1. Từ nhiều tháng nay, tôi nghe thấy nhiều tiếng kêu than thân thiết vọng lên từ nhiều nơi trong Hội Thánh tại Việt Nam yêu dấu.
Chính tôi nhiều lúc cũng kêu than. Bởi vì tôi cảm thấy khổ đau đủ thứ đang xâm chiếm xác hồn tôi.
Tôi tự hỏi: Kêu than có phải là một hiện tượng tiêu cực không? Không cần suy nghĩ nhiều, tôi trả lời dứt khoát là: Không.
2. Theo tôi, kêu than là một việc rất tự nhiên, nhiều khi là dấu chỉ tốt báo hiệu về một tình hình, hơn nữa có lúc nó còn mang tâm tình cầu nguyện.
Ở đây, tôi xin phép được chia sẻ về sự kêu than chính là cầu nguyện.
Kinh Thánh ghi lại nhiều lời kêu than của những vị thánh. Dưới đây là vài trường hợp.
3. Thánh Gióp than:
“Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời. Sao tôi không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ.
Quả thực, bánh tôi ăn chỉ là tiếng khóc nức nở.
Tiếng tôi gào thét tựa nước lũ ngập đầu.
Những gì tôi kinh hoàng sợ hãi nay xảy đến rồi.
Những gì khiến tôi rụng rời khiếp sợ nay đang ập xuống đầu tôi.” (Gióp, 3, 11, 23-24)
Thánh Gióp kêu than, vì quá khổ. Nhưng kêu than đó lại là tiếng cầu cứu thiết tha dâng lên Chúa.
4.
Còn Tiên tri Giêrêmia thì để lại một chuỗi dài những kêu than thống thiết. Chỉ xin trích vài câu điển hình:
“Tại sao con cứ phải khổ đau hoài, mang vết trọng thương hết đường cứu chữa.
Phải chăng, đối với con, Chúa chỉ là ngọn suối trong ảo mộng, là dòng nước mơ hồ”. (Gióp, 15, 18-19)
Những lời than khóc trên đây chứng tỏ một tình hình bi đát trầm trọng. Tiên tri giải bày hoàn cảnh cơ cực của mình, để xin cầu cứu.
Chúa đã cảm thương.
5. Rồi, Thánh vương Đavid cũng là người kêu than không kém.
“Rên xiết đã nhiều, nên con mệt mỏi.
Trên giường ngủ, những thổn thức năm canh.
Từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối, mắt hoen mờ vì quá khổ đau.” (Tv 6)
Kêu than của vua Đavid cho thấy sự thú nhận nỗi lòng đau khổ của ngài không phải là một sự yếu đuối nhu nhược, nhưng là một sự khiêm nhường mang tâm tình cầu nguyện.
Chúa đã thương xót ngài.
6. Bây giờ, nhìn lên chính Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài cũng có lúc kêu than
“Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ con?” (Mc, 15, 34)
Kêu than đó của Chúa Giêsu chính là một sự khiêm nhường, gắn bó của ngài với Đức Chúa Cha. Nhờ vào kêu than đó, chúng ta được vững tin, nếu có lúc chúng ta cũng kêu than như thế, thì chính là chúng ta cầu nguyện, và phó thác.
7. Riêng tôi, càng ngày tôi càng cảm thấy thấm thía vai trò của kêu than trong phụng vụ, trong tu đức và trong truyền giáo.
8. Thí dụ. Trong phụng vụ, khi đọc kinh “Lạy Nữ Vương”, tới những câu than van thân thiết như “chúng con ở chốn khách đầy”, tôi thấy mình được quyền coi kêu than là cầu nguyện chính đáng.
9. Trong tu đức, khi thấy những người đau yếu kêu than, tôi cảm nhận đó chính là tiếng Chúa Giêsu kêu than trong họ, để tôi biết mở rộng lòng mình ra, mà chia sẻ nỗi đau đớn của họ.
10. Đôi khi tôi nghe được những kêu than thống thiết từ những linh hồn dưới thẳm sâu chốn luyện hình. Họ xin tôi cầu nguyện cho họ, và xin giải quyết giùm họ những vướng mắc về công bình còn sót lại trên trần gian.
11. Trong truyền giáo, khi gặp những người đau khổ kêu than, tôi cảm nhận đó là cơ hội thuận lợi nhất, để tôi phục vụ họ với cái nhìn của trái tim Chúa Giêsu.
12. Tới đây, tôi thấy: Có những kêu than có thể trở thành con đường đưa chúng ta kết hợp với nhau, làm sáng danh Chúa, đem các linh hồn về với Chúa.
13. Thú thực là tôi hay thầm hát một mình bài: “Lạy Mẹ xin an ủi chúng con luôn luôn. Mẹ từ bi, xin phá những nỗi u buồn. Vì đời con gieo rắc biết bao đau thương, và tràn lan gai góc vướng trên con đường.”
14. Tôi chắc là nhiều người cũng như tôi đều thấy những kêu than đó là rất đạo đức. Nhờ vậy, chúng ta sẽ biết coi trọng nhiều loại kêu than hiện giờ.
15. Nói thế không phải là đề cao kêu than, nhưng là để phân định có thứ kêu than tốt, có thứ kêu than xấu, nhất là để đừng coi mọi kêu than là xấu, rồi thay vào đó là cuộc nổi loạn của những thú vui giả tạo, và dối mình coi đó là ơn gọi được sai đi. Trước cảnh khổ đau của bao người, mà không kêu than, chỉ biết nhởn nhơ, dửng dưng, thì đó sẽ là một thiếu sót về đạo đức, đưa tới những hậu quả khó lường.
16. Sau cùng, xin cảm tạ Chúa, vì chúng ta chỉ là những lời kêu than, mà đã và đang được Chúa đoái thương ôm ấp vào lòng.