Tin tức - Hoạt động

LỜI TỪ BIỆT LINH MỤC TRƯƠNG BÁ CẦN

Cập nhật lúc 15:44 13/07/2009

 Thưa Cha Phêrô Trương Bá Cần quý mến!

Sau gần 50 năm được biết và được làm việc chung với Cha , nay nhìn lại cuộc đời 80 năm của Cha và nhất là đọc lại những gì Cha để lại trên giấy trắng mực đen, con thấy hiện rõ trong tâm trí hình ảnh một “linh mục” xác tín và nhiệt thành về ơn gọi làm người, làm con của quê hương và làm con của Giáo hội. Và vì Cha là một linh mục, lại là một sử gia, nên sự xác tín và lòng nhiệt thành của Cha vừa dựa trên những nền tảng vững chắc của Thần học, vừa dựa trên những nhận thức xác đáng về những trải nghiệm lịch sử. Kết hợp hai lãnh vực này, cộng thêm phẩm chất Xứ Nghệ trong huyết quản, Cha đã thể hiện sự xác tín và lòng nhiệt thành này qua các quan điểm và hành động một cách hăng say, đến độ đôi khi làm phiền lòng người khác. Dẫu có đôi khi phiền lòng, mọi người cũng dễ nhận ra rằng Cha hành động là vì tình tự quê hương, là vì ý hướng phục vụ Giáo hội. Hai yếu tố Đạo - Đời hòa quyện với nhau trong nhận thức và hành động của Cha nên thấy không thể tách rời hai lãnh vực này khi nói về Cha.
 
 
Cha sinh ra trong một gia đình Công giáo lâu đời, có truyền thống tu trì mà cụ thể là Giám mục Trần Hữu Đức mà Cha gọi bằng Chú; là linh mục Trần Đình Báu mà Cha gọi bằng Cậu và nghiã phụ (vì Cha mồ côi cha khi mới hơn một tuổi và được Cha Báu nhận nuôi Cha từ khi vào lớp Đồng ấu cho đến khi Cha vào Trường Thử Xuân Phong). Gia đình Cha cũng có truyền thống cách mạng mà tiêu biểu là ông cậu họ Thân Trọng Tùng từng tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và bị sát hại năm 1931 trong vụ Giáo xứ Tràng Đình. Và ngay cả linh mục Trần Đình Báu cũng tham gia chống Pháp và bị Giám mục Eloy đưa đi an trí ở Quảng Trị!
  
 
 
Năm 1944, Cha vào Tiểu Chủng viện Xã Đoài. Hè năm 1950, trường này bị đóng cửa, Cha ra Hải Phòng tìm cách học tiếp. Năm 1951, Cha vào Trường Thiên Hựu (Huế), nơi đây, linh mục Cao Văn Luận nhận thấy trí thông minh sắc sảo và ý chí học tập của Cha, đã gửi Cha đi du học ở Pháp. Ngày 28-6-1958, Cha nhận tác vụ linh mục. Năm 1962, Cha hoàn thành luận án Tiến sĩ về sử học tại Đại học Sorbonne Paris. Theo như sở nguyện ban đầu, Cha chuẩn bị về lại Huế, tham gia dạy Đại chủng viện, góp phần đào tạo linh mục, một công việc mà Cha cho là rất quan trọng và hữu ích cho Giáo hội. Nhưng ý nguyện của Cha đã không thành hiện thực.
 
 
Tháng 8-1963, với sự ưng nhận của Cha xứ Vườn Xoài (lúc bấy giờ), Cha về Sài Gòn, làm phụ tá một Giáo xứ nghèo, đa phần là dân lao động. Tháng 8-1964, Đức TGM Nguyễn Văn Bình đặt Cha làm Tuyên úy Thanh Lao Công Sài Gòn và năm 1968, cử Cha làm Tổng Tuyên Úy Thanh Lao Công toàn quốc. Chính trên những cương vị này, Cha đã cảm nhận sâu sắc hơn thân phận cùng khốn của người nghèo, nếm trải được những bất công của xã hội, nhận thức được tính phi lý và vô luân của cuộc chiến tranh, đồng cảm được với nhũng khát vọng đổi mới nơi giới trẻ. Trên những thực tiễn này, Cha cảm thấy bức xúc hơn về sứ vụ của người linh mục. Những bức xúc được thúc đẩy và hướng dẫn bởi Tin Mừng của Chúa Kitô, bởi Giáo huấn của Công đồng Vatican II và bởi Tuyên ngôn Manila 1970 của các Giám mục Châu Á. Cha đã miệt mài cùng với anh chị em Thanh Lao Công suy ngẫm lời Chúa đối chiếu với cuộc sống qua phương pháp xem – xét – làm.
 
 
Cha đã lớn tiếng tố cáo trên báo chí. Cha đã xuống đường cùng với công nhân đòi dân sinh. Cha đã liên kết với sinh viên đòi dân chủ. Cha đã tuyệt thực kêu gọi thực thi công lý. Cha đốt thẻ cử tri chống độc tài và độc diễn. Cha đã tổ chức cho các bạn Mỹ (trong đó có hai linh mục) đến xích chân vào tường rào Sứ quán Mỹ để chống chiến tranh.  Cha đã dành phòng của Cha ở Giáo xứ Vườn Xoài cho anh em sinh viên chế tạo bom xăng đốt xe Mỹ. Và Cha cũng sẵn sàng trả giá cho các hành động này : hai lần Cha đã bị Tòa án Quân sự kết án tù, một lần 5 năm cấm cố và một lần 9 tháng tù giam, cùng với các khoản phạt tiền.
 
 
Sau ngày 30-04-1975, tuy ít sôi động hơn và chủ yếu thể hiện trên báo chí, là cây bút tinh khôn sắc sảo, Cha vẫn kiên định tiếp tục chọn lựa của mình, đi tiếp con đường phục vụ Dân tộc, phục vụ Giáo hội.
 
 
Cha cho rằng tất cả những chuyện đó nằm trong lẽ thường tình của cuộc đời và là một phần cái giá phải trả cho chọn lựa của mình nên Cha vẫn kiên định trong cuộc hành trình của mình, vì với Cha, Quê hương và Giáo hội là món nợ ân tình phải trả. Như Cha thưa với Đức Cha Tổng Thư ký Bộ Truyền giáo: “Nếu không để yêu mến và phục vụ Giáo hội và quê hương của con, thì chắc con đã không ở lại trong chức vụ linh muc”. Và như Cha ghi trong công trình tâm huyết của Cha là Bộ Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam: “Kính dâng hương hồn song thân tập sách này như một trong những hoa quả 50 năm linh mục (1958-2008) của con để ghi nhớ công ơn sinh thành và làm nghĩa vụ đối với Giáo hội và Quê hương ”. Công trình nghiên cứu này là một đóng góp to lớn của Cha vào kho tàng sử học nước nhà vừa kịp hoàn thành và xuất bản thì Cha lại ra đi. Đức Hồng y Gioan-bao-ti-xi-ta Tổng giám mục, vị Cha chung của tổng giáo phận cũng đã ghi nhận sâu sắc công lao của Cha khi đến viếng linh cửu Cha vào tối thứ Bảy vừa qua: “….Cám ơn Cha đã đóng phần của Cha vào công cuộc xây dựng Giáo hội và đất nước … xin Cha đừng quên cầu bàu cho bà con thân thuộc và bằng hữu được Chúa thương ban mọi sự lành và biết góp phần xây dựng đạo – đời như Cha”.
 
 
Thưa Cha Phêrô Trương Bá Cần quý mến,
Nhìn lại 50 năm linh mục, Cha tâm sự rằng Cha là người thuộc phe thiểu số.
Quả đúng như vậy. Nhưng thân phận thiểu số là thân phận của các Ngôn sứ. Và thiểu số đây là như men trong bột. Hơn nữa, tuy là thiểu số nhưng Cha không hề đơn độc. Trước đây, chung quanh Cha là đông đảo những người đồng thuận và cộng sự . Trong quá trình hơn 50 năm, đội ngũ này càng thêm đông đảo và họ sẽ tiếp tục con đường của Cha, với những nỗ lực mới, những thuận lợi mới.
 
 
Nhìn lại 50 năm linh mục, Cha tự đánh giá là “người đầy tớ vô dụng”. Có lúc, Cha bị nhìn như “đứa con hoang đàng” của Giáo hội. Có người phê phán Cha là Linh mục, sao không “coi xứ”!?. Ngay cả những cộng sự thân tín của Cha cũng đã có lúc không hiểu Cha và không muốn chấp nhận Cha. Nhưng cũng có người đề cao Cha khi cho rằng với cương vị Tổng Tuyên úy Thanh Lao Công và Tổng Biên tập của báo  Công Giáo & Dân Tộc với hơn một vạn độc giả khắp mọi miền, Cha làm mục vụ cho cả nước!
 
 
Nhưng đối với Cha , khen chê hay yêu ghét nào đâu quan trọng gì vì điều căn bản nhất trong cuộc đời một tín hữu là nhận ra ý định của Chúa về mình và kiên trung thực hiện, gắng tận lực sinh hoa kết quả tương xứng với những gì Chúa ban, rồi đón nhận tất cả như là hồng ân. Xác tín này đã được Cha chia sẻ một cách sâu đậm trong dịp kỷ niệm 45 năm linh mục của Cha, cũng là một xác tín căn bản suốt cả cuộc đời của Cha.
 
 
Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Cha đã xác định người Công giáo cũng là công dân Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào (theo tinh thần Thư chung 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). Tinh thần này mới đây đã được Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI nhắc lại và khích lệ Giáo hội Việt Nam trong chuyến Adlimina ngày 27/6 vừa qua tại Rôma.
 
 
Ông Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã ghi vào sổ tang : “Vô cùng thương tiếc linh mục Trương Bá Cần, người đã có nhiều công lao đóng góp trong phong trào giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ….”
 
 
Phải, thưa Cha Phêrô Trương Bá Cần quý mến. Tất cả là hồng ân, ngay cả sự chết, ngay cả ngày tiễn biệt đau thương này. Và hồng ân lớn nhất là mọi người chúng ta được diễm phúc làm con Chúa và làm công dân của Tổ quốc Việt Nam. Riêng đối với Cha, với tư cách là một linh mục, Cha lại càng là con của Chúa , ở mức độ thân tình hơn nữa. Vì thế, chúng con tin rằng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót sẽ đón nhận Cha vào Nước Hằng sống của Ngài.
 
 
Nhìn những dòng người thuộc nhiều thành phần, nhiều giới tấp nập đến với Cha trong 3 ngày tang lễ, từ những ông bà cụ già nua đến các cháu chắt nội ngoại của các thế hệ Thanh Lao Công; được nghe những tâm tình cuối cùng trước linh cữu của Cha hay được ghi trong sổ tang … chúng con càng xác tín sâu sắc và một lần nữa xin mượn lời của Thánh Phaolô để qui chiếu về Cha: “…Cha đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa, đã chạy đến hết chặng đường và đã giữ vững niềm tin” (2 Tm: 4,7).
 
 
Trong niềm tin đó, chúng con xin phó thác linh hồn Cha trong bàn tay yêu thương của Chúa, chúng con xin tạm biệt Cha và hẹn gặp lại Cha trong cõi vinh phúc./.
 
 

 

Lê Thị Cúc
Thông tin khác:
Linh mục Phêrô Trương Bá Cần được Chúa gọi về (11/07/2009)
Thư HĐGM Việt Nam gửi Cộng đồng dân Chúa nhân chuyến viếng thăm ad limina 2009 (08/07/2009)
Có thể ''hợp tác lành mạnh'' với VN (07/07/2009)
Nét mới ở giáo xứ Đạo Ngạn - Bắc Giang (06/07/2009)
Một việc làm sai lầm (06/07/2009)
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA BÙI VĂN ĐỌC (01/07/2009)
ĐGH Bênêđictô XVI: Có thể hợp tác với Việt Nam (30/06/2009)
Đức Thánh Cha Benedict XVI: tôn giáo không đe dọa sự hiệp nhất quốc gia (30/06/2009)
Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các Giám Mục Việt Nam (30/06/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log