Tin tức - Hoạt động

Gà chín cựa và gà Đông Tảo

Cập nhật lúc 15:00 08/07/2020
Gà chín cựa được nhắc đến trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Việc nuôi loại gà này cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Băng Dương
Gà chín cựa được nhắc đến trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Việc nuôi loại gà này cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Băng Dương

     Giống gà 9 cựa từng được nêu trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thuỷ Tinh xuất hiện ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Gà có đầy đủ 9 cựa thì rất hiếm, phần nhiều gà chỉ có 7-8 cựa. Gà mái đẻ một lứa hơn chục trứng, ấp nở chi có sáu bảy con là gà 7 hoặc 8 cựa, còn lại là gà 1 cựa, con nặng nhất không quá 1,5 kg. Điểm đặc trưng của giống gà là chân to, chắc và mọc đều 3-4 cựa mỗi bên. Gà được nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên, chủ yếu thả lên đồi cho chúng tự đào bới tìm giun, dế, sâu bọ. Vì thế, tuy chậm lớn nhưng chất lượng thịt rất ngon. Giống gà này đã được nuôi ở xã Xuân Sơn từ rất lâu, nhưng do cuộc sống quá biệt lập nên người dân không hề biết đó là gà quý. Mãi đến khoảng năm 2000, khi con đường được mở vào xã, thông tin phủ sóng thì mọi người mới biết. Trên một số trang mua bán online, giá gà 9 cựa đang được rao gần 300.000 đồng/kg bố mẹ, gà con khoảng 250.000 đồng một con. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số người có kinh nghiệm, gà 9 cựa thuần chủng giá không thấp như vậy. Tại hội chợ Xuân 2016, gà 7-8 cựa từ Tân Sơn đã được bán với giá 450.000 đồng/kg. Riêng gà có đủ 9 cựa giá lên tới 30 triệu đồng một con. Tân Sơn cũng là địa danh xuất hiện trong danh sách 62 huyện nghèo nhất nước.

    Gà Đông Tảo, mang tên xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nơi sản sinh ra chúng. Đặc điểm nổi bật của loại gà này là đôi chân to và thô vững chãi, bao quanh chân ở phía trước là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng, thân hình bệ vệ, gà trống mào sun (ngắn và thun lại) màu đỏ tía, da đỏ, có hai mãn lông cơ bản gồm mãn mận màu tím pha đen và màu của trái mận chín. Gà mái có ba mãn cơ bản gồm: mãn nõn chuối – vàng nhạt, mãn thó hay nâu nhạt – màu đất thó hay lá chuối khô, mãn ngà – trắng sữa. Lông phần cổ và cánh gà mái thường có pha trộn những chiếc lông màu vàng, trắng sữa, nâu đỏ, đen. Gà mái cũng có mào tựa mào con trống nhưng chỉ to bằng 1/3. Các vị trí da không có lông trên mình gà (cả trống và mái) đều có màu đỏ. Lúc trưởng thành, con trống nặng 5,5 – 6 kg, con mái nặng 4 kg. Thịt gà ngon, ngọt với khối thịt ức ngồn ngộn đỏ hồng, những bắp thịt đùi với những bó cơ cuồn cuộn vắt lên nhau trong thịt không có gân, không dai. Người dân trước đây thường dùng gà Đông Tảo để cúng tế-hội hè, hay tiến vua. Gà bắt đầu đẻ lúc 160 ngày tuổi. Nếu để gà đẻ rồi tự ấp, 10 tháng đẻ 70 quả. Khối lượng trứng từ 48-55 gam/quả. Gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen.
HẢI VÂN
Thông tin khác:
Liên hiệp bề trên tổng quyền các dòng nữ trên thế giới lập quỹ cứu trợ cho các dòng nữ bị ảnh hưởng bởi đại dịch (07/07/2020)
ĐTC Phanxicô trợ giúp cho Chương trình Lương thực Thế giới (07/07/2020)
Đan Viện Thiên An (06/07/2020)
An ủi người bệnh Covid bằng tranh (06/07/2020)
Vui buồn nghề cộng tác viên (06/07/2020)
Thầm lặng nghề Morat (03/07/2020)
50 năm dòng Đức mẹ Người Nghèo (02/07/2020)
Môi sinh học của đời sống hằng ngày (02/07/2020)
Giữ gìn vệ sinh môi trường (02/07/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log