Thực hiện hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng, chương trình phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, kết quả cho thấy cuộc vận động được sự hưởng ứng rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân, khối đại đoàn kết ngày càng được củng cố, từ thành thị cho đến nông thôn đều có nhiều tiến bộ, khởi sắc. Đóng góp vào thành tích chung ấy có sự tham gia của các linh mục, tu sĩ và giáo dân các họ đạo trong tỉnh.
Tỉnh Sóc Trăng có trên 64 ngàn người Công giáo sống tập trung ở các họ đạo lớn, nhỏ của 11 huyện, thị xã, thành phố, chiếm khoảng 5% dân số chung của tỉnh. Dưới sự tập hợp của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, sự hướng dẫn, tạo điều kiện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các địa phương, bên cạnh các sinh hoạt tôn giáo, đồng bào Công giáo Sóc Trăng đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Nổi bật là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo; Các phong trào nhân đạo, từ thiện như: xây dựng 182 căn nhà tình thương, phát 175 tấn gạo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, trao 3.495 suất học bổng, cấp đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, khám bệnh, phát thuốc cho 120 ngàn lượt người nghèo, đóng góp quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội với tổng trị giá trên 11 tỉ đồng.
Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các linh mục, tu sĩ, chức sắc và giáo dân đã thực hiện nhiều phần việc thiết thực theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; Theo đó năm 2014 đã xây mới và sửa chữa 15 cây cầu, trên 25km đường nông thôn, đóng 180 cây nước...với tổng trị giá hơn 3 tỉ đồng.
Đại Hải là xã có đông đồng bào Công giáo, là xã tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới của huyện Kế Sách. Xã gồm 8 ấp thì đã có 4 ấp tập trung đồng bào Công giáo là Ấp Nam Hải, Đông Hải, Trung Hải và Ba Rinh. Điểm nổi bật ở đây là ngày càng có nhiều công trình giao thông được xây dựng hoàn toàn do người dân đóng góp. Anh Đặng Văn Dũng ở Ấp Đông Hải cho biết: “Nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho mình thuận lợi trong phát triển sản xuất, vươn lên ấm no thì mình cũng phải có nghĩa vụ cùng Nhà nước xây dựng nông thôn sao cho đổi mới, sạch đẹp”.
Sau hơn ba năm xây dựng nông thôn mới, giáo dân ấp Trung Hải đã đóng góp tiền, vật chất và ngày công thực hiện 1.700m đường bê tông và tại ấp Nam Hải bà con cũng vừa hoàn thành đoạn đường bê tông rộng 3m, dài 1.500m, một cây cầu nối từ quốc lộ 1A vào địa phận ấp Đông Hải trị giá 450 triệu đồng cũng do người dân thực hiện. Ngoài ra, giáo dân ấp Đông Hải còn đóng góp tiền, vật kiến trúc, ngày công để làm tuyến đường đan nối liền với ấp Nam Hải dài 1.500m.
Với xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, những năm qua đồng bào Công giáo ở đây tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thông qua việc đóng góp kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn. Tính từ năm 2011 đến nay, giáo dân họ đạo Hậu Bối, thuộc ấp Phương Hòa 3 đã đóng góp trên 520 triệu đồng làm hơn 1.100m đường nông thôn liên ấp, làm 2 công trình thủy lợi dài gần 12.700m và xây 3 cây cầu bê tông... Hiện họ đạo Hậu Bối đang vận động giáo dân đóng góp trên 100 triệu đồng để kiên cố thêm 500m đường nông thôn tại địa phương.
Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng nên khu dân cư văn hóa đó là tiêu chí giáo dục. Từ đó chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước được bà con giáo dân đón nhận, tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Bà con đã tích cực chăm lo việc học của con em bằng nhiều hình thức phong phú, nhất là công tác khuyến học được đặc biệt chú trọng, nhằm khuyến khích con em học tập tốt; Phần lớn các họ đạo đều thành lập được quỹ khuyến học và duy trì hằng năm.
Đồng bào Công giáo tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy truyền thống yêu nước, hăng hái hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, cùng các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.