Tin tức - Hoạt động

Giáo xứ Hữu Lễ

Cập nhật lúc 15:22 23/03/2020
Giáo xứ Hữu Lễ nằm trên địa bàn xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Khi đến Hữu Lễ, mọi người nghĩ ngay đến vùng đất phía Tây của tỉnh Thanh Hóa - mảnh đất Thọ Xuân mang trong mình nhiều chứng tích về người anh hùng dân tộc Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn huyền thoại. Nơi đây còn có đập Bái Thượng nổi tiếng, được người Pháp xây vào năm 1918. Cũng tại giáo xứ Hữu Lễ, trước đây đã có một trường chủng viện đào tạo linh mục, thầy giảng cho các con em vùng dân tộc thiểu số H’mông, Dao, Thổ, Mường, Tày, Nùng và Lào.
 
Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã về thăm và dâng thánh lễ tại giáo xứ Hữu Lễ. Ảnh: CTV
Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã về thăm và dâng thánh lễ tại giáo xứ Hữu Lễ. Ảnh: CTV
Lịch sử hình thành và phát triển

Xưa kia, giáo xứ Hữu Lễ là miền đất hoang vu, rừng thiêng nước độc, dân cư khá thưa thớt, sống theo từng chòm và phần đông là người dân tộc thiểu số. Có một làng đông người duy nhất gọi là làng Bất Lân (vì làng này ít quan hệ với các làng xung quanh và hay quấy phá). Về sau, làng Bất Lân có một số người theo đạo Công giáo, nên cái tên “Bất Lân” được đổi thành Hữu Lân. Khi số người theo đạo trong làng ngày một đông, tên của làng lại được đổi thành Hữu Lễ và được giữ cho đến ngày nay.

Cùng với thời kỳ khôi phục Mục Sơn, làng Hữu Lễ được cố Lan về chiêu mộ dân và lập điền thổ nhà chung. Thời Văn Thân, giáo dân chạy loạn về đây khá đông, trong đó có cả những người lương dân và được nhà chung thu nạp, cấp lương thực nuôi sống để khai phá rừng. Chỉ một thời gian ngắn, nhà chung Hữu Lễ đã có 300 mẫu đất. Nhưng theo chỉ thị của bề trên, nhà chung chỉ giữ lại 50 mẫu để lấy nguồn kinh phí cho việc truyền giáo, còn lại cấp hết cho dân để làm điền thổ riêng. Nhà chung Hữu Lễ tồn tại đến năm 1955 thì bị giải thể.

Bên cạnh nhà chung là trường Chủng viện Hữu Lễ. Trường được xây dựng nhằm mục đích tuyển các ứng sinh người Lào, người dân tộc thiểu số để đào tạo linh mục và thầy giảng, gửi đi truyền giáo ở vùng Châu Lào. Trường giải thể vào năm 1955 nhưng cơ sở nhà trường vẫn còn, nay là nhà xứ Hữu Lễ.

Hữu Lễ khi trước là họ Mục Sơn, thuộc xứ Kẻ Láng. Năm 1902, Đức cha Thành tách Mục Sơn khỏi xứ Kẻ Láng và thành lập xứ Mục Sơn. Năm 1939 (đời cha Phụng), xứ mục Sơn chuyển lên phần đất nhà chung Hữu Lễ và đổi tên thành xứ Hữu Lễ. Còn Mục Sơn trở thành một họ lẻ của xứ Hữu Lễ.

Giáo xứ Hữu Lễ hiện nay

Theo sổ tất niên giáo phận năm 2011, giáo xứ Hữu Lễ có số giao dân đông nhất giáo phận với 9.832 người, phấn bố trong 24 giáo họ, trải dài trên 4 huyện: Thọ Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh và Ngọc Lặc.

Đời sống của bà con giáo dân ở giáo xứ Hữu Lễ tương đối ổn định. Phần lớn sinh sống bằng nghề nông: trồng lúa, trồng mía đường. Một số ít buôn bán và trồng rừng.
 
Thánh lễ Cung hiến nhà thờ giáo xứ Hữu Lễ. Ảnh: CTV
Thánh lễ Cung hiến nhà thờ giáo xứ Hữu Lễ. Ảnh: CTV

Giáo xứ Hữu Lễ có 24 giáo họ nhưng hiện mới có 7 ngôi nhà thờ: một nhà thờ xứ và 6 ngôi nhà thờ họ: Khuyến Nông, Điền Trạch, Thủ Trinh, Trại Ván, Vụ Bản và Như Áng. Tuy vậy, điều ấy không hề làm ảnh hường đến lòng đạo đức và lòng mến Chúa của các tín hữu nơi đây. Theo thống kê năm 2011, giáo xứ Hữu Lễ có 3 linh mục triều, 28 tu sĩ, và 5 chủng sinh. Ngoài ra, còn nhiều người con của giáo xứ đang tu tại các cơ sở ngoài giáo phận. Trên địa bàn giao xứ có một cộng đoàn Mến Thánh giá đang hoạt động, các sơ đã góp nhiều công sức cho hoạt động của giáo xứ.
Thông tin khác:
Câu chuyện cảm động về lòng nhân và lịch sử nhà thờ lớn Hà Nội (23/03/2020)
Vì sao người Công giáo cầu xin thánh Rôcô trước đại dịch Corona? (23/03/2020)
Giáo xứ Đạt Giáo (20/03/2020)
Giáo hội Công giáo với dịch cúm nCoV 2019 (20/03/2020)
Giáo xứ thánh Giuse Lao Công với công tác môi trường (20/03/2020)
Họ Dương xuân yêu thương (20/03/2020)
Mùa xuân đi tảo mộ trên quê hương (20/03/2020)
Mùa chim én bay (20/03/2020)
Cha Giuse Trịnh Văn Viễn sống theo tinh thần đối thoại và hợp tác với mọi người thiện chí (20/03/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log