Tin tức - Hoạt động

Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề

Cập nhật lúc 21:50 24/02/2017
Ngày 24/2, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương phát huy vai trò các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề.

Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Trọng Đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Cùng dự có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Trần Tấn Hùng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; Ông Vijaya Ratnam-Raman, Quyền Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của Unicef tại Việt Nam và lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam và Sở Lao động, Thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các tổ chức tôn giáo và đại diện các mô hình bảo trợ xã hội và dạy nghề tiêu biểu của tôn giáo và đại diện một số Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

 
 Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc  Dung cho biết, trải qua hơn 30 năm đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đã vươn lên thoát nghèo, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh, lại thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh và những tai nạn, rủi ro trong cuộc sống nên số đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội ở nước ta lớn nên Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và giành nhiều nguồn lực chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người yếu thế, người có công bảo đảm an sinh xã hội…Do đó, đã có rất nhiều mô hình, cơ sở thuộc các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tổ chức tôn giáo đã làm tốt nhiệm vụ chăm lo, chăm sóc người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.  Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các đại biểu về dự Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt trong thời gian qua,  để tìm ra những giải pháp trong thời gian tới góp phần cùng với Đảng và Nhà nước giải quyết nhiều vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và mong muốn các tổ chức tôn giáo, các chức sắc tôn giáo phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình trong công tác bảo trợ xã hội, dạy nghề để giảm bớt hoàn cảnh khó khăn cho người dân trong thời gian tới. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương, đánh giá cao vai trò của các tổ chức tôn giáo đã tham gia công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề đối tượng bảo trợ xã hội và tuyên bố khai mạc Hội nghị.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình báo cáo tình hình các Tôn giáo tham gia hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề.
 
Theo báo cáo, trong những năm qua, hoạt động bảo trợ xã hội và hoạt động dạy nghề được Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để chăm lo đời sống cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội bền vững, trong đó có các cơ sở trợ giúp xã hội và các cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề, công tác trợ giúp xã hội và dạy nghề của cả nước đã có bước phát triển nhanh chóng, nhất là các cơ sở ngoài công lập, góp phần tích cực trợ giúp, chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố, người già cô đơn không nơi nương tựa, người tâm thần, người khuyết tật nặng,  nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định... và bồi dưỡng, đào tạo nghề cho người lao động. Các cơ sở bảo trợ và dạy nghề ngoài công lập đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục các đối tượng thuộc diện trợ giúp xã hội và cung cấp người lao động có tay nghề phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của đất nước và các địa phương, giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở, các trường dạy nghề công lập…
 
Toàn cảnh Hội nghị.
 
Với sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, đến nay trong cả nước đã có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo được thành lập  theo quy định của pháp luật và hàng chục cơ sở khác đang được hướng dẫn để thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội. Các cơ sở này đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 12.000 đối tượng (trong đó chủ yếu là trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa và hàng nghìn đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác). Cả nước đã có 12 trường và trung tâm dạy nghề do các tổ chức tôn giáo thành lập. Các cơ sở dạy nghề này hoạt động với phương châm, mục đích dạy nghề rõ ràng, hoạt động từ thiện phi lợi nhuận, chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, kỹ năng nghề cho học viên. Hàng năm đã đào tạo nghề cho hàng nghìn công nhân, người lao động đến học tập, góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội, chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động…

Tại hội nghị, các tham luận trình bày tại Hội nghị đã đánh giá cao về sự tham gia có hiệu quả của các tôn giáo trong công tác xã hội hóa hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề trên nhiều phương diện: Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hiến tặng đất đai, trang thiết bị, xây dựng cơ sở trợ giúp để nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng; bước đầu cung cấp, hỗ trợ các dịch vụ công tác xã hội cho các nhóm người dân có hoàn cảnh khó khăn; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cải thiện đời sống cho đội ngũ nhân viên, giáo viên, cộng tác viên, người lao động; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đối với các đối tượng bảo trợ xã hội và chất lượng đào tạo nghề đối với học viên, người lao động trong các cơ sở của tôn giáo ngày càng hiệu quả và bền vững. Nhân viên, cộng tác viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở bảo trợ thuộc tổ chức tôn giáo có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng thương yêu, chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Hầu hết các cơ sở bảo trợ và dạy nghề của tôn giáo đã được thành lập theo quy định của pháp luật đã tổ chức tốt các hoạt động phát triển kỹ năng cho trẻ; có đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội, y tế như bác sĩ, phục hồi chức năng, trị liệu, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, nhân viên công tác xã hội hỗ trợ tư vấn, tham vấn, nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đối với các đối tượng tại các cơ sở.

 
ÔngVijaya Ratnam-Raman, Quyền Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của Unicef tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị Ông Vijaya Ratnam-Raman, Quyền Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của Unicef tại Việt Nam cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc cải thiện an sinh xã hội nói chung và trợ giúp xã hội nói riêng, góp phần tăng mức độ bao phủ và hỗ trợ nhiều người dân yếu thế hơn trong đó có trẻ em. Những thành tựu này ngoài vai trò của Chính phủ còn phải kể đến những nỗ lực to lớn của các tổ chức xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo. Hơn một phần tư các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo đang chăm sóc nuôi dưỡng khoảng 12.000 người. Với những kết quả đạt được, Ông cũng chỉ ra rằng vẫn còn nhiều thách thức vẫn tồn tại trong việc đảm bảo chất lượng các dịch vụ do các Trung tâm Bảo trợ Xã hội cung cấp, cụ thể như: thiếu một đội ngũ nhân viên chăm sóc được đào tạo chuẩn bao gồm các cán bộ xã hội chuyên nghiệp; Cơ sở vật chất và điều kiện của một số Trung tâm Bảo trợ Xã hội còn khiêm tốn, hạn chế, có thể không đáp ứng được những yêu cầu về sức khỏe và an toàn; Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng tập trung và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với Mặt trận và các tổ chức tôn giáo để hướng dẫn, giám sát đối với các dịch vụ do Trung tâm Bảo trợ Xã hội cung cấp…
 
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận, cảm ơn, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của các tập thể, cá nhân trong việc tham gia phát triển hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kêt toàn dân tộc.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết lần đầu tiên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương phát huy vai trò các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề.

Qua báo cáo tham luận tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng người Việt Nam dù theo đạo nào hoặc không có đạo thì đều là người Việt Nam yêu nước, đều mong muốn những người gặp hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có cuộc sống tốt đẹp hơn.

 
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với các đại biểu về dự hội nghị
 

 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhận cũng khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề trong những năm qua đã được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân bao gồm có các tôn giáo và đồng bào các tôn giáo. Góp phần phát triển nhanh chóng các cơ sở ngoài công lập bồi dưỡng đào tạo nghề cho người lao động, qui mô hệ thống những cơ sở bảo trợ xã hội và các trường, trung tâm dạy nghề trong và ngoài công lập nói chung trong đó có các tổ chức tôn giáo ngày càng phát triển.

Chủ tịch cho biết, cả nước có 413 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó nhà nước có 195 cơ sở công lập, 218 cơ sở ngoài công lập, tại các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 42.000 người, trong đó có 113 cơ sở của các tôn giáo với 6.500 người có hoàn cảnh khó khăn. Về các địa phương trong 63 tỉnh, có 36 tỉnh có các cơ sở bảo trợ xã hội của các tôn giáo, bình quân mỗi cơ sở chăm sóc khoảng 60 người có hoàn cảnh khó khăn. Các cơ sở tôn giáo có bình quân 13 người tham gia quản lý hoạt động… Có thể nói rằng, trong các cở sở này tỷ lệ trẻ em và người khuyết tật và người cao tuổi được chăm sóc nhiều nhất.

Trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính Phủ, Chủ tịch Quốc hội về kết quả hội nghị, để cùng với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành và các địa phương làm tốt hơn nữa, sát hơn nữa những qui định của nhà nước về công tác xã hội hóa bảo trợ xã hội và dạy nghề. Cụ thể, trong năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh cần tập trung rà soát các chính sách cho những người được các cơ sở bảo trợ nhận về liên quan đến tiền ăn, tiền chăm sóc sức khỏe và vận dụng đầy đủ chính sách của nhà nước việc mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn đã được quản lý và tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, rà soát tình hình đất đai của các cơ sở bảo trợ xã hội, dạy nghề hiện nay để hoàn chỉnh hợp thức hóa đầy đủ. Đối với các em nhỏ tại  các sở bảo trợ xã hội cần quan tâm, hướng dẫn qui trình làm giấy khai sinh, giấy đăng ký tạm trú và thực hiện chính sách miễn giảm học phí đối với các em thuộc diện nghèo và gặp hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ngànhLao động – Thương binh và Xã hội cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các tổ chức tôn giáo trong việc chăm sóc cho những người yếu thế để  làm cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn được ấm áp hơn.

 
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và dạy nghề.
 
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và dạy nghề.

Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã tặng Bằng khen cho 20  tâp thể và 27 cá nhân đã có thành tích trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và dạy nghề.
 
Tùng Lâm - Ảnh Thành Trung
 
Thông tin khác:
Lễ cắt băng khánh thành đường bê tông chống lũ Giáo xứ Cồn Sẻ (24/02/2017)
Cáo phó Cha Giuse Lê Viết Phục, bề trên tu viện DCCT Huế (24/02/2017)
Chỉ thị về vụ việc “Đức Mẹ Khóc” tại giáo xứ Ngọc Lẫm, giáo phận Thanh Hóa (23/02/2017)
Đồng bào Công giáo Sóc Trăng luôn đồng hành cùng dân tộc (23/02/2017)
Năm Gà nói chuyện cà kê (22/02/2017)
Đức TGM Joseph Kurtz,thăm Học viện Công giáo Việt Nam (22/02/2017)
Thực hiện tốt vai trò là thành viên của MTTQ Việt Nam (21/02/2017)
Trưởng ban Dân Vận Trung ương - Trương Thị Mai gặp gỡ các chức sắc tôn giáo Thanh Hóa (21/02/2017)
Hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Đức về những người ly dị và tái hôn (20/02/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log