Suy tư - Chia sẻ

Xin đừng chủ quan

Cập nhật lúc 12:33 23/07/2015
Tôi đã già, sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Tôi có gì nên nhắn nhủ những người ở lại không? Thưa có. Tôi đã nhắn nhủ nhiều rồi. Sợ rằng nhắn nhủ mãi sẽ nhàm chán. Thế nhưng, tôi sợ sẽ thiếu trách nhiệm, nếu hôm nay thấy điều nguy hiểm mới, mà không báo động.
1.
Tôi đã già, sẽ ra đi bất cứ lúc nào.
Tôi có gì nên nhắn nhủ những người ở lại không? Thưa có. Tôi đã nhắn nhủ nhiều rồi. Sợ rằng nhắn nhủ mãi sẽ nhàm chán.
Thế nhưng, tôi sợ sẽ thiếu trách nhiệm, nếu hôm nay thấy điều nguy hiểm mới, mà không báo động.
2.
Theo tôi, điều nguy hiểm mới là tính chủ quan có vẻ càng ngày càng phát triển mạnh. Thứ chủ quan nguy hiểm nhất hiện nay là những suy tính tự mãn dẫn tới diệt vong, mà không thấy, không sợ, không tin.
Ở đây, tôi chỉ xin nêu lên ba thứ chủ quan đang thịnh hành hiện nay trong các xã hội.
3.
Chủ quan thứ nhất là tưởng rằng: Thực tế sẽ luôn có sự ác, nhưng không tưởng rằng sự ác sẽ đi tới những hình thức dã man khủng khiếp không thể ngờ được.
Trong thời chiến, những cảnh dã man khủng khiếp xảy ra đó đây còn để lại trong tôi những vết thương lòng không thể nào quên.
Trong thời bình, tôi tưởng là không còn những cảnh đó nữa. Nhưng khi thấy đó đây vẫn xảy ra cảnh cướp của giết người một cách dã man, tôi mới thấy tôi không nên chủ quan.
4.
Thực tế cho thấy: Con người, khi thiếu đạo đức, sẽ tự mình bước từng bước nhỏ, đi tới tình trạng dã man. Dã man có những mức độ. Dã man khủng khiếp là mức độ đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Thí dụ: Cảnh chặt đầu những người lành, cảnh buôn bán người, cảnh giết trẻ thơ, cảnh cướp của táo bạo đẫm máu, cảnh tự tử kinh hoàng, cảnh lừa đảo chuyên nghiệp đầy tội ác.
Tôi không ngờ rằng: Nhiều người hiện nay như đã mất tính người. Có vẻ như Satan đang lộng hành một cách tự do tại nhiều nơi.
5.
Thánh Phaolô xưa đã viết cho môn đệ Timôtê: “Sẽ đến lúc, một số người sẽ bỏ đức tin, mà theo những thần khí lừa dối và những giáo huấn của ma quỷ, đó là vì trò giả hình của những tên nói dối, mà lương tâm như bị thích dấu sắt nung” (1Tm 4,1-2).
Như vậy, sẽ có nhiều người bỏ đức tin. Hiện tượng đó đang xảy ra đó đây rồi. Tôi không nên chủ quan, cho rằng sự ác đang tàn. Đúng ra, đạo đức đang xuống dốc một cách thảm thương, đó là một sự thực tôi phải nhìn thẳng vào, mà sám hối một cách khiêm nhường.
6.
Chủ quan thứ hai là tưởng rằng: Tội ác và những cảnh khủng khiếp chỉ xảy ra ở những nước khác, chứ không bao giờ sẽ xảy ra tại Việt Nam của tôi.
Đó là một thứ chủ quan rất nguy hiểm.
Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Ai tưởng mình đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12). Thực vậy, Côrintô hồi đó là một giáo đoàn trẻ trung, sốt sắng nhiệt thành. Nhưng nay còn gì đâu!
Châu Phi, Trung Đông hồi xưa là một vùng Công giáo phồn thịnh. Nay đã rất khác, với sự lớn mạnh của Hồi giáo. Nhiều giáo phận xưa coi như vững mạnh, nay chỉ còn tên!
Do đó, mọi hình thức chủ quan tự mãn cho rằng cái xấu chỉ tồn tại và phát triển ở những nước khác, chứ không xảy ra tại Hội Thánh Việt Nam, đó là một thứ chủ quan tự mãn đi từng bước xuống vực thẳm.
7.
Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Đừng đi quá mức, khi đánh giá mình” (Rm 12,3). Lời khuyên đó nên được chúng ta áp dụng vào cá nhân chúng ta và cộng đoàn của chúng ta một cách khiêm tốn trước mặt Chúa.
Ngay trước mặt loài người, chúng ta cũng không nên đi quá mức, khi đánh giá mình. Chỉ một chút quá mức cũng đáng ghê tởm đối với một người có văn hoá. Phương chi đối với một người có đạo đức theo Phúc Âm, đi theo Chúa Giêsu là Đấng rất khiêm nhường.
8.
Chủ quan thứ ba là tưởng rằng: Những gì đã xảy ra xưa mang tính cách hình phạt ghê gớm, như hồng thuỷ thời ông Noe, và như nạn lửa thiêu đốt thành Sôđôma thời ông Lót, sẽ chẳng bao giờ xảy ra cho bất cứ đâu thời chúng ta.
Tôi chẳng có lý do nào chính đáng để chủ quan như thế. Chỉ biết rằng: Kinh Thánh hay nói tới: “Những người còn sót lại” là một số rất ít. Số ít còn sót lại đó, không do họ muốn, mà do Chúa. “Chúa phán với ông Moisen: Ta muốn thương xót ai thì thương xót, muốn cảm thương ai thì cảm thương” (Rm 9,15).
9.
Phần chúng ta là hãy đề phòng, như lời Chúa Giêsu phán: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em. Vì ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,34-36).
Tỉnh thức và cầu nguyện luôn trong tinh thần sám hối khiêm nhường, đó là điều Chúa dạy tôi làm, để xua đuổi ra khỏi mình ba thứ chủ quan nguy hiểm trên đây.
10.
Các thứ chủ quan nguy hiểm trên đây có thể coi như chính chúng đã là một hình phạt đáng sợ, báo hiệu một hình phạt đáng sợ hơn sẽ tới.
Với tinh thần sám hối, chúng ta hãy vâng nghe lời Đức Mẹ nhắn nhủ ở Fatima ngay từ bây giờ, kẻo sẽ quá muộn.
Đức Mẹ Maria là “nơi trú ẩn của những tội nhân”, chúng ta là những kẻ tội lỗi hãy đến với Mẹ. Bên Mẹ, chúng ta sẽ kêu lên với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Tôi đã được chính Chúa Giêsu trả lời: “Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, mà để kêu gọi những người tội lỗi, để họ trở về” (Lc 5, 32). Và ơn tôi được Chúa ban là biết chê ghét sự tự mãn kiêu căng, để có một trái tim tan nát vì sám hối.
Long Xuyên, ngày 10/7/2015
ĐGM GB. Bùi Tuần

 
Thông tin khác:
Chút kinh nghiệm về LOAN BÁO TIN MỪNG (17/07/2015)
Đức Giêsu, con người xót thương (15/07/2015)
Bài chia sẻ của linh mục Phêrô Phan Đình Sơn (09/07/2015)
Lên đường để rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa (07/07/2015)
Thánh lễ tạ ơn, kỉ niệm 60 năm thụ phong linh mục MỘT CHÚT TÂM SỰ VỀ ĐỜI LINH MỤC CỦA TÔI (06/07/2015)
Đừng khước từ cơ hội (30/06/2015)
Bài chia sẻ trong thánh lễ Mừng kính thánh Gioan Baotixita (23/06/2015)
Ơn cứu độ được ban trong Đức Giêsu Kitô (23/06/2015)
Giới thiệu nước thiên Chúa (10/06/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log