Tin tức - Hoạt động

Trầm mặc thánh đường

Cập nhật lúc 14:34 21/09/2020
Nhà thờ Chính tòa giáo phận Vĩnh Long. Ảnh: Bùi Thụy
Nhà thờ Chính tòa giáo phận Vĩnh Long. Ảnh: Bùi Thụy

Đứng trong khuôn viên rợp mát bóng cây với không gian tĩnh lặng rất lạ thường; tiếng chuông ngân nga trên tháp cao nhà thờ cứ thanh tao lan tỏa khắp bầu trời xanh của TP Vĩnh Long, bà Tôn Nữ Huyền Thanh, ngụ TP Huế vui vẻ nói: “Tôi là người Công giáo, do đặc thù công việc làm ăn nên thường đến với miền Tây, và cứ mỗi lần như vậy tôi đều ghé cầu nguyện tại nhà thờ Vĩnh Long bởi ở đây thấy lòng thư thái rất nhẹ nhàng”.

Nhà thờ có sức chứa tín hữu nhiều nhất Việt Nam

Nhà thờ ban đầu khởi công năm 1889 và hoàn tất năm 1894 với số tiền là 12.000 đồng. Nhà thờ thiết kế kiểu Roman dài 38m, ngang 19m, cao 16,7m, có 2 tháp chuông. Sau đó nhà thờ đã được trùng tu nhiều lần nhưng lần mới nhất vào thời điểm 1964 và hoàn thành năm 1967 với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Người thiết kế đồ án xây dưng là KTS Ngô Viết Thụ. Tuy vậy khi tiến hành thi công, nhiều người có trách nhiệm đã tự ý sửa chữa bản vẽ ban đầu dẫn đến tranh chấp bản quyền trong thời gian dài tuy vẫn giữ được gần như nguyên vẹn thiết kế ban đầu. Đây là nhà thờ giữ kỷ lục có sức chứa tin hữu lớn nhất Việt Nam với chiều dài trên 100m; rộng 36m; cao 27m. Trước năm 1975, nhà thờ thu hút hàng ngàn giáo dân đến từ nhiều địa phương lân cận như: Sa Đéc, Bến Tre, Cần Thơ...tham dự mỗi dịp có thánh lễ quan trọng. Nhà thờ Chính tòa Vĩnh Long hiện nay tọa lạc số 141 đường Lê Thái Tổ, phường 2, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. 

Sự hình thành của họ đạo Vĩnh Long 

Theo nhiều tài liệu để lại: trước đây Vĩnh Long không có nhà thờ, không có họ đạo vì bị quan quyền triều Nguyên cấm đạo ngặt nghèo. Khi thực dân Pháp chiếm một số tỉnh ở Nam Kỳ thì Vĩnh Long dần dần thoát khỏi lệnh cấm đạo. Sau đó linh mục Cordier trong quân đội Pháp xây dựng họ đạo tại Vĩnh Long. Cha là người thuộc địa phận Nam Vang, nên khi quân lính rút cha cũng phải rời Vĩnh Long. Tiếp đến là cha Guillon cai quản họ đạo Mỹ Tho kiêm luôn họ đạo Vĩnh Long. Đến năm 1866 Vĩnh Long được giao cho cha sở Cái Mơn là cha Gernot đảm trách. Thời này ông Phan Thanh Giản làm Tổng đốc Vĩnh Long. Ông là người thức thời hiểu dân và thân thiện với cha Gernot nên tạo nhiều điều kiện để họ đạo hoạt động.
Những vị linh mục kế tiếp từng trông coi nhà thờ Vĩnh Long gồm: cha Le Mec được gửi từ Sài Gòn xuống nhiệm sở Vĩnh Long. Trong 10 năm cha đã tổ chức nề nếp cho họ đạo. Năm 1869, cha xin mở trường và được các sư huynh từ Pháp sang giúp, học trò rất đông. Năm 1877 cha phó Cái Mơn là cha Faron đổi về Vĩnh Long. Vì sức yếu nên cha chỉ ở Vĩnh Long đến năm 1880 rồi về Thủ Dầu Một. Cha Lizé về thế được 7 năm, lập thêm nhiều họ nhánh. Năm 1885 miền Trung bất ổn, nhà thờ bị phá, bổn đạo bị giết, cha Hamon đưa giáo dân từ Bình Định đến tá túc tại Vĩnh Long. Trong 2 năm cư ngụ tại Vĩnh Long, cha Hamon giúp cha Lizé thật đắc lực. Khi cha Lizé lâm bệnh và mất tại Hồngkông 1887, cha Hamon còn ở lại coi họ đạo Vĩnh Long ít lâu rồi đưa giáo dân trở về Bình Định. Tiếp theo là các linh mục Lalement; Arkerman; Raphae Linh... Do nhiều biến cố lịch sử từ năm 1938 đến năm 1948, họ đạo Vĩnh Long không có cha sở. Năm 1948 linh mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang đang là Giám đốc Tiểu chủng viện được bổ nhiệm làm cha sở chánh tòa, kế đến là linh mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục. Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của họ đạo Vĩnh Long. Sau đó là sự cai quản của một số linh mục khác cho đến nay.
Trải qua 131 năm xây dựng và phát triển, nhà thờ Chính tòa Vĩnh Long ngày nay thật khang trang, to rộng. Bên cạnh đó là điểm dừng chân, tham quan, chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ thú của vùng đất Vĩnh Long, nơi được xem là “điểm xuất phát” của đạo Công giáo đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Tạ Văn Thanh, ngụ phường 4, TP Vĩnh Long cho biết: “người Công giáo chúng tôi luôn có ý thức xây dựng, bảo vệ thánh đường thiêng liêng của địa phương mình bởi đây là nơi thờ phụng Thiên Chúa, là niềm tự hào của tất cả giáo dân nơi đây. Ngoài ra, chúng tôi còn kể lại quá trình hình thành họ đạo Vĩnh Long cho cháu con hiểu để có cái nhìn trân quý hơn về ngôi nhà thờ của nơi mình đang sống”.

TRƯƠNG THANH LIÊM
Thông tin khác:
Suy nghĩ về việc Giáo hội Công giáo tham gia sự nghiệp giáo dục (18/09/2020)
Vatican phát hành bì thư vinh danh các anh hùng trong đại dịch (17/09/2020)
ĐTC ủng hộ sáng kiến ​​tặng một bữa ăn cho người nghèo của Giáo hội Slovakia (17/09/2020)
Tháp Babel hôm nay (16/09/2020)
Về nơi giáo xứ treo cờ Tổ quốc, giáo dân tặng vịt thoát nghèo (15/09/2020)
Hội nghị "Biểu dương gương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo" lần thứ V, giai đoạn 2015-2020 (11/09/2020)
Lãnh đạo Công giáo và Anh giáo ở Anh cầu nguyện cho hòa bình sau vụ đâm chém ở Birmingham (09/09/2020)
ĐTC tiếp nhóm vận động viên tham gia sáng kiến liên đới “We Run Together” (09/09/2020)
ĐHY Parolin truyền chức linh mục cho 29 phó tế của Opus Dei (08/09/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log