1.
Khủng bố đang là một thời sự nóng. Danh từ khủng bố được dùng và được hiểu một cách rất tuỳ tiện. Nhưng chung chung, hễ nghe đến từ khủng bố, thì tự nhiên ai cũng nghĩ đến một hình ảnh tội ác, xấu xa, gây sợ hãi, nhắm vào mục đích xâm phạm con người, phá rối trật tự và thách thức luật pháp.
2.
Nhưng, nhiều khi kẻ khủng bố lại nghĩ mình làm việc đạo đức. Vì mục đích bảo vệ chân lý, và để hy sinh cho một lý tưởng tốt đẹp.
Kẻ chống khủng bố tất nhiên nói là mình chống khủng bố vì lý do đạo đức. Thành ra khủng bố và chống khủng bố đang là làn sóng dâng cao và lan rộng, do những động lực khác nhau.
3.
Dâng cao và lan rộng bằng cách dùng vũ khí, bằng cách dùng các phương tiện thông tin, bằng cách gây dư luận với những đồn đoán tuỳ tiện, bằng cách dùng luật pháp cách này cách nọ. Dùng ngòi bút, dùng cái lưỡi để khủng bố, đó là cách khủng bố phổ thông hiện giờ, khiến khủng bố trở thành một dịch bệnh lây lan đều khắp.
4.
Một tình hình như thế báo trước những điều không lành. Hận thù tăng thêm. Niềm tin sút giảm giữa những con người. Thành kiến càng nặng nề thêm. Một cuộc chiến tranh tâm lý chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh bằng vũ lực.
Tình hình như thế là rất nguy hiểm. Tôi phải làm gì?
5.
Vâng Lời Chúa dạy trong Phúc Âm, tôi cần phải tỉnh thức và cầu nguyện. Hơn bao giờ hết, tôi nghe Chúa Giêsu tha thiết nói với tôi lời, mà Người đã nói với ba Tông đồ của Người xưa tại vườn Cây Dầu: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,38). Chúa Giêsu nói lời đó, khi chính Người đang bị khủng bố một cách ghê gớm.
6.
Tôi cầu nguyện, tôi tỉnh thức với hết lòng cậy tin phó thác. Nhờ ơn Chúa mà thôi. Chứ “tinh thần thì hăng hái, còn thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41). Rất nhiều khi, cầu nguyện tôi cũng không làm nổi, tỉnh thức tôi lại càng không sao thực hiện được.
7.
Khi cầu nguyện và tỉnh thức được bắt đầu tốt, rồi được bắt đầu lại nhiều lần nhờ ơn Chúa, tôi nhận được một ánh sáng mới. Ánh sáng ấy đến từ Chúa. Nội dung mà ánh sáng đó đem lại cho tôi, là một sự thực có sức cứu độ.
8.
Sự thực đó đã được thánh Phaolô Tông đồ nói lên một cách thảm thiết: “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi lại làm...
Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: Khi tôi muốn làm sự thiện, thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi ưa thích về luật của Chúa. Nhưng trong chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí, và giam cầm tôi bằng luật của tội là luật vẫn nằm trong các chi thể của tôi.
Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,18-25).
9.
Sự thực, mà thánh Phaolô đã nói trên đây, được diễn tả lại nơi tôi một cách cụ thể thế này: “Chống lại kẻ ác bằng sự lành thì tôi thực có muốn. Nhưng chống lại kẻ ác bằng bất cứ cách nào, kể cả bằng những việc rất ác, thì đôi khi tôi cũng muốn.
Tôi phải chiến đấu với chính mình, để không trở thành kẻ ác, khi chống lại kẻ ác”.
10.
Được soi sáng về cuộc chiến đấu như thế, tôi luôn noi gương thánh Phaolô mà bám chặt vào Chúa Giêsu.
Khi có Chúa Giêsu ở trong tôi, tôi như quên đi việc phải thắng thua đối với những ai khủng bố mình và Hội Thánh mình, nhưng chỉ muốn cho tình yêu xót thương của Chúa thắng hết mọi thù hận, ghen ghét.
11.
Từ nhận thức đó, Chúa dạy tôi hãy sám hối về những lỗi lầm của mình, của cộng đoàn mình, của Hội Thánh mình, của cả nhân loại, vì đã không vâng Lời Chúa, mà tỉnh thức đủ và cầu nguyện đủ, nên đã sa vào nhiều chước cám dỗ. Nhất là trong những tình hình phức tạp, tối tăm, hỗn loạn, mà cứ nông nổi vội tin, vội nói, hùa theo phong trào khủng bố này và chống lại khủng bố nọ một cách vô trách nhiệm.
12.
Tôi rất mừng là tinh thần sám hối đang âm thầm phát triển mạnh tại nhiều nơi trong Hội Thánh nói chung, và tại Việt Nam nói riêng.
Với tinh thần sám hối đó, tôi nghĩ rất nhiều người sẽ góp phần không nhỏ vào việc cứu thế giới. Không phải là cứu khỏi những hiểm hoạ làm mất hạnh phúc trần gian, mà là cứu khỏi những hiểm hoạ làm mình bỏ Chúa, để bị sa xuống hoả ngục đời đời.
13.
Chính vì vậy, mà tinh thần sám hối đòi hỏi phải có những việc đền tội, cho dù việc đền tội có thể sẽ là những biến cố đau đớn, gây nên tàn phá khủng khiếp. Vừa là để đền tội, vừa là để chừa tội, nhất là vừa để biết vâng theo thánh ý Chúa.
14.
Thánh ý Chúa nơi tôi là sự tôi để Chúa hoàn thành nơi tôi dung mạo của Chúa Giêsu. Thánh ý Chúa nơi tôi là tôi cộng tác vào cộng đoàn tôi sống, để tất cả mọi người cùng được nên giống Chúa Giêsu trong nếp sống, trong yêu thương, trong phục vụ.
15.
Lời thánh Phaolô trên đây là một hướng về thánh ý Chúa: “Anh em đừng có rập theo thói đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới bản thân, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa: cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12,2).
16.
Với những suy nghĩ trên đây, tôi có cảm tưởng là Chúa đang đi tìm tôi, Chúa đang đi tìm chúng ta. Tìm để kêu gọi chúng ta trở về với Chúa. Chỉ trở về với Chúa, vâng phục ý Chúa, chúng ta mới tránh được một cuộc khủng bố ghê gớm, kéo dài đời đời trong hoả ngục ở cõi sau do Satan thực hiện.
17.
Cũng với những suy nghĩ trên đây, tôi xác tín là tình hình khủng bố hiện giờ đang dâng cao và đang lan rộng, sẽ không cuốn chúng ta vào vòng xoáy hận thù, làm chúng ta phí thời giờ vào những chuyện chỉ gây căng thẳng, nhưng trái lại, tình hình này đang là cơ hội, để chúng ta vượt qua thử thách, mà trở về con đường dẫn tới Chúa là tình yêu thương xót.
18.
Cũng nhờ vậy, khi có những khủng bố đe doạ đến ích chung, chúng ta sẽ biết có những lựa chọn đối phó hợp với ý Chúa, bằng đúng việc, đúng cách, đúng lúc, đúng người, đúng nơi.
Để có những lựa chọn như thế, chúng ta phải thực sự mến Chúa trên hết mọi sự, và phải thực sự yêu thương người khác như Chúa yêu thương chúng ta.
Long Xuyên, ngày 27/11/2015
ĐGM GB. Bùi Tuần