón tiếp Đấng mà Thiên Chúa Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô. Người là Đấng đã đáp trả cho những sự trông đợi của các ngôn sứ. Isaia đã loan báo “phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan” (Is 63,19b). Còn thánh Phaolô lại nhạy cảm hơn đối với chuyện gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô. Cuộc gặp gỡ đó sẽ là cuộc gặp gỡ chung của ngày Chúa quang lâm, ngày Chúa mặc khải vinh quang (x. 1Cr 1,6-7). Sự chờ đợi đó cũng là thái độ của người tỉnh thức.
Ngày hôm nay, ta phải sống một cách vui vẻ và chu toàn bổn phận với niềm hy vọng: “Chúa không trì hoãn giữ điều đã hứa như có kẻ vẫn nghĩ, song Người kiên nhẫn đối với anh em, vì chẳng muốn ai phải hư đi, nhưng là hết thảy có phải biết hối cải. Tuy nhiên ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm... Vì vậy anh em phải có đời sống thánh thiện biết bao...” (2Pr 3,9-12).
Đức Giêsu đã khuyên nhủ các môn đệ “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13,33). Một Kitô hữu không còn biết nhạy cảm trước sự chờ đợi Chúa Kitô lại đến sẽ mất tất cả khí lực. Họ là những Kitô hữu vì một quá khứ nào đó hơn là Kitô hữu vì một tương lai đang đến.
Chờ đợi Chúa Kitô đến, đó là việc mà cả vũ trụ, nhân loại, mọi con người đang làm dù có thể không ý thức! Mọi phương hướng để chỉ tiến bước đến điểm hẹn với Chúa Kitô Giêsu. Bởi vì, mọi sự chỉ được hoàn thành trong Chúa Giêsu Kitô, chỉ làm nên một thân thể với Người.
Có kẻ trông chờ Chúa đến như người Do thái thời xưa Người Dothái đã nóng lòng trông chờ Đấng Cứu Thế, vị cứu tinh tới, như mảnh đất khô cằn mong chờ mưa xuống, như tôi tớ chờ đợi gia chủ. Tuy nhiên khi Đấng họ chờ đợi đến thì họ lại không nhận ra, bởi vì Người đã tới với một cung cách không như họ tưởng, đã làm những cái không như họ muốn.
Trong lúc họ chờ đợi một vị Cứu tinh tới với tất cả sự oai phong, lẫm liệt và đem dân Dothái lên đài vinh quang, bá chủ thiên hạ; thì Người lại đến trong cảnh nghèo nàn và mở rộng tay đón tiếp mọi người, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ. Họ chờ đợi vị Cứu tinh tới để chuẩn y cho lòng đạo đức của họ, cho Đền thờ, thế mà Người lại tuyên bố những kẻ họ cho là tội lỗi là đáng loại đi sẽ vào Nước Trời trước họ... Do đó, chờ đợi còn có nghĩa là thay đổi; thay đổi quan niệm, tâm não, lòng trí; thay đổi cái nhìn để mặc lấy cái nhìn của Chúa Kitô, hầu đi vào trong chương trình, trong trật tự Người đã khởi sự xây dựng và sẽ hoàn tất trong ngày Người lại đến “vậy anh em phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến” (Mc 13,35).
Vì vậy, Đức Giêsu luôn luôn mời gọi người tín hữu chúng ta hãy chăm chú theo dõi: Hãy canh thức, bởi vì Chúa đến mỗi ngày. Tỉnh thức là chăm chú theo dõi như con vật đang rình mồi. tỉnh thức không có nghĩa là tích lũy các hệ thống an ninh, đạt hàng rào kẽm gai chung quanh nhà để tránh cướp. Không. Tỉnh thức là ở trong tư thế sẵn sàng để hành động; tỉnh thức ngay cả những quan niệm sống của mình mỗi ngày. Canh thức ngược lại với thái độ cẩu thả bừa bãi, vô tâm, nhu nhược. sau khi sự việc sảy ra thì buột miệng nói: “giá như tôi biết trước” chẳng hạn. Lúc đó thì đã quá muộn vì chúng ta đã được Chúa bào trước là hãy luôn luôn tỉnh thức. Cho nên, việc tỉnh thức ban đêm của người gác cửa là rất quan trọng. Mỗi người chúng ta là một người gác cửa để sẳn sàng chờ đợi Chúa đến. Thánh lễ chính là cao điểm của cuộc gặp gỡ giữa Chúa và ta, là lúc Chúa đến đứng giữa lòng ta và gõ cửa tâm hồn. Còn chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để gặp Chúa, để mời Người ngự vào lòng mình một cách thật sự hay chưa ?