Suy tư - Chia sẻ

Từ đạo Công giáo ở Việt Nam đến đạo Công giáo Việt Nam

Cập nhật lúc 14:21 17/01/2023
Trải qua gần 500 năm đạo Công giáo được truyền đến ở Việt Nam với không ít thăng trầm, ngày nay đạo Công giáo Việt Nam đang ngày càng gắn bó với Tổ quốc, chung tay cùng Nhân dân cả nước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đạo Công giáo ở Việt Nam

Đạo Công giáo được du nhập từ phương Tây vào Việt Nam từ giữa thế kỷ XVI. Dù sinh trưởng ở Trung Đông nhưng khi qua châu Âu nó lại mang đậm văn hóa, văn minh của châu lục này. Khi đến Việt Nam, tôn giáo này cũng đem luôn khuôn mặt châu Âu vào đất nước hình chữ S. Những nét đẹp từ văn minh, văn hóa phương Tây như lối kiến trúc mới lạ, nghệ thuật hội họa Phục Hưng độc đáo, kỹ thuật in ấn báo chí, sách vở, âm nhạc tân kỳ, những lễ hội, phụng vụ lạ của một tôn giáo mới làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam nhưng nó cũng làm cho tôn giáo này xa lạ với người Việt. 
Người dân thấy lạ với những ngôi nhà thờ với tháp chuông nhọn kiểu gotich hay vuông cao vút kiểu kiến trúc Roman ở giữa phố thị hay giữa làng quê khác hẳn với mài đình, chùa thấp nhỏ ở nơi heo hút núi rừng thay chốn núi non tĩnh mịch. Rồi những tranh, tượng theo phong cách thời Phục Hưng. Đẹp thì rất đẹp nhưng thấy không quen mắt vì hình ảnh trong tranh hay tượng lại là khuôn mẫu người phương Tây với mái tóc xoăn bồng bềnh, phụ nữ thì môi son đỏ chứ không như môi nâu kiểu ăn trầu Việt Nam. Trong âm nhạc cũng thế, nhà thờ dùng tân nhạc với 7 nốt và đệm bằng các nhạc cụ mới như acmonium, phong cầm, violon. Lại còn các đội kèn đồng với đồng phục như nhà binh xuất hiện trong các cuộc rước, lễ. Ngôn ngữ dùng trong Phụng vụ là tiếng Latinh:
Các thầy đọc tiếng Latinh
Các cô con gái thưa kinh dịu dàng.
Các tên thánh toàn là tiếng nước ngoài như Vincente, Bênêđictô, Augustino, Dominico… Thậm chí khi gia nhập đạo Công giáo, người ta cũng gọi nhau bằng tên thánh chứ không còn giữ tên cha mẹ sinh ra nữa. Cho nên có một vị được phong Chân phước cũng không rõ tên thật là gì mà gọi là Anrê Phú Yên vì quê ở tỉnh Phú Yên. Linh mục Thiện Cẩm nhận xét:
“Có người nói, chúng ta bảo hoàng hơn vua, trung thành với Rôma hơn Đức Giáo hoàng. Chúng ta trung thành với truyền thống Giáo hội Tây phương hơn chính người phương Tây. Bảo vệ những quan điểm thần học lạc hậu mà chính họ đã thoát khỏi. Duy trì những nghi thức và cách diễn tả Phụng vụ Tây hơn cả Tây. Còn đời sống của Kitô hữu chúng ta còn quá hình thức, chỉ chú trọng đến bên ngoài”.
Vì là tôn giáo độc thần nên Công giáo không chấp nhận bất cứ thần thánh, tín ngưỡng tôn giáo nào khác. Khi vào Việt Nam, ngay cả giáo sĩ Alexandre de Rhodes- một người được coi là tiến bộ cũng gọi tất cả các tôn giáo có mặt ở nước ta lúc đó là “đạo rối”, là “tà thần”. Ông nhận xét:
“Mặc dù có nhiều người rao giảng giáo lý Phúc âm cho những nước lương dân chủ trương, trước hết phải hủy diệt sai lầm tà giáo và làm cho tâm trí từ bỏ những quan niệm mơ hồ trước khi xây dựng và giảng dạy những nguyên lý của Kitô giáo. Thế nhưng theo kinh nghiệm, tôi chọn phương pháp giáo huấn cho các dân nước này, nghĩa là không chống đối những sai lầm của các giáo phái Đàng Ngoài”.
Vậy mà ông cũng dứt khoát không cho một thầy lang ở Thanh Hóa, dù có công chữa cho ông khỏi bệnh sốt rét nhưng vì chưa phá bỏ bàn thờ ông tổ nghề y cũng không được gia nhập đạo. 
Tranh cãi về nghi lễ phương Đông ở Việt Nam không trầm trọng như bên Trung Quốc nhưng cũng làm cho nhiều gia đình phải chia rẽ, mâu thuẫn khi có người gia nhập đạo Công giáo. GS Nguyễn Khắc Dương- xuất thân từ một gia đình Nho gia ở Nghệ Tĩnh đã kể lại:
“Vừa trông thấy tôi, bà gần như chồm tới và gần như ngã quỵ ôm lấy chân tôi khóc nức nở mà than rằng: Cháu ơi, cô hỏi cháu, cha ông cháu có tội tình chi mà cháu cúi đầu cho họ dội nước để rửa sạch tội Tổ tông. Thật là nhục nhã đến tổ tiên họ Nguyễn Khắc nhà ta. Chớ cái tội cháu bỏ đạo ông bà, không thờ cúng tổ tiên, thì cô nói thật, lấy cát chà, dao cạo cũng không sạch, nói gì đến dội nước”.
Giám mục Allys ở Huế cũng kể lại chuyện một cô gái trốn vào tu viện để theo đạo Công giáo năm 1916:
“Khó mà tưởng được sự tức giận của người cha và sự đau khổ của bà mẹ. Khi biết rằng con mình đã bỏ trốn. Họ cùng với bạn bè đi tìm con. Trong nhiều ngày, họ chạy hỏi nơi này nơi khác nhất là rình quanh các tu viện mà họ nghĩ là con mình đang lẩn trốn. Cuối cùng họ cũng nhận được thư của Nguyễn Thị Ngọc cho biết mình đang ở dòng tu kín Huế và sẽ không ra khỏi đó cho đến khi thành Kitô hữu. Trước lời tuyên bố đó, bà mẹ nổi giận, gào thét và đe dọa khi thấy con mình không lay chuyển. Bà chồm tới, nắm lấy tóc con lôi ra khỏi nhà khách của đan viện. Để chống lại, Nguyễn Thị Ngọc liền nằm xuống đất và làm cho tất cả mọi nỗ lực của người mẹ nóng giận trở thành vô ích”. 
Vấn đề thờ cúng tổ tiên trở thành tranh cãi ngay mâu thuẫn giữa các thừa sai cuả Hội Truyền giáo Paris và dòng Tên, trong các giáo sĩ truyền giáo. Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneu de Behain) viết thư cho bạn ngày 15/6/1798 như sau:
“Tất cả những gì mà người ta nói về cách thức vái lạy người chết, sự thờ cúng ngẫu tượng (cute d’indolatrie) mà người ta gán cho sự vái lạy đó là sự lố bịch, không thể chấp nhận được với những ai từng sống ở xứ này. Các vị tông đồ và tất cả những ai từng sống ở xứ này, không hề chê trách các tục lệ của các xứ họ mà họ đã đến giảng đạo…Chúng ta đã câu nệ quá nhiều. Cần loại bỏ sự mê tín, nhưng nếu ai đã đi quá xa thì sẽ lạc hướng và sẽ tạo ra chướng ngại vật cho sự truyền giáo… Xin hãy báo cho Giáo hội rằng, cho đến lúc lâm chung, giám mục vẫn luôn giữ các ý kiến của mình về sự quỳ lạy trước linh cữu cha mẹ của người Á Đông”.
Trong khi đó, Thư chung của Giám mục địa phận Đông ngày 7/6/1939 thì dứt khoát cấm nghi lễ vái lạy người quá cố và đưa ra 36 quy định chi tiết về vấn đề này. 
Vấn đề thờ cúng tổ tiên trở thành một nguyên nhân các vua nhà Nguyễn ra tới 57 sắc chỉ cấm đạo này. Vua Minh Mạng viết:
“Đã từ lâu nhiều người từ châu Âu đến giảng đạo Giatô vừa lừa gạt ngu dân, dạy dân chúng có một nơi cực lạc và một ngục tù khốn nạn. Chúng công kích Phật, không thờ tổ tiên. Thật là tội lớn đối với chính đạo. Hơn nữa, chúng còn dựng nhiều nhà thờ, làm nhà chứa chấp nhiều người để dụ dỗ đàn bà con gái, chúng còn móc mắt người bệnh. Có lẽ không có gì trái với luân thường đạo lý hơn…Vậy Trẫm truyền cho tất cả những ai theo đạo này từ quan tới dân phải bỏ đạo một cách thành thực, nếu còn nhìn nhận và kính sợ uy quyền của Trẫm. Các quan phải kiểm tra để bắt các đạo đồ trong hạt của mình phải tuân thượng lệnh và bắt chúng phải chà đạp lên Thập tự trước mắt mình. Nếu chúng tuân lệnh thì gia ân cho chúng. Phải triệt hạ các nhà thờ, nhà xứ và từ đây về sau nếu có ai bị phát giác hay tố giác là còn theo đạo đó thì phải trừng phạt thật nghiêm ngặt, để trừ đạo này tận gốc”.
Chính sách này gây chia rẽ giáo lương một thời gian khá dài làm ảnh hưởng đến tình đại đoàn kết dân tộc.



Đạo Công giáo Việt Nam

Để tôn giáo này không xa lạ với người Việt, ngay từ những ngày đầu tiên những thừa sai tiến bộ và những tín đồ có tinh thần dân tộc đã biết dùng lá dừa thay lá ôliu trong ngày lễ Lá. Biết dùng thơ lục bát để ghi lại Kinh Thánh và ngày Tết cổ truyền biết làm cây nêu có gắn Thánh giá bên trên. Cuốn giáo lý đầu tiên được linh mục Pina soạn bằng chữ Nôm năm 1620. Linh mục Majorica (1591-1631) đã để lại một kho sách chữ Nôm với 43 cuốn gồm 1,2 triệu chữ. Nhiều giáo sĩ đã học tiếng Việt và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ để giảng đạo có hiệu quả hơn. Nhiều kinh Phụng vụ được dịch ra tiếng Việt rất hay, rất sát như câu: “Misericrdia et veritas obviaverunt sibi justifia et pax osculatae sunt” đã được dịch là: “Tín nghĩa- ân tình nay hội ngộ/ Hòa bình- Công lý đã giao duyên”. Các nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác Thánh ca bằng tiếng Việt theo làn điệu dân ca như lời tuyên ngôn của Liên đoàn Lê Bảo Tịnh: “Về nội dung: Phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc. Về nghệ thuật: lấy dân ca cổ truyền làm cấu trúc âm thanh”. Bây giờ có thể thấy nhiều làn điệu dân ca từ quan họ Bắc Ninh, hát then xứ Lạng, dân ca Nam Bộ đến các điệu Jarai bốc lửa cũng thấy trong Thánh nhạc.
Các tên ngoại quốc được phiên âm qua tiếng Việt cho dễ nghe, dễ nói như Vincente đọc là Vinh Sơn; Benedicto đọc là Biển Đức; Dominico đọc là Đaminh… Các giáo sĩ cũng phải nhập tục như thế. Alexandre de Rhodes gọi là Đắc Lộ; Giám mục Gendreau gọi là Giám mục Đông…
Về hội họa, cũng thấy được xu hướng Việt hóa các tranh ảnh, tượng đạo. Bức tranh: Đức Mẹ Việt Nam của Nam Phong dù không đề tên vẫn nhận ra Đức Mẹ là người phụ nữ Việt Nam với mớ tóc dài và vác con trên vai để ru con ngủ. Bức tranh đang được để ở phòng khách của Giáo hoàng tại Rôma. Nhiều họa sĩ như Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tiến Chung khi vẽ tranh Giáng sinh cũng vẽ con trâu, khóm tre và túp lều mái tranh quen thuộc với người Việt. 
Về kiến trúc có thể thấy dù trong các nhà thờ theo kiến trúc phương Tây thì vẫn có nét văn hoá Việt Nam ở đó. Từ cảnh quan có núi, có hồ theo phong thủy phương Đông đến các nét kiến trúc tùng cúc, trúc mai trên các họa tiết xung quanh nhà thờ. Còn ngồi trong nhà thờ thì phân ra nam tả nữ hữu, đúng theo triết lý phương Đông. Sau này nhiều nhà thờ Nam đã được xây dựng. Tiêu biểu nhất là nhà thờ Phát Diệm. Cổng vào như tam quan ở làng, ở đình, chùa. Phương Đình cũng có mái cong như mái chùa và treo quả chuông Nam nặng 2 tấn. Bàn thờ thì sơn son thiếp vàng. Long cốt cũng ghi chữ Nho: Thành Thái tam niên, ngũ nguyệt, thập nhất nguyệt (tứ ngày 17/5 năm Thành Thái thứ ba). Hiện nay, nhiều nhà thờ theo xu hướng đó. Nhà thờ Pleichuet (Gia Lai) giống như nhà rông khổng lồ với mái cao 35m. 
Về đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ cũng thay đổi rõ nét. Dưới thời phong kiến, thực dân sau 400 năm truyền giáo mới có Giám mục người Việt đầu tiên là Đức Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng được tấn phong năm 1933. Số linh mục cũng rất ít. Từ năm 1863 đến năm 1945 chỉ có 137 người Việt được truyền chức linh mục. Nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ từ thế kỷ XIX đã đề nghị Tòa Thánh rằng Giáo hội Việt Nam phải để hàng giáo sĩ người Việt cai quản. Khi gặp linh mục Cao Văn Luận ở Paris tháng 7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói:
“Trong Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện chưa có sự độc lập. Trên toàn quốc có 15 địa phận mà chỉ có hai địa phận do Giám mục người Việt cai quản, còn tất cả các địa phận khác đều nằm trong tay người nước ngoài. Tôi nghĩ rằng, những linh mục trẻ tuổi như ông phải hành động một trật với chúng tôi, là đòi cho bằng được sự độc lập của các địa phận Việt Nam”.
Đúng là nước có độc lập, tôn giáo mới được tự do. Ngày nay cả 27 giáo phận đều do các Giám mục người Việt quản trị. Người Việt đã được phong Hồng y, Bộ trưởng, Tổng Giám mục ở Rôma và ở nước ngoài. Tính đến năm 2020, Việt Nam đã có 5818 linh mục, 46 Tổng Giám mục, Giám mục đương nhiệm, 17 Giám mục hưu trí, 6 Hồng y.
Đặc biệt nhất, trước đây Công giáo vẫn bị mang tiếng là theo Tây chống lại dân tộc thì từ năm 1980, các Giám mục Việt Nam đã xác định dứt khoát:
“Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ vận mạng với dân tộc mình vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người. Đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong qúa trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa. Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần dân Chúa…Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm…Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối chính sách của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do, hạnh phúc” (TC 1980, số 9 và số 10).
Những phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo suốt qua những cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước đã chứng tỏ con đường “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” của người Công giáo Việt Nam. 
Một số linh mục, tu sĩ người Việt khi đi phục vụ ở nước ngoài nhất là châu Phi đã mang văn hóa Việt đến vùng đất xa lạ khi người dân bản xứ cùng hát tiếng Việt rất hay. Đó cũng là cách lan tỏa đạo Công giáo Việt Nam đến các vùng đất khác.
Như vậy từ chỗ, đạo Công giáo được truyền đến ở Việt Nam và bén rễ ở xứ sở này. Bây giờ, theo dòng thời gian, tôn giáo xa lạ đó đã được văn hóa, con người Việt Nam biến đổi trở thành một tôn giáo gần gũi với người Việt.
—————
Bài viết có sử dụng tư liệu từ các nguồn:
- Thiện Cẩm: Tương quan giữa Kinh thánh, Thần học và Phụng vụ, Nguyệt san Công giáo và dân tộc số 106, 2003, tr.33.
- A. Rhodes: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Tủ sách Đại kết 1994, tr.113
- Phạm Huy Thông: Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hoá Việt Nam, Nxb. Tôn giáo 2012, tr.152
- Xem Phạm Huy Thông sđ d, tr.152
- Dt: Vấn đề thờ cúng tổ tiên, Kỷ yếu Tọa đàm khoa học của TGM Huế,Lưu hành nội bộ năm 1999, tr.75
- Dt Trương Bá Cần (chủ biên): Lịch sử Công giáo Việt Nam, tập 2, Nxb. Tôn giáo 2008, tr.75
- Phạm Huy Thông: Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo Việt Nam. Nxb. Sự thật, 2004,tr.299.
TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Nhớ về Đức Bênêđictô XVI (12/01/2023)
Đây chiên Thiên Chúa (11/01/2023)
Tang lễ Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI: Hiệp thông và phân ưu từ Việt Nam (06/01/2023)
Thánh Lễ an táng Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI (05/01/2023)
Suy gẫm và chiêm ngắm Ngôi Lời cùng Mẹ Thiên Chúa (28/12/2022)
Chúa cứu tôi (26/12/2022)
Noen và máng cỏ tâm hồn (24/12/2022)
Các mục đồng gặp Chúa Giêsu Hài Đồng (24/12/2022)
Niềm vui khi được phục vụ tha nhân (05/12/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log